Tháng 2 vừa qua, Tây Ban Nha trở thành quốc gia Châu Âu đầu tiên trao cho phụ nữ quyền được nghỉ phép có lương trong kì kinh nguyệt. Rất nhiều đất nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia hay thậm chí Việt Nam cũng đã ban hành những quy định về Menstrual Leave (tạm dịch: nghỉ phép trong kỳ kinh nguyệt) trong luật lao động. Tuy nhiên, nhận thức của điều luật này trong môi trường làm việc thực tế còn rất hạn chế khi nhiều phụ nữ vẫn phải “nén đau” làm việc mỗi khi “đến tháng”. Tại sao Menstrual Leave lại cần thiết đối với người lao động nữ và vì sao dù đã có luật nhưng quyền của phụ nữ vẫn chưa được nâng cao?
- Nhận thức đúng đắn về kinh nguyệt
Menstrual Leave giúp thừa nhận và nâng cao nhận thức về vấn đề sức khỏe của phụ nữ trong kì kinh nguyệt. Những thay đổi sinh lý của phụ nữ trong kì kinh nguyệt là điều đã được biết đến từ lâu, nhưng lại hiếm khi được thảo luận nghiêm túc, bởi tâm lí e ngại và kì thị kinh nguyệt vẫn còn tiếp diễn. Mức độ ảnh hưởng của kinh nguyệt đối với mỗi người là khác nhau, bởi thế cũng sinh ra nhiều “đồn đoán” trái chiều.
Những nhà luật pháp chắc chắn không tin vào tin đồn, họ cần những bằng chứng xác thực hơn: khoa học. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của kinh nguyệt lên sức khỏe phụ nữ, trong đó nghiên cứu năm 2018 đăng tải trên Quartz trích lời Giáo sư John Guillebaud thuộc Đại học London (University College London), mô tả trải nghiệm đau bụng kinh của các bệnh nhân là “gần như tương đương với cơn đau tim”. Đau bụng kinh cũng diễn ra ở 84,1% phụ nữ (theo nghiên cứu trường Đại học Azienda Ospedaliero – Ý), trong đó 55,2% cần đến sự can thiệp của điều trị y tế. 44,6% phụ nữ tham gia khảo sát bày tỏ có sự giảm sút hiệu quả trong các thực hành xã hội (học tập và làm việc) trong kì kinh nguyệt. Ở vị trí những nhà làm luật hay doanh nghiệp khi cân nhắc những con số trên, một chính sách nghỉ phép trong kinh nguyệt cho phụ nữ không những bảo đảm sức khỏe cho nhân viên nữ mà còn giúp nâng cao hiệu suất công việc trong lâu dài, nhất là khi nhân viên có xu hướng làm việc năng suất hơn sau những ngày nghỉ.
- Mục đích tốt vẫn gây ra tranh cãi
Menstrual Leave đem lại những lợi ích rõ ràng, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi. Nhiều người nghĩ đau bụng kinh không thực sự nghiêm trọng với họ đến mức phải nghỉ làm và ngày nghỉ có thể làm gián đoạn công việc của họ. Luồng ý kiến phổ biến khác cho rằng Menstrual Leave, thay vì xóa bỏ, lại có nguy cơ làm sâu sắc thêm định kiến giới và kì thị kinh nguyệt. Nếu như mỗi kì kinh bạn được nghỉ phép thì phải chăng kinh nguyệt đang được coi như một “căn bệnh”? Nếu phụ nữ không thể đi làm vì kinh nguyệt, phải chăng họ được “lập trình” như “thứ yếu” về mặt sinh học so với đàn ông? Những đồng nghiệp nam sẽ nghĩ gì như mỗi tháng có vài đồng nghiệp nữ vắng mặt tại văn phòng? Nếu cô ấy không thể đi làm vào những ngày nhất định, liệu cô ấy có đủ tiêu chuẩn để được thăng chức? Hàng loạt nghi vấn được đặt ra về lợi ích thực sự của phụ nữ mà chính sách này mang lại. Thực tế cũng có những điều luật nhằm bảo vệ phụ nữ nhưng lại mang đến những tác động ngược như quy định về tuổi nghỉ hưu, quy định nghỉ chăm sóc con nhỏ,…Không ngạc nhiên khi nhiều nước còn dè dặt trong việc áp dụng điều luật này, ngay cả tại những nước phát triển, có chỉ số bình đẳng giới cao như các nước Châu Âu. Giữa những tranh cãi, nhìn nhận Menstrual Leave thế nào mới là hợp lí?
Quyền lợi và Nghĩa vụ
Cần hiểu rằng Menstrual Leave là một quyền lợi của người lao động nữ, không phải một nghĩa vụ, bởi vậy phụ nữ hoàn toàn có thể chọn lựa đi làm hoặc nghỉ làm vào những ngày kinh nguyệt nếu có sự thỏa thuận với phía doanh nghiệp. Sức khỏe không bị ảnh hưởng bởi kinh nguyệt cho phép bạn nhiệt huyết tại nơi làm việc, nhưng viễn cảnh đó sẽ là ác mộng với những phụ nữ có chiếc bụng đang nhói lên. Bạn có thể luôn muốn hiện diện trong công việc nhưng hãy cho người khác được có quãng nghỉ khi họ cần.
Gender equality và Gender equity
Gender equality và Gender equity là hai khái niệm thường bị dùng lẫn lộn như hàm ý sự bình đẳng. Tuy nhiên bản thân chúng có sự khác biệt đáng kể. Áp dụng vào chính sách cho người lao động, có thể hiểu như sau: Gender equality là khi người lao động, không kể giới, được trao cho những quyền lợi và cơ hội ngang nhau như: chính sách nghỉ phép, tiền lương, bảo hiểm, cơ hội thăng tiến, khối lượng công việc,…còn Gender equity là khi những khác biệt được nhận diện và mỗi người lao động được cung cấp những quyền lợi, nguồn lực cần thiết để có thể đạt được kết quả ngang nhau. Gender equity xét đến xuất phát điểm của mỗi cá nhân để trao cho họ cơ hội nhưng cũng không bỏ qua nỗ lực hay năng lực của mỗi người.
Menstrual Leave có thể được coi là giúp nâng cao Gender Equity. Chính sách này công nhận những khác biệt sinh học giữa nam và nữ, cụ thể là sức khỏe của phụ nữ do ảnh hưởng của kinh nguyệt. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là coi thường phụ nữ, cho rằng phụ nữ sinh ra đã “kém” hơn đàn ông. Việc có kinh nguyệt không quyết định được sức mạnh thể chất hay tinh thần nói chung của phụ nữ mà chỉ gây ảnh hưởng trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, càng không thể coi kinh nguyệt như một dạng bệnh lí và nghỉ phép kì kinh nguyệt là nghỉ ốm.
Nhìn nhận Menstrual Leave một cách tích cực không chỉ giúp phụ nữ tự tin sử dụng quyền của mình mà còn thúc đẩy những nhà làm luật hoàn thiện những quy định tương tự nhằm hiện thực hóa bình đẳng giới.
- Ban hành luật là chưa đủ
Lần đầu tiên tôi biết đến Menstrual Leave là khi sếp tôi kể về chuyện cô ấy đã cho phép nhân viên của mình không đến văn phòng nếu họ đang trong kì kinh nguyệt. Làm sao mà tôi lại không hay biết về quyền lợi của mình trong khi đã học qua môn Luật trong trường đại học? Tôi bèn hỏi mẹ mình, các chị gái và bạn bè nữ giới – những người đều đã gia nhập thị trường lao động. Có người mù tịt, có người từng thoáng nghe qua nhưng tuyệt nhiên không một ai từng được nghỉ có lương khi đến tháng. Ai nấy đều tròn mắt ngạc nhiên khi tôi bắt đầu trích dẫn những điều luật:
“Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tính vào giờ làm việc và hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ do thỏa thuận nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc/tháng. Trường hợp không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý thì người lao động sẽ được trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian được nghỉ mà vẫn làm việc.”
Một điều luật được ban hành trên phạm vi quốc gia nhưng lại ít được biết đến bởi ngay những người có quyền thực thi, chứng tỏ nó sự hiện diện của nó hầu như chỉ mới trên “giấy tờ”. Con số “30 phút” trong điều luật làm tôi không khỏi suy nghĩ, bởi phụ nữ đau bụng kinh dai dẳng và dữ dội trong suốt từ 1- 3 ngày đầu chu kì, làm sao 30 phút nghỉ ngơi có thể giúp xử lí cơn đau để tập trung làm việc?
Sự tò mò dẫn tôi tìm đến nguồn gốc của điều luật này. Theo chuyên gia lao động Nguyễn Thị Diệu Hồng, Việt Nam một trong những nước đầu tiên ban hành luật nghỉ làm việc trong kì kinh nguyệt ngay từ năm 1994 khi cân nhắc các điều kiện vệ sinh: “Ở Việt Nam, đầu những năm 1990 trở về trước, lao động nữ tập trung chủ yếu trong các công, nông trường của Nhà nước. Thời điểm đó, đồ dùng cho vệ sinh kỳ “đèn đỏ” của phụ nữ chủ yếu là vải màn nên cần thời gian thay giặt”.
Khi tiện ích vệ sinh được trang bị đầy đủ hơn, điều luật này ngay lập tức bộc lộ những điểm yếu. Công chức, viên chức hay mở rộng ra là nhân viên văn phòng không còn cần đến 30 phút chỉ để vệ sinh. Nhiều công nhân nữ sợ động chạm vào vấn đề “tế nhị” nên không dám nói với người phụ trách. Đặc biệt, các doanh nghiệp thường không quan tâm và bỏ qua quyền này với lao động nữ. Lý thuyết và thực tế triển khai điều luật đều cho thấy những bất cập, bởi cốt lõi vấn đề không xoay quanh sức khỏe phụ nữ.
Không thỏa mãn với tài liệu giấy, tôi bèn phỏng vấn luôn cả những cô bạn của mình. Có người kịch liệt phản đối điều luật, vì sợ rằng nếu cứ mỗi tháng đều nghỉ giữa giờ làm, sếp sẽ đánh giá là trốn việc, từ đó mà mất cơ hội thăng tiến. Suy đi ngẫm lại, tôi thấy cô bạn cũng có lí, bởi thực tế trong môi trường làm việc, nhận thức về kinh nguyệt và quyền phụ nữ chưa được nâng cao. Thay vì nhìn nhận như quyền lợi, nhiều phụ nữ dè chừng Menstrual Leave bởi trước mắt còn hàng tá những rào chắn mang tên “bất bình đẳng giới” mà họ phải xoay sở để vượt qua tại nơi làm việc.
Mỗi điều luật về quyền phụ nữ được ban hành đều là những bước tiến của thời đại, nhưng sẽ lợi bất cập hại nếu tâm lí kì thị kinh nguyệt vẫn hoành hành và nhận thức về bình đẳng giới vẫn còn yếu kém. 30 phút chắc chắn là không đủ để bất cứ phụ nữ nào nguôi cơn đơn bụng hay xua tan căng thẳng, cũng như một điều luật nếu không được thảo luận và cập nhật liên tục sẽ trở nên lỗi thời và vô ích.