
Liệu xã hội có tồn tại sự ghét bỏ và lảng tránh với kinh nguyệt?
Có một thời gian dài, tôi cảm thấy hai từ “kinh nguyệt” như một dạng từ cấm. Chỉ cần nghĩ đến thôi, tôi đã thấy bản thân mình không thoải mái lắm. Tôi sẽ tránh sử dụng thẳng thằng từ đó mà thay thế bằng những từ được cho là “lịch sự” và “tế nhị” hơn như: “đến ngày”, “rớt dâu”, “bị”, “đến kỳ”,… Và dĩ nhiên là nói nhỏ thôi.
Ngay cả đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa thực sự nói về kinh nguyệt một cách thoải mái. Là một chủ đề cấm, kinh nguyệt vắng bóng trong những cuộc trò chuyện thường ngày. Các bạn gái, chị em phụ nữ thì ý nhị trò chuyện, hỏi han về kinh nguyệt và giữ chủ đề ở trong vòng tròn nhỏ. Xã hội hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều, những khía cạnh xung quanh kinh nguyệt đã và đang được thảo luận, nhưng vẫn còn đó những trở ngại vô hình khiến cho kinh nguyệt chật vật đấu tranh với những định kiến và chưa vượt qua được ranh giới của sự thì thầm.
Nếu bạn thuộc phái nữ, bạn có thể thấy một (hoặc hơn một) điều dưới đây là quen thuộc:
Khi mua băng vệ sinh (bvs) ngoài cửa hàng, người bán hàng cho bvs vào túi nilon đen rồi đưa lại bạn.
Đây là một điều chính tôi đã quan sát và trải nghiệm. Túi nilon đen (mà không phải túi trong suốt) đồng nghĩa với “không được để lộ ra những sản phẩm liên quan đến kinh nguyệt, không được để lộ ra bản thân mình đang “đến kì” với người khác”. Nếu tôi ra cửa hàng và chỉ mua bvs, 8/10 người bán hàng sẽ cho bvs vào túi nilon đen và đưa lại cho tôi. Đến một thời điểm, tôi quyết định tự mình sẽ dừng điều đó lại. Hoặc là tôi sẽ nói với người bán hàng tôi không cần túi nilon vì tôi đã có túi riêng, hoặc là tôi sẽ cầm nguyên gói bvs về thẳng nhà nếu cửa hàng gần ngay với nơi tôi đang ở.
Một ví dụ nữa cho thấy việc phụ nữ cảm thấy áp lực vô hình phải che giấu việc mình đến kỳ là khi đi làm. Trải nghiệm cá nhân của tôi như sau: những ngày đang đến kỳ mà phải đi làm, tôi sẽ cố gắng nhớ mang theo bvs để sử dụng trong ngày. Và cứ khi nào tôi cần sử dụng, tôi cảm thấy mình như đang lén lút giấu giếm một món đồ. Khi có đồng nghiệp nữ hỏi mượn bvs hoặc bản thân mình là người hỏi mượn, có cảm giác như chúng tôi đang trao đổi “hàng cấm” và cố gắng đi vào nhà vệ sinh một cách thật tự nhiên.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc các công ty nên có một tủ đồ miễn phí gồm các sản phẩm liên quan đến kỳ kinh nguyệt dành cho các nhân viên nữ chưa?
Nữ giới “đến ngày” không được thắp hương tại bàn thờ, không được đi chùa.
Đây tiếp tục là một điều cấm kị tôi đã được nhắc nhở khi còn nhỏ. Tôi vẫn còn nhớ một lần, bác gái tôi nhờ tôi bưng mâm trái cây lên bàn thờ và nói nhỏ bác đang “đến ngày” nên không thể lên thắp hương. Tôi đã cố hỏi những người phụ nữ trong gia đình mình vì sao đó là điều cấm kị nhưng không ai có thể cho tôi một câu hỏi thích đáng, tất cả chỉ dừng lại ở ý niệm kinh nguyệt đồng nghĩa với “bẩn”, và phụ nữ “đến kì” không nên vấy bẩn những giá trị tâm linh thiêng liêng. Điều cấm kị đó cứ thế len lỏi vào tâm trí một con nhóc, và trong một thời gian dài, cứ khi nào “đến ngày”, tôi sẽ tự ý thức không thắp hương hay tham gia hoạt động đi chùa.
Thật mâu thuẫn: một mặt xã hội ngợi ca khả năng sinh sản và chức năng làm mẹ của người phụ nữ, một mặt lại duy trì những định kiến cố gắng hạ thấp phụ nữ và khiến cô ấy cảm thấy xấu hổ với đặc điểm sinh học của mình.
Trong những ngày đón kinh nguyệt, mặc đồ cần chú ý, nằm ngủ phải cẩn thận, tránh không để dây máu ra quần áo hay ga giường.
Hồi nhỏ tôi mang trong mình một nỗi sợ vô hình là mỗi khi đi ngủ (trong kì), tôi sẽ làm dây máu ra ga giường và sẽ bị mẹ phàn nàn, trách móc. Tôi cố gắng khắc phục điều đó bằng cách mua các sản phẩm bvs chuyên dùng cho ban đêm với kích thước dài hơn, dày hơn, nằm ngay ngắn hơn để đảm bảo không có gì dây ra ga giường. Nhưng bạn biết đấy, đôi lúc đó là chuyện hên xui.
Tôi ước gì kinh nguyệt không bị ghét bỏ đến thế, có lẽ phái nữ chúng ta đã có thể dịu dàng hơn với chính mình.
Kinh nguyệt là chuyện không nên (và không được) đề cập với nam giới.
Suy nghĩ này bắt đầu chính xác từ khi nào tôi không nhớ rõ. Nhưng nó đã theo tôi trong suốt quãng thời gian lớn lên. Chuyện kinh nguyệt luôn là những câu chuyện riêng tư của tôi và các bạn nữ.
Tôi nhớ một cảnh phim thường thấy trong các bộ phim truyền hình Mỹ: khi một nhân vật nữ nhắc đến vấn đề “kinh nguyệt”, các nhân vật nam giới sẽ ngay lập tức có phản ứng bịt tai, xua tay và nói những câu đùa cợt để từ chối nghe vấn đề này. Đây dường như là một phác họa chính xác của thực tế: thái độ ngần ngại, khó xử khi kinh nguyệt được nhắc đến. Thoát ra khỏi giới hạn của những cuộc trò chuyện thầm kín và riêng tư, người ta dường như có phản ứng ố á, xấu hổ khi nghe đến chuyện kinh nguyệt ngoài đời và tìm mọi cách có thể để ngăn chặn câu chuyện đi xa hơn – bởi dòng suy nghĩ nay gắn liền với những chi tiết không được sạch sẽ, những cấm kị từ xa xưa đã chuyển hóa thành định kiến nội tại.
Xã hội tự động gắn liền phụ nữ khi đang “đến ngày” với sự khó tính, khó chiều, cáu gắt, thất thường một cách vô lí.
“Đang đến ngày à?” – một câu hỏi châm chọc quen thuộc tưởng vô hại xuất hiện trong cả điện ảnh và ngoài đời, khi một người muốn phàn nàn về sự cáu gắt, thất thường của đối phương. Sự thật là, cho dù kinh nguyệt là vấn đề sinh học chung ở phụ nữ, nhưng không bạn nữ hay phụ nữ nào trải qua kỳ kinh nguyệt y hệt nhau. Có người cảm thấy đau đớn dữ dội, có người lại nhẹ nhàng như không. Có người nhạy cảm hơn, dễ xúc động hơn, có người lại thấy cáu kỉnh hơn một chút. Thậm chí ở cùng một người, sự thay đổi cũng có thể khác nhau trong những giai đoạn khác nhau (tôi đã từng chịu đựng những cơn chướng bụng hay đau lưng, nhưng giờ đây tôi lại nhận thức được là mình trở nên xúc động hơn trong những ngày này). Nhiều người chỉ chăm chăm vào việc kêu ca và “vạch trần” những gì họ cho là xấu ở phụ nữ mà quên mất bối cảnh toàn diện của vấn đề. Xã hội thường tập trung mô tả phụ nữ là những con người của cảm xúc và không lí trí như đàn ông, điều này càng tạo thêm một cái cớ để định kiến vẽ nên chân dung như trên của phụ nữ khi họ đến kỳ kinh nguyệt.
Những thay đổi sinh học khi phụ nữ đến kỳ có xảy ra không? Có. Nhưng có nên biến chúng thành công cụ để củng cố định kiến giới? Hoàn toàn không.
Và nếu câu chuyện kinh nguyệt được kể một cách khách quan, toàn diện trong một nỗ lực lắng nghe và thấu hiểu, có lẽ chúng ta sẽ biết cách dịu dàng và thông cảm hơn với những gì người phụ nữ đang phải trải qua.
Quan niệm rằng kinh nguyệt là một chủ đề nhạy cảm (thậm chí cấm kị), mất vệ sinh, xấu hổ đã theo tôi trong nhiều năm liền. Khi nhận thức thay đổi, tôi biết rằng tất cả những định kiến đó không hề đúng. Tôi “cởi trói” cho mình, học cách khoan dung với cơ thể, những vấn đề sinh học của riêng mình và trân trọng nó hơn. Tôi biết rằng việc có kinh nguyệt là một chuyện bình thường nhất quả Đất này. Tôi biết rằng tôi không cần phải giấu giếm, phải thì thầm, phải cảm thấy ngại ngùng mỗi khi tôi đến kì.
Phụ nữ có quyền yêu thương, dịu dàng, phàn nàn về kinh nguyệt, cũng có quyền được chia sẻ, được thảo luận về nó. Đã đến lúc, kinh nguyệt cần được bình thường hóa. Dù hành trình này không dễ dàng, nhưng tôi hy vọng từng ngày một, chúng ta có thể tìm được cách giải phóng mình khỏi những sợi dây định kiến trói buộc.