Tóm lại, một nam một nữ đi hẹn hò, ai là người trả tiền? Đây có lẽ là một băn khoăn không mới. Câu hỏi xuất hiện trong đầu khi hai bên đang lên kế hoạch cho buổi hẹn, khi đến nơi và nhìn thực đơn, hay thậm chí khi nhân viên phục vụ tiến đến, bối rối không biết phải đưa tờ hoá đơn cho ai khi cả hai người đang loay hoay rút ví, tìm thẻ.Ở bối cảnh hiện đại, những thảo luận về chủ đề tài chính trong mối quan hệ cũng cho rằng đã qua rồi cái thời đàn ông là người trả phí cho toàn bộ cuộc hẹn, và đưa ra một số cách xử sự để việc chi trả bình đẳng hơn giữa nam và nữ. Có một số cách thường gặp thế này. Cách đầu tiên là kế hoạch của ai, tiền người đó trả. Nếu bạn là người lập lịch trình, chọn địa điểm, thì bạn nên là người chịu chi phí cho buổi đi chơi đó. Thoạt nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng nếu suốt nhiều cuộc hẹn, chỉ có một trong hai là người chủ động lên kế hoạch thì sao? Cách tiếp theo là chia đôi sòng phẳng. Liệu như vậy có khó xử không, nếu một người gọi món đắt tiền hơn người kia, hay uống thêm một ly nước? Chia đôi bằng chằn chặn với một người mình đang hẹn hò thì có quá rạch ròi và thực dụng? Một cách nữa là lần lượt thay nhau trả tiền cho mỗi lần đi chơi. Nhưng có khi nào lựa chọn địa điểm của một người lại vượt quá ngân sách thông thường của người kia, hay chi phí cho những buổi hẹn liền nhau lại quá chênh lệch không?Những câu hỏi tôi đưa ra không nhằm phản đối những cách phân chia này – cá nhân tôi cũng từng sử dụng cả ba cách và những cách khác nữa trong các trường hợp khác nhau. Nhưng cần phải đặt câu hỏi để thấy rằng, sẽ không có một cách duy nhất nào là “liều thuốc tiên” hoàn toàn ứng nghiệm cho mọi cuộc hẹn, mọi cặp đôi. Ta không dễ dàng có được bình đẳng trong một mối quan hệ chỉ bằng việc phân chia “tình phí” theo một công thức định sẵn. Nhìn vào những cuộc hẹn, tôi tin rằng bình đẳng không chỉ nằm trên tờ hoá đơn.
Bình đẳng không chỉ nằm trên tờ hoá đơn, bởi còn nhiều định kiến vây quanh những con số được in trên tờ hoá đơn đó. Từ lâu, những định kiến về vai trò giới cho rằng nam giới phải thành đạt, phải là trụ cột, phải kiếm nhiều tiền hơn vợ hay bạn gái. Dẫu biết chúng có thể đặt lên vai người đàn ông những gánh nặng vô hình, nhưng những kỳ vọng về vị trí thượng đẳng trong tài chính là điều mà không ít nam giới cố gắng để đạt được. Với phụ nữ, họ lại bị đặt vào thế yếu, là người phụ thuộc, khi những lề thói thông thường sẽ khó cho họ đóng góp phần của mình cho cuộc hẹn hay những chuyến đi chơi. Rộng ra hơn, trong cách tiếp cận truyền thống, phụ nữ được khuyến khích giữ vai trò thụ động, nắm ít quyền lực và sự kiểm soát đối với các hoạt động hẹn hò. Ngược lại, nam giới ở thế chủ động hơn, là người lập kế hoạch, trả tiền và thậm chí là người gợi ý những tiếp xúc cơ thể trước – những điều có thể mang lại cho họ cảm giác quyền lực trong những quan niệm hẹn hò truyền thống.Nhiều người cũng cho rằng việc lo cho bạn gái, chi trả hết cho việc hẹn hò và thậm chí nhiều khoản phí khác trong mối quan hệ là cách nam giới thể hiện sự hào hoa, lịch thiệp. Vậy nên khi bạn gái đề xuất chia hoá đơn, đó có thể xem như một sự xúc phạm, “đe dọa” tới tính nam của họ. Cũng không thể không nhắc đến chênh lệch tiền lương theo giới. Đâu đó có người cho rằng, khi khoảng cách lương giữa hai giới còn tồn tại và phụ nữ còn được trả lương thấp hơn nam giới, thì cũng chẳng có gì sai nếu bạn trai gánh vác phần nhiều hay thậm chí toàn bộ hoá đơn của những lần hẹn hò. Thu nhập quyết định một phần rất lớn khả năng chi trả hay thói quen tiêu tiền, và điều này chắc chắn đòi hỏi những thảo luận lớn hơn và nghiêm túc hơn, chứ không chỉ đơn thuần là những con số nằm trên hoá đơn. Nhưng bình đẳng không chỉ nằm trên tờ hoá đơn, bởi còn có những khía cạnh khác của một mối quan hệ để cùng nhau vun đắp và san sẻ một cách bình đẳng. Khi một người đàn ông nhận trả tiền cho buổi hẹn, cũng đừng vội xem là anh ta đang phân biệt giới, bởi việc có phân biệt hay không còn được thể hiện rõ nét hơn trong cách anh ta trò chuyện và ứng xử, hay ngay trong chính thái độ khi anh ta xung phong nhận tờ hoá đơn. Mặt khác, một người có thể không thường xuyên cùng đóng góp cho những hoá đơn cà phê, ăn uống, xem phim, nhưng lại hay tặng quà, đi chợ, hoặc giúp những công việc để đối phương có thể tiết kiệm chi phí và thời gian như chạy xe, đưa đón, chăm sóc nhà cửa, làm “chân chạy” cho các việc vặt, v.v.
Thay vì băn khoăn ai thanh toán tờ hoá đơn hôm nay, hay bữa ăn này “cưa” thế nào, ta có thể nghĩ xem đối phương có quan tâm và lắng nghe mình không? Cách họ nói chuyện, hành xử có thiếu tôn trọng hay áp đặt mình vào một khuôn mẫu nào đó không? Mình có cảm thấy khó chịu với cách họ nói đến hay khoe mẽ khả năng tài chính? Nếu không là tài chính, người đó và bản thân mình có thể bổ sung cho cuộc sống của nhau trên những khía cạnh nào? Đối phương có đang cùng mình vun đắp mối quan hệ và bỏ ra những nỗ lực, đóng góp tương xứng ở mọi phương diện không? Việc ai trả tiền cho một buổi hẹn cũng là một cách để hiểu thêm về quan điểm bình đẳng giới cũng như tương lai mối quan hệ với họ, nhưng có hàng loạt những câu hỏi khác mà bạn cũng cần đặt ra cho bản thân để biết đối phương có phù hợp và “bình đẳng” với mình không. Chuyện tài chính giữa các cặp đôi không phải là một câu chuyện dễ bàn, nhưng nói về tiền bạc càng sớm và thường xuyên sẽ càng tốt hơn cho mối quan hệ của bạn. Không có kinh tế cũng không phải là vấn đề, điều quan trọng nhất là chọn nơi hẹn hò phù hợp với khả năng, nhất là nếu muốn mời người khác. Hai người cần được biết về khả năng kinh tế và thói quen chi tiêu của nhau, để hiểu hơn về cách dành thời gian cho nhau cũng như những ưu tiên khi đặt ra kế hoạch và mục tiêu trong cuộc sống. Đây là nền tảng để xây dựng lòng tin, hướng đến một mối quan hệ thành thật và lành mạnh. Học cách xử lý các vấn đề tiền bạc giữa hai người dựa trên chính những năng lực và quan điểm của mình, cũng là học cách để từng bước thoát ra khỏi những áp đặt và kỳ vọng của xã hội về tài chính và quyền lực của mỗi giới. Với cá nhân mình, tôi có thể tự mua ly cà phê của cả hai đứa khi đi ra ngoài với bạn trai hôm nay, và vui vẻ ăn món ăn anh tự tay nấu cho tôi vào ngày hôm sau. Tôi sẽ chẳng mong anh phải trả tiền cho tấm vé bảo tàng, sau khi chính anh đã chạy xe xuyên thành phố để đón tôi đến đây. Chúng tôi vui vì cả hai đều có thể thoải mái chia sẻ về khả năng và mong muốn, kỳ vọng của mình, không chỉ trong những buổi ăn chơi mà còn về vấn đề tài chính nói chung, và cả những vấn đề khác giữa hai người. Khi mỗi người đều được lắng nghe, được đóng góp phù hợp cho mối quan hệ, đó chính là bình đẳng.