Hồi bé, cứ khi “đến tháng”, tôi sẽ phải đối mặt với một nỗi sợ vô hình, rằng nếu tôi nằm ngủ không cẩn thận thì sẽ để lại “dấu vết” trên giường và bị bố mẹ trách móc. Sau này khi bước vào một mối quan hệ với người bạn trai hiện tại, tôi ướm hỏi anh sẽ làm gì nếu như có vết máu trên giường khi tôi đến kỳ. Anh trả lời: “Có gì đâu. Anh sẽ dọn cho em.”
Ngoài những cô bạn gái, bạn trai là người khác giới đầu tiên mà tôi muốn và có thể trò chuyện một cách thẳng thắn về kinh nguyệt.
Cuộc trò chuyện này chưa từng xảy ra trong gia đình tôi. Mẹ cũng trải qua kinh nguyệt, nhưng thực tế những điều chúng tôi trò chuyện hay chia sẻ về chủ đề này không có gì nhiều, chỉ dừng ở việc mẹ chỉ tôi cách dùng hay mua băng vệ sinh cho tôi. Và với bố, sẽ không có cuộc trò chuyện nào cả. Chúng tôi chỉ ngầm hiểu rằng tôi (hoặc mẹ và em gái) đang đến kỳ kinh nguyệt.

Kì thị kinh nguyệt không phải là một vấn đề lạ lẫm, ngược lại, nó có một lịch sử đứng sau hậu thuẫn. Ngay cả tên gọi chính xác của nó cũng không được khuyến khích gọi thẳng. Chẳng thế mà chúng ta có nhiều cách gọi thay thế đến vậy: “bà dì”, “đến tháng”, “rớt dâu”, “bị” – tất cả đều để tránh việc gọi thẳng cái tên “kinh nguyệt”. Chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông điệp, hình ảnh về sự dơ bẩn, ghê sợ, máu me, bất thường của kinh nguyệt – đến mức chúng ta quên mất rằng đó là một chuyện tự nhiên nhất trần đời này. Ngay cả với những người đàn ông hiện đại có tư tưởng cởi mở, có thể sẵn sàng chia sẻ và cố gắng xoa dịu, chăm sóc người phụ nữ trong kì kinh nguyệt, thì “bé dâu” vẫn là một chủ đề gì đó xa lạ mà không nhiều người đàn ông sẽ tự mình tìm hiểu.
Nói chuyện với nam giới về kinh nguyệt (ngay cả nếu người đó là người thân quen của bạn) là một chuyện nghe có vẻ tức cười, gượng gạo và không thực tế. Trong mối quan hệ yêu đương mà tính chất tình cảm và mức độ gắn kết có sự khác biệt hơn các mối quan hệ khác, tôi vẫn có cảm giác kinh nguyệt dường như vẫn là chuyện riêng của phụ nữ. Là phụ nữ, chúng ta được dạy không nên làm người khác cảm thấy không thoải mái với chuyện kinh nguyệt của mình. Chúng ta cũng được kỳ vọng là vẫn phải đi học, đi làm, hoạt động bình thường như những ngày khác. Đau bụng ư? Hãy cố gắng chịu đựng trong im lặng. Cảm xúc thất thường ư? Hãy biết tiết chế và đừng thể hiện ra ngoài, vì người ta có thể muốn tránh xa bạn. Chúng ta né tránh nói về kinh nguyệt trong đời thực và nhìn thấy trên quảng cáo là những hình ảnh của các cô gái năng động, tự do, thoải mái trong ngày kinh nguyệt. Nhưng thực tế có thể không phải như vậy. Dù ảnh hưởng của kinh nguyệt lên mỗi người phụ nữ là khác biệt nhưng nhìn chung, chúng ta không có nhận thức đầy đủ về cách kinh nguyệt thực sự tác động lên cơ thể người phụ nữ như thế nào.
Vậy nên, khi bước vào một mối quan hệ tình cảm khác giới, kinh nguyệt giống như một chủ đề không sớm thì muộn tôi cũng phải tìm cách nhắc đến với người kia. Nó là một cách để tôi thăm dò đối phương, hiểu về phản ứng của người đó với một vấn đề mà từ xưa đến nay vẫn bị coi là nhạy cảm và cấm kị. Nếu thay đổi góc nhìn một chút, chúng ta có thể coi việc nói chuyện về kinh nguyệt là một dấu hiệu, một bước tiến cho thấy bạn và đối phương đã thoải mái với nhau hơn, tin tưởng nhau hơn và mở lòng đón nhận nhau.

Người yêu tôi không phải một chàng trai có nhiều hiểu biết về kinh nguyệt. Anh không có thái độ kì thị, nhưng giống như đa số nam giới, những gì anh biết về kinh nguyệt chỉ dừng lại ở việc nó là một vấn đề sinh học của phụ nữ cũng như nội dung của các diễn ngôn trên truyền thông. Trò chuyện về một vấn đề sinh học tự nhiên tưởng dễ dàng mà có thể thách thức không tưởng. Bạn trai tôi dần hiểu rằng kinh nguyệt kì thật có thể chẳng dễ chịu và dễ dàng như những gì mà quảng cáo băng vệ sinh vẫn thể hiện. Tôi không đủ sức khỏe hay tinh thần để cảm thấy tràn đầy năng lượng để ra ngoài hoạt động. Tôi chỉ muốn nằm yên một chỗ.
Nói chuyện với đối phương về kinh nguyệt cũng là một cách để hiểu nhau hơn, hiểu về nhu cầu và sự khác biệt giữa nam – nữ. Nó cũng vừa là cách tôi tạo cơ hội cho bạn trai tôi quan tâm tôi, thể hiện tình cảm thông qua hành động và cũng chính là cách mà anh ấy có thể hiểu thêm về phụ nữ, gỡ bỏ những sự hiểu sai, hiểu chưa đúng về kinh nguyệt, về sự bất công mà phụ nữ phải chịu đựng. Với cá nhân tôi, nói chuyện về kinh nguyệt cũng là cách chúng tôi cải thiện hiệu quả giao tiếp trong mối quan hệ, thể hiện và khẳng định sự cam kết với nhau, giống như việc chúng ta vẫn thường kỳ vọng vào tình yêu là chỗ dựa tinh thần, là có thể là chính mình với cả ưu điểm, khuyết điểm. Ở đây, thì là một vấn đề sinh học không thể ngăn cản. Nếu những hành động quan tâm là một loại ngôn ngữ của tình yêu thì việc thông cảm, thấu hiểu và chăm sóc người phụ nữ trong những ngày kinh nguyệt là một hành động quan tâm thật đẹp, tử tế và thiết thực.
Thỉnh thoảng, tôi nhìn thấy những chàng trai đi mua băng vệ sinh là tôi bất giác mỉm cười và cảm thấy ấm áp trong lòng. Họ có thể mua giúp cho bất kì người phụ nữ nào: mẹ, em gái, người yêu hay một người bạn nào đó mà không có bất kì ngại ngùng nào. Khi đó, tôi thường tủm tỉm cười và thấy lòng ấm áp hơn một chút. Sẽ thật khó để khẳng định được đó có phải một người đàn ông tốt, nhưng những hình ảnh thoáng qua như vậy vẫn là một cái gì đó chưa phổ biến cho lắm vì thế có sức gây ấn tượng. Một mặt, tôi cảm thấy chúng ta cần bình thường hóa việc người đàn ông hiểu biết và chăm sóc người phụ nữ trong những ngày “đèn đỏ”. Một mặt, tôi vẫn ấn tượng và có thiện cảm với những người đàn ông như vậy. Với tôi, đó là hành động thể hiện một mức độ trưởng thành nhất định.
Việc trò chuyện với đối phương về kinh nguyệt là quyết định cá nhân của bạn. Nó cũng có thể liên quan đến thời gian quen biết giữa hai người. Nếu bạn không thoải mái nói chuyện về điều đó vì hai bạn chưa quen biết nhau chưa lâu, điều đó hoàn toàn ổn. Suy cho cùng, đó là vấn đề cá nhân của cơ thể, sức khỏe của bạn. Nhưng nếu bạn lựa chọn trò chuyện với đối phương về vấn đề này, tôi hi vọng một số mẹo nhỏ dưới đây có thể có ích cho bạn:
Chia nhỏ thông tin để chia sẻ: Việc chia sẻ về kinh nguyệt không nhất thiết phải là những cuộc trò chuyện nặng nề kéo dài. Bạn có thể chia sẻ dần dà từng khía cạnh, từ kiểu đau mà bạn phải chịu, thói quen sinh hoạt trong những ngày đó cũng như cách bạn mong muốn được quan tâm trong những ngày này.
Thành thật về cảm xúc và cảm giác của bạn: Nếu có điều gì tôi học được trong quá trình trưởng thành của mình, thì đó chính là việc không giảm nhẹ hay gạt bỏ cảm xúc của mình với tư cách là một người phụ nữ, để làm hài lòng ai đó hay khiến ai đó cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Nếu kinh nguyệt khiến bạn đau đớn, bất tiện, hãy thành thật với chính mình và với chia sẻ với đối phương.
Sẵn sàng lắng nghe và trao đổi những thắc mắc: Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường an toàn để cả hai có thể chia sẻ những suy nghĩ và thắc mắc của mình.
Học cách chia sẻ và giao tiếp về kinh nguyệt với nửa kia cũng là cách để tôi tự quan sát những suy nghĩ của chính mình. Mười năm trước, những suy nghĩ về kinh nguyệt của tôi đóng khung trong sự ngần ngại và che giấu. Giờ đây, tôi đã có thể chia sẻ về nó thoải mái hơn, nhìn nhận đúng đắn hơn, bao dung hơn với chính mình và chia sẻ cùng với những người phụ nữ khác. Trò chuyện với bạn trai về kinh nguyệt là dấu hiệu để cả hai chúng tôi học cách mở lòng, chăm sóc lẫn nhau và gắn bó với nhau hơn.
Và