Ảnh: Genie Espinosa
Chẳng cần động tay động chân, một nút “send” cũng có thể là hành vi bạo lực tình dục.
Hồi tôi lớp 10, các bạn nữ trong lớp tôi thường thì thầm tai nhau về một gã biến thái rình rập trong bụi cây bên lề những con đường vắng người. Nữ sinh đi học phụ đạo về những buổi tối luôn phải nơm nớp lo sợ vì bất cứ lúc nào, gã cũng có thể xộc thẳng ra trước mũi xe, vung vẩy cái “của quý” như người động kinh lên cơn, kèm theo điệu cười dâm đãng đến rợn người. Người từng bị hắn dọa đều hồn phách tứ tung, và nỗi sợ cứ thế lan truyền như với tốc độ truyền bệnh virus qua những câu chuyện mà hồi ấy người ta gọi là “chuyện con gái”, lũ con trai tuyệt đối không được nghe, bởi vì xấu hổ làm sao, một thiếu nữ 15, 16 tuổi tận mắt chứng kiến bộ phận nhạy cảm của đàn ông (!)
Kí ức chắp vá về gã đàn ông kia sẽ mãi chỉ như bao trò dọa nạt ông ba bị nếu như gần đây chính tôi không phải trải nghiệm điều kinh khủng tương tự, dù là ở một không gian hoàn toàn khác: qua màn hình máy tính. Tôi còn nhớ mình đã háo hức ra sao khi cô bạn rủ tham gia vào một nền tảng trực tuyến tên Omegle, với mục đích gặp người ngoại quốc để luyện tập giao tiếp tiếng Anh. Và rồi niềm háo hức ngay lập tức chuyển hóa thành cơn hoảng loạn và gờn gợn buồn nôn trong cổ họng, khi một gã Tây da trắng chĩa thẳng camera vào “của quý” đang dựng ngược lên của hắn. Hắn chỉ yên lặng, nhưng chúng tôi thì bàng hoàng hét lên. Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng đến giờ vẫn ám ảnh tôi. Và gã biến thái năm xưa đôi khi cũng đột ngột trở lại trong tâm trí…
Indecent Exposure là gì?

Indecent Exposure (từ lóng: Flashing) là hành động cố ý để lộ bộ phận sinh dục một cách bất ngờ mà không có sự đồng thuận từ người nhìn. Trước đây, những người cố ý “khoe” bộ phận nhạy cảm, thường được gọi là flasher, thường xuất hiện ở nơi công cộng như công viên, đường phố hay trên xe bus và tàu điện ngầm. Khi mạng xã hội phát triển, các flashers có thể lộng hành bằng cách chủ động gửi hình ảnh/video “vùng kín” của mình cho nạn nhân qua tin nhắn hoặc cố ý để lộ trong cuộc gọi video/livestream. Khi Indecent Exposure diễn ra trên không gian mạng, chúng được gọi với tiếng lóng là cyberflashing.
Tại nhiều quốc gia, Indecent Exposure được xem là một hình thức bạo lực tình dục. Nạn nhân trải qua Indecent Exposure thường có cảm giác sợ hãi và hoang mang, một số thậm chí bị ám ảnh tâm lý lâu dài, dẫn đến nhiều nỗi sợ khác, điển hình như sợ nơi công cộng, sợ chỗ tối hay sợ quan hệ tình dục và tiếp xúc thân mật
Tội ác sau màn hình…

Mặc cho đã bị nhãn dán “vi phạm pháp luật” ở nhiều nơi, Indecent Exposure vẫn xảy ra hằng ngày, đe dọa vô số nạn nhân, mà đáng buồn thay, đa số là phụ nữ. Chỉ trong năm 2020, cảnh sát tại Anh và xứ Wales đã ghi nhận hơn 10 nghìn trường hợp có hành vi cố tình để lộ “vùng kín”. Cứ 10 người phụ nữ độ tuổi 16 đến 74 thì có 1 nạn nhân của hành vi này.
Tại Việt Nam cũng tồn tại những vụ việc tương tự. Tuy không có số liệu cụ thể, nhưng không khó để tìm thấy những bài báo về những kẻ biến thái phô dâm ở công viên, lề đường hay xe bus.
Khi mạng xã hội phát triển và người ta lên mạng nói chuyện nhiều hơn hẹn nhau đi cafe, sự đồi bại của hành này vì thế cũng chuyển dịch…online. Điển hình của cyberflashing là dick pic (ảnh dương vật). Chuyện gửi ảnh “của quý” trần như nhộng phổ biến đến nỗi cứ mỗi năm khi người ta làm khảo sát, các con số lại dao động với biên độ chóng mặt. Tại Mỹ, một khảo sát mới đây vào năm 2022 trên 2045 phụ nữ và 298 đàn ông đồng tính cho thấy 49,6% phụ nữ và 80,5% nam giới đồng tính đều đã nhận được dick pic qua điện thoại mà hầu hết là không hề đòi hỏi hay được thông báo trước.
Những trang web gọi video và hẹn hò trực tuyến cũng trở thành “thánh địa” của cyberflashing. Khảo sát năm 2018 bởi Viện Công luận Pháp (IFOP) chỉ ra 42% phụ nữ sử dụng các trang web hẹn hò bị gửi cho những dick pic không mong muốn, con số tăng lên 63% đối với phụ nữ nhóm tuổi 18-24.
…dường như “được tha bổng

Những con số thì đáng lo nhưng Indecent Exposure vẫn là “con voi trong căn phòng”, ai cũng biết nhưng chẳng ai buồn nhắc đến, huống chi là tìm cách giải quyết. Tôi có những người bạn thường xuyên bị làm phiền bởi những kẻ biến thái trên app hẹn hò hay nền tảng gọi trực tuyến. Họ hay đùa rằng, tần suất gặp phải những kẻ như thế còn lớn hơn xác suất gặp được ý trung nhân. Tôi lại hỏi họ, vậy bị quấy rối xong thì làm gì? Câu trả lời của họ nhẹ bẫng như một câu đùa: “Chẳng làm gì cả”. Họ nhẹ nhàng block tài khoản (cô nào nóng tính thì thêm câu chửi thề) rồi thôi, cứ thế mỗi ngày trôi qua danh sách block lại dài thêm. Có cô bạn xinh xắn như hoa khôi còn phải giải tán tài khoản Tinder vì hộp chat quá nhiều ảnh khiếm nhã xóa không xuể.
Hầu hết chúng ta đều không nhận thức được phô dâm là một hành vi vi phạm pháp luật, hoặc nếu có thì người ta cũng hay tặc lưỡi cho qua vì tần suất diễn ra thường xuyên đến mức nạn nhân đã quen và chẳng thèm bận tâm, những dư chấn tâm lí cũng trở nên cùn và trơ. Hơn nữa, “chẳng ai lại đi báo cảnh sát có người gửi ảnh “của quý” cho mình” – cô bạn tôi vô tư bày tỏ – “thế chẳng khác nào mỗi lần nhận được tin nhắn spam hay cuộc gọi tiếp thị bảo hiểm lại kêu chính quyền”. Quả thật là sống chung với lũ lâu ngày, người ta không còn nhận ra đâu là lũ đâu là nước nữa mà đã bị tẩy não đến mức coi đó là một phần cuộc sống, ai chịu được thì chịu, ai không chịu được thì tự giác “exit”, “xóa app”, “tắt wifi”.
Chính từ toàn xã hội cũng chưa có nhìn nhận đúng đắn về hành vi phô dâm. Trên báo, người ta chủ yếu coi đó là “bệnh tâm lí”, “lệch lạc tình dục” thay vì là một tội phải bị xử lí khi vi phạm. Tôi tự hỏi nếu cứ đem chữ “bệnh” để biện minh thì liệu số người bị cái “bệnh” đấy có nhiều bằng số nạn nhân trải qua sang chấn tâm lí sau khi bị người “bệnh” làm cho đổ bệnh hay không?
Trở lại với câu chuyện của mình, tôi vẫn chưa thể tin được mình lại tấn công tình dục khi mặt vẫn đang hớn hở vì sắp được nói chuyện với người nước ngoài. Qua cơn bàng hoàng tôi đem chuyện kể với mẹ để tìm kiếm sự trợ giúp, mẹ tôi thở dài vỗ về rồi chốt hạ một câu: “Thôi lần sau con đừng vào web đó nữa”. Mẹ dặn: phải biết bảo vệ bản thân. Đến bao giờ người ta mới thôi bắt nạn nhân bảo vệ bản thân mà xắn tay áo lên và giáo dục lũ thủ phạm cho ra hồn?
Bạn cần lên tiếng nếu muốn được lắng nghe
Năm 2019, một thanh niên ở Hà Nội đã cố ý tiến gần hai hành khách nữ và thủ dâm trên xe bus. Điều đáng nói là anh này sau đó chỉ bị xử phạt…200,000 vì làm…mất trật tự công cộng. Mức phạt thấp đến bất ngờ là do pháp luật chưa có chế tài rõ ràng về hành vi thủ dâm, phô dâm nơi công cộng. Chưa kể, sự an toàn của các nạn nhân cũng không được đảm bảo kể cả sau khi thủ phạm đã bị “phạt”.
Nỗi lo đã dấy lên khiến các luật sư và dư luận buộc phải lên tiếng. Theo nhiều luật sư, hành vi này có thể bị quy vào tội quấy rối tình dục và cần có hình phạt nghiêm khắc hơn. Tin vui xuất hiện khi từ 1/1/2022, hành vi kích dục, khiêu dâm nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Rõ ràng, pháp luật đã lắng nghe tiếng nói của chúng ta.
Mỗi lần được “chọn mặt gửi vàng” tâm sự chuyện bị quấy rối, điều đầu tiên tôi làm là cảm ơn nạn nhân vì đã nói ra, như thế có nghĩa là họ vẫn quan tâm đến cảm xúc của mình và muốn phản kháng chứ không im lặng chịu đựng một mình. Thay vì thở dài giống mẹ tôi, tôi nhất quyết bảo họ hãy báo cáo và yêu cầu người có thẩm quyền vào cuộc, vì chẳng có gì phiền toái và xấu hổ khi nói lên quyền của mình. Ngay cả khi luật pháp còn bất cập và xã hội chưa có đủ nhận thức về hình thức tấn công tình dục này, những tiếng nói liên tục cất lên, những báo cáo trung thực và kiên trì nhất định sẽ được chú ý.
Ngăn chặn những tên biến thái có khó không? Có! Đó chắc chắn sẽ là một quá trình dài hạn đòi hỏi nỗ lực và can thiệp không ngừng của cả luật pháp cũng như chính những nạn nhân. Tiếng nói của họ sẽ thôi thúc sự cảm thông và hành động từ cộng đồng để chung tay xóa bỏ những hành vi đồi bại.