NOI kết hợp với Ngân hàng số TNEX mang đến cho bạn những bài viết về kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân để khám phá cách chúng ta có thể điều hướng tình yêu và tiền bạc.

Chúng ta thường gắn tình yêu với sự chia sẻ. Cũng đúng thôi, sao có thể gọi là tình yêu hay hôn nhân đúng nghĩa nếu chúng ta không chia sẻ với người yêu, người bạn đời những điều về bản thân mình hay lắng nghe, chấp nhận những điều người kia chia sẻ? Khi hai người bước vào một mối quan hệ nghiêm túc, ngay cả thói quen chi tiêu, quan điểm về tiền bạc – vốn dĩ là một chủ đề nhạy cảm, một ngày nào đó cũng cần được chia sẻ. “Tiền của em cũng là tiền của anh”, chúng ta sẽ chuyển đến sống chung với nhau, mở chung một tài khoản, quyết định kết hôn, quyết định có con (hoặc không).
Nhưng liệu rằng bạn nên dành hết tài chính của mình vào một mối quan hệ? Tôi đã từng nghĩ, nếu phải cãi nhau về chuyện tiền bạc thì đó là một chuyện gì đó thật xấu hổ và đáng ngại. Tôi có cảm giác mình sẽ trở thành một người phụ nữ thực dụng, không được khôn ngoan cho lắm nếu như xích mích với người yêu về tiền bạc.
Xét cho cùng, người ta thường thích nói về nến, hoa hồng, nhẫn cưới hơn là tình yêu và tiền bạc.
Vậy nhưng, khi chính thức sống cuộc sống của một người trưởng thành và dần có thu nhập để tự nuôi sống chính mình mà không cần dựa vào gia đình, tôi hiểu hơn tầm quan trọng của độc lập tài chính. Đến khi bước vào mối quan hệ yêu đương nghiêm túc, tôi bắt đầu nhận ra ảnh hưởng của tiền bạc đến tình yêu chân thật và rõ nét hơn nhiều những gì chúng ta muốn nói về nó. Và sự nhận thức đó càng trở thành một phần quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi khi cả hai chuyển vào một mái nhà, có quỹ chi tiêu chung và có những quyết định mua sắm cần sự đồng thuận của cả hai.
Độc lập tài chính cho bạn quyền lựa chọn
Sự thật về tình yêu và tài chính có nhiều khía cạnh hơn là những câu chuyện tình yêu lãng mạn trên bề mặt. Ở góc độ cá nhân, việc độc lập tài chính cho tôi được đưa ra những lựa chọn khác nhau trong cuộc sống, từ việc thuê nhà, mua đồ ăn hàng ngày, du lịch ở đâu, chăm sóc thú cưng như thế nào,… Trong mối quan hệ tình cảm, việc cả hai đều độc lập tài chính giúp chúng tôi bình đẳng với nhau trong các quyết định mua sắm, chi tiêu. Việc trò chuyện về tiền bạc không đơn giản. Chúng tôi đã có nhiều mâu thuẫn, xích mích, thậm chí cãi vã về những bất đồng về quan điểm và cảm xúc. Nhưng cả hai đều hiểu rằng, tài chính là một nhân tố có tác động lớn đến cuộc sống nói chung và mối quan hệ nói riêng. Chúng tôi cần phải trò chuyện, trao đổi thường xuyên, thậm chí cần có những bất đồng trước khi có thể tiến tới một tiếng nói chung.
Điều quan trọng là cả hai đều chân thành muốn vun đắp cho mối quan hệ dài lâu và tôn trọng đối phương, chứ không muốn cán cân quyền lực nghiêng về chỉ một phía nào đó.
Không có gì là không lãng mạn khi tôi độc lập tài chính
Có đủ tiền để rời bỏ người mình yêu? Nghe thật không lãng mạn cho lắm. Giống như chúng ta đang lừa dối người đó hay ở trong một mối quan hệ không hạnh phúc đến mức chúng ta cần chuẩn bị để rời đi.
Thực tế, có rất nhiều người (không chỉ là phụ nữ) cảm thấy mình phải ở lại mối quan hệ họ không còn tha thiết vì cảm giác ràng buộc về tiền bạc. Thật khó để cắt nghĩa chính xác từng mối lo, bởi mỗi người sẽ ở trong hoàn cảnh khác với người kia: họ có thể đang phải chăm sóc ba mẹ ốm đau, họ có con nhỏ và cần đến những khoản tiền lớn để nuôi con,…
Nhận thức mình cần độc lập tài chính không đồng nghĩa với việc tôi đang lừa dối trong mối quan hệ. Với cá nhân tôi, điều này có nghĩa là chừng nào tôi còn ở lại trong mối quan hệ này, là bởi vì tôi thật lòng yêu thương đối phương và hạnh phúc với mối quan hệ của mình. Độc lập tài chính giúp tôi giảm bớt gánh nặng tài chính trên vai một người. Tôi lựa chọn ở bên người đó vì tôi muốn như vậy, chứ không phải vì khó xử hay ràng buộc nào đó. Điều đó cũng không có nghĩa là tôi cần phải kiếm nhiều tiền hơn người kia, hay thể hiện ra bên ngoài “tôi có tiền, tôi không sợ rời bỏ anh” nhưng tôi cần chắc chắn rằng tôi có thể tự chăm sóc bản thân nếu một ngày mối quan hệ kết thúc. Tôi tin rằng không ai trong chúng ta muốn mắc kẹt trong một mối quan hệ không còn hạnh phúc.
Biết được bản thân có khả năng tự chăm sóc mình về mặt tài chính là một cách để tôi sống cuộc đời mình muốn. Nếu mối quan hệ kết thúc, chắc hẳn tôi sẽ gặp những trở ngại nhất định ban đầu: tìm kiếm một nơi ở mới, làm lại thói quen chi tiêu,… nhưng tôi biết rằng rồi mình sẽ ổn thôi.
Vậy nên, đi qua những ngọt ngào và hứa hẹn thuở đầu, là khi chúng ta thực sự bước vào một mối quan hệ thực sự. Học cách trò chuyện về tiền bạc là điều kiện không thể thiếu để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, chân thành và dài lâu.
Quản lý tiền là một kỹ năng cần học
Quản lý tài chính cá nhân và quản lý quỹ chung của hai người là một kỹ năng mà mỗi người đều cần học. Một số mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân và của chung:
- Bắt đầu với một ứng dụng quản lý tài chính hoặc ghi chép sổ tay
- Khi bạn muốn mua một thứ gì đó, có thể dành ra một khoảng thời gian chờ đợi trước khi bấm nút thanh toán. Nếu sau 1-2 ngày, bạn không còn nghĩ về nó nhiều nữa, có lẽ đó không phải một món đồ cần thiết.
- Theo dõi chi tiêu từng ngày một, kể cả những khoản chi tiêu nhỏ nhất. Tôi thường có thói quen bỏ qua những khoản chi tiêu nhỏ như trong khoảng từ 10-50K, thường là vì tôi quên mất. Nhưng “tích tiểu thành đại”, những khoản chi tiêu nhỏ khi dồn lại sẽ đáng giá kha khá.
- Ngay khi vừa nhận lương, hãy trích ra một khoản tiền và để vào tài khoản tiết kiệm của bạn.
- Luôn nhớ rằng giao tiếp là chìa khóa của một mối quan hệ lành mạnh. Hãy luôn thẳng thắn trò chuyện với nửa kia về quan điểm tiền bạc, vấn đề bạn đang gặp phải, mong muốn của bạn liên quan đến việc chi tiêu,… để cả hai cùng lắng nghe và học cách hiểu nhau.
Nhìn vào chênh lệch thu nhập và áp lực tài chính qua lăng kính bình đẳng giới
Trrước khi kết bài, tôi muốn chia sẻ với bạn một góc nhìn khác về thu nhập qua lăng kính bình đẳng giới. Theo tờ The Economist, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nữ giới đi làm cao nhất trên thế giới. Trang Học để Hành – School of Activism (một sáng kiến phi lợi nhuận cung cấp nền tảng thảo luận và học những kiến thức cơ bản về hoạt động xã hội) dịch thông tin trong bài báo như sau: “Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ (tức là tỷ lệ phụ nữ đang làm công việc được trả lương hoặc đang tìm việc làm) cao nhất thế giới. Khoảng 79% phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi đang tham gia lực lượng lao động, so với 86% của nam giới. Con số này cao hơn so với tất cả các thành viên của OECD ngoại trừ Iceland, Thụy Điển và Thụy Sĩ, và cao hơn Trung Quốc, láng giềng phía bắc của Việt Nam.”
Nhưng liệu tỉ lệ nữ giới đi làm cao như vậy đã phản ánh trọn vẹn về thực trạng bình đẳng giới tại Việt Nam? Học để Hành – School of Activism tiếp tục với bài viết đề cập đến một cách diễn giải khác khi đọc những số liệu trên.
“Phụ nữ tại Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều cản trở. Áp lực vừa phải làm việc nhà tốt vừa làm việc tốt vẫn đặt rất gánh nặng lên phụ nữ. Bài viết đề cập: “Xu hướng nam giới làm công việc được trả lương và nữ giới làm công việc dễ bị tổn thương vẫn duy trì ở mức cao kể từ năm 2010. Phụ nữ có xu hướng tham gia khu vực kinh tế phi và bán chính thức (người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định) cao hơn nam giới. Phụ nữ ở Việt Nam phải mang “gánh nặng kép”: tích cực tham gia hoạt động kinh tế và đồng thời cũng phải “lao động chăm sóc không lương” (bao gồm việc nhà) một cách không tương xứng.” (Trích “Một góc nhìn khác về bài viết “VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG NHỮNG QUỐC GIA CÓ TỶ LỆ PHỤ NỮ ĐI LÀM CAO NHẤT THẾ GIỚI”)
Độc lập tài chính, mở rộng lựa chọn. Không ai đoán được chính xác điều gì sẽ xảy ra ở phía trước. Ngay cả khi tin tưởng đối phương, tôi cũng không quên chính tôi là một người bạn của mình, tôi cần tin tưởng bản thân và tự chăm sóc được mình dù độc thân hay gắn bó với ai đó. Có như vậy, tôi cũng mới đủ khả năng để yêu thương và ủng hộ người mình yêu.