NOI kết hợp với Ngân hàng số TNEX mang đến cho bạn những bài viết về kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân để khám phá cách chúng ta có thể điều hướng tình yêu và tiền bạc.

Hãy tưởng tượng một câu chuyện:
Bạn và Minh – người bạn đời của bạn đã kết hôn được hai năm. Hai người đều có công việc ổn định với mức thu nhập khá so với trung bình ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi người có một tài khoản ngân hàng riêng (hai người đều biết điều này) và một tài khoản ngân hàng chung chuyên giữ tiền sinh hoạt chung cùng khoản tiết kiệm. Cả hai có những cuộc trò chuyện, trao đổi về tài chính khi cần thiết, bạn tự tin mình hiểu Minh cũng như thói quen chi tiêu của người bạn đời. Bạn cảm thấy tin tưởng và hạnh phúc với cuộc hôn nhân này.
Cho đến một ngày, bạn tình cờ phát hiện Minh có một khoản nợ cao ngất ngưởng lên đến 300 triệu đồng.
Đó là lúc bạn biết bội tín tài chính đã và đang xảy ra trong mối quan hệ của bạn.
Bội tín tài chính (thuật ngữ tiếng Anh: financial infidelity) là khái niệm chỉ việc chi tiêu một số tiền lớn, sở hữu một hay nhiều thẻ tín dụng, có tài khoản ngân hàng hay cất trữ một khoản tiền mặt bí mật, mượn tiền, nợ nần,… – tất cả những việc này thực hiện bởi một trong hai người khi đang ở trong một mối quan hệ tình yêu nghiêm túc/hôn nhân mà đối phương không hay. Nói cách khác, một người trong mối quan hệ có những bí mật về tiền bạc mà không nói cho người còn lại biết. Từ vài lần tặc lưỡi quẹt tạm thẻ tín dụng và tự nhủ sẽ trả lại sau đến những khoản nợ nần hàng chục, hàng trăm triệu đồng, những tài khoản tín dụng hay những khoản tiền cất giấu riêng.
Có thể gọi một hành vi là bội tín tài chính hoặc chứa đựng dấu hiệu để trở thành bội tín tài chính khi:
- Chủ ý giấu giếm một điều gì đó
- Có quỹ riêng mà không cho đối phương biết
- Bí mật mở một tài khoản tín dụng khác
- Có sở thích cho những thứ đắt tiền nhưng không thể chi trả trong khả năng
- Chi tiêu một khoản tiền lớn mà không có giải thích rõ ràng
- Tìm cách thoái thác vào việc tham gia những việc liên quan đến vay ngân hàng một khoản tiền lớn: mua nhà, mua ô tô,…
Những hệ quả mà bội tín tài chính mang đến cho mối quan hệ
Việc bội tín tài chính không chỉ dẫn đến những nguy cơ hiển nhiên về tài chính, khi bí mật dần trở nên quá lớn để có thể tiếp tục giấu nhẹm. Khi bong bóng bí mật vỡ ra, nó kéo theo những gánh nặng không chỉ về tài chính mà còn về tinh thần mà đối phương phải chịu đựng. Nó còn có thể trở thành nguyên nhân khiến nền tảng niềm tin giữa hai người lung lay và mối quan hệ đổ vỡ.
Nếu vấn đề bị giấu giếm nằm ở mức độ lớn trong một thời gian dài, sự tổn thương nặng nề về cảm xúc mà người còn lại phải gánh chịu là không thể tránh khỏi. Điều khác biệt của bội tín tài chính với việc đãng trí nhất thời hay sự bất cẩn, thiếu tính toán trong việc chi tiêu nằm ở chỗ một người giấu giếm đối phương về vấn đề nào đó một cách hoàn toàn có chủ đích và tự lựa chọn. Ở đây, người thực hiện hành vi bội tín tài chính hoàn toàn ý thức được việc lựa chọn giấu giếm bạn đời của mình về khoản nợ hay quỹ tiền đó. Vậy nên, những cảm xúc tiêu cực như: thất vọng, đau đớn, cảm thấy bị phản bội là hoàn toàn có thể xảy ra, hay sự nghi ngờ vẫn luôn có khả năng tiếp diễn ngay cả khi hai người quyết định hàn gắn mối quan hệ.
Tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm và khó nói, ngay cả đối với những cặp đôi đã kết hôn lâu năm. Phần lớn các cặp đôi đều có những trận cãi vã, sự mâu thuẫn, xích mích đến từ những bất đồng về quan điểm tài chính, chuyện chi tiêu hay lối sống. Trong khi đó, niềm tin là nền tảng của tình yêu (hay bất cứ mối quan hệ nào). Vì vậy, việc học cách trò chuyện thoải mái và thẳng thắn với nhau về tiền bạc là điều không thể thiếu để duy trì một mối quan hệ lành mạnh, cân bằng. Đây là bước đầu trong việc thiết lập cách thức riêng của mỗi cặp đôi trong việc trao đổi và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính.
Nguyên nhân nào dẫn đến bội tín tài chính?
Nếu như đang ở trong một mối quan hệ tình cảm/hôn nhân nghiêm túc, vì sao chúng ta lại cảm thấy phải giấu giếm đối phương về vấn đề tiền bạc của mình? Có vô vàn nguyên nhân dẫn đến việc bội tín tài chính, thậm chí có những nguyên nhân khó có thể lý giải tường tận mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Chúng ta thường nghĩ với tiền bạc và gắn nó với lý trí. Kì thực, tiền bạc lại là một vấn đề không phải lúc nào cũng logic như chúng ta mong đợi.
- Cảm giác xấu hổ và lo sợ bị đánh giá hay bị ruồng bỏ khi phải thừa nhận mình đang nợ nần nên càng cố gắng giấu càng lâu càng tốt
- Muốn thoát khỏi mối quan hệ và có một khoản tiền riêng để cảm thấy an toàn sau đó (ở đây, chúng ta không bàn đến lý do đằng sau của việc muốn rời bỏ mối quan hệ là gì).
- Thói quen chi tiêu vượt ngoài kiểm soát và vượt ngoài khả năng kiếm tiền, nhưng không muốn cho đối phương biết.
- Việc thiếu giao tiếp minh bạch, thoải mái về các khía cạnh liên quan đến tiền bạc dẫn đến sự ngần ngại, lần lữa trong việc trao đổi.
- Chênh lệch trong sự bình đẳng của mối quan hệ, khi một người muốn làm chủ các quyết định về tài chính và kiểm soát vị thế của mình.
Làm gì khi phát hiện ra bạn đời của mình đang bội tín tài chính?
Thật khó để có một câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, khi chuyện tình cảm của mỗi cặp đôi lại khác nhau. Có những bất đồng nhỏ nhưng nếu không được giải quyết triệt để sẽ dẫn đến sự chấm hết của một mối quan hệ. Lại có những chuyện tưởng long trời lở đất nhưng khi hai người đồng tâm hiệp lực tìm cách xử lý, có thể cứu vãn mối quan hệ. Tùy theo mức độ nghiêm trọng cụ thể của bội tín tài chính trong mối quan hệ cụ thể, hai người có thể cùng thử và áp dụng những cách khác nhau để đối mặt và giải quyết vấn đề.
NOI xin được gợi ý với chị em đang đọc bài ba phương pháp để hạn chế, phòng ngừa việc bội tín tài chính xảy ra trong mối quan hệ của mình.
- Giao tiếp. Giao tiếp. Giao tiếp.
Giao tiếp là nền móng cho một mối quan hệ khỏe mạnh. Nhờ việc giao tiếp, bạn không chỉ bộc lộ, chia sẻ những khía cạnh của bản thân mà còn lắng nghe và hiểu thêm về đối phương, qua đó, cả hai cùng học cách chấp nhận, điều chỉnh và yêu thương nhau. Vì thế, những cuộc trò chuyện, trao đổi về tài chính luôn cần có một không khí thoải mái, chân thành và thẳng thắn để được diễn ra một cách hiệu quả.
Khi phát hiện ra bội tín tài chính ở người yêu hay bạn đời của mình, những cảm xúc như sốc, giận dữ, đau đớn,.. là hoàn toàn bình thường. Việc đối mặt và xử lý những cảm xúc đó có thể mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ, bạn có thể dành cho mình một không gian riêng để bình tĩnh hơn trước khi đối mặt với đối phương và cùng nhau giải quyết.
Nhận thức và gọi tên những cảm xúc bạn có là điều quan trọng. Một điều khác cũng quan trọng không kém là lắng nghe nguyên nhân từ đối phương, xác định mức độ nghiêm trọng mà bí mật tài chính gây ra, thiết lập những ưu tiên để tìm cách giải quyết cùng nhau.
- Luôn thống nhất với nhau về mọi chuyện
Vì tiền bạc là thứ ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống: từ những lựa chọn mua sắm hàng ngày, quyết định đi du lịch ở đâu cho lễ kỷ niệm đến những vấn đề dài hơi như mua nhà, sửa chữa nhà cửa, nuôi nấng con cái, việc thống nhất cùng nhau về tài chính nói riêng và các quyết định khác trong cuộc sống nói chung là yêu cầu hết sức quan trọng. Chia sẻ với nhau về tiền bạc, mục tiêu sống, sở thích, ước mơ,… mới chỉ là bước đầu. Cùng nhau lên kế hoạch như thiết lập ngân sách chi tiêu hàng tháng và thống nhất về cách chi tiêu sẽ là bước tiếp theo để hai bạn cùng nhau quản lý tiền bạc thông minh hơn.
- Thẳng thắn thừa nhận sai lầm
Không có ai là hoàn hảo. Chúng ta đều mắc những sai lầm khác nhau trong cuộc đời, và khi liên quan đến tiền bạc, phần lớn đều không thể dối lòng rằng bản thân đã có vài lần đánh giá sai, chi tiêu bừa bãi,… Việc mắc sai lầm với tiền bạc là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Khi bạn cảm thấy có gì đó sai sai với khoản chi tiêu bạn vừa bỏ ra, hãy cứ thành thật chia sẻ với bạn đời của mình. Nó có thể là sai lầm vui vẻ hay một sai lầm lớn hơn – dù thế nào đi nữa, việc thẳng thắn thừa nhận mình mắc sai lầm sẽ giúp bạn tránh khỏi việc không thành thật, bởi “cái kim trong bọc lâu cũng có ngày lòi ra”.
Tài chính vừa có thể là lực đẩy để cặp đôi ủng hộ lẫn nhau và tận hưởng cuộc sống chung vừa có thể là lực cản cho một mối quan hệ chân thành, lành mạnh – tất cả đều phụ thuộc vào cách chúng ta đối diện với nó như thế nào. Con đường tiến tới sự thoải mái giữa tình yêu – tài chính không phải một con đường bằng phẳng. Bạn và người ấy có thể tranh cãi, xích mích rất nhiều trước khi có được một tiếng nói chung. Nhưng chỉ bằng cách thẳng thắn sẻ chia mới có thể đưa tình yêu vững vàng đi trên hành trình bền lâu. Bội tín tài chính đương nhiên không phải nhân tố tích cực giúp tình yêu đạt được điều đó, nhưng cũng chưa chắc là dấu chấm hết cho mối quan hệ. Một lần nữa, lại phụ thuộc vào cách hai người đối diện và xử lý vấn đề như thế nào.