Những chia sẻ dưới đây được tổng hợp từ các bài viết về hôn nhân và gia đình (Người ấy, 3 điều tôi học được sau 3 năm đầu kết hôn, và Quyết định có con – Nên hay không? Có đúng thời điểm? Liệu đã sẵn sàng?) của Chi Nguyễn – tiến sĩ giáo dục tại Mỹ, tác giả của blog và podcast The Present Writer và “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”.

Tình yêu có là điều kiện đủ để đảm bảo cuộc sống hôn nhân hạnh phúc?
Hôn nhân tốt không thể tồn tại nếu không có tình yêu nhưng chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ để có một cuộc hôn nhân tốt. Vì yêu là một trạng thái cảm xúc, nó chắc chắn sẽ thay đổi – khi nhiều, khi ít; khi tồn tại, khi không tồn tại; khi ở trạng thái này, khi lại ở trạng thái khác. Khi đó, những thứ “ngoài tình yêu” sẽ giữ chúng ta ở lại bên nhau dài lâu hơn là tình yêu đơn thuần. Chúng ta phải quyết định đâu là điều ta có thể chấp nhận và không thể chấp nhận được ở đối phương. Đối với nhiều người, ngoài tình yêu cần phải cộng thêm tiền bạc, thêm nhà cửa, thêm hình thức. Đối với những người khác, ngoài tình yêu lại cần phải cộng thêm sự đồng điệu về tâm hồn, tri thức, thủy chung, và tôn trọng lẫn nhau. Những điểm “cộng … cộng …” này hoàn toàn là do ta tự quyết định.
Có tồn tại cái gọi là sự lựa chọn hoàn hảo về đối tượng kết hôn?
Không có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo bởi vì con người về bản chất là không hoàn hảo. Hoàn cảnh cuộc sống lại càng không thể lúc nào cũng được như ý mình muốn. Không ai có thể được tất cả ở một cuộc hôn nhân. Khi quyết định kết hôn, bạn không chỉ chọn người đàn ông hay người phụ nữ của mình mà bạn còn chọn cả gia đình, sự nghiệp, bạn bè, tài sản/nợ nần, thói quen… và hàng loạt những mặt khác trong cuộc sống của người đó. Tất cả những lựa chọn này đều có hệ quả riêng của nó; và hãy nhớ rằng, bạn cũng đã chọn những hệ quả này. Nếu bạn đã chọn kết hôn vào gia đình truyền thống, đừng nên nghĩ rằng mình sẽ có thể thích thể hiện tư tưởng hiện đại, phóng khoáng, quyết định ra ở riêng, hay sống theo kiểu “Tây” mà không vấp phải mâu thuẫn từ gia đình. Nếu bạn đã chọn kết hôn vào gia đình hiện đại, khuyến khích con cái tự lập không dựa vào bố mẹ thì đừng than vãn khi không được chăm bẵm, trợ giúp, quan tâm thường xuyên như những gia đình khác. Tương tự như vậy, nếu bạn chọn lấy những người yêu công việc, kiếm được ra tiền, chia sẻ tài sản với bạn thì đừng nên kỳ vọng họ cũng có thể bếp núc phụ giúp gia đình, lau nhà quét dọn, trông con… Nếu bạn lấy chọn lấy những người thiếu chí tiến thủ, nợ nần chồng chất, lười vận động thì đừng nên nghĩ rằng lấy nhau rồi người đó sẽ tự khắc năng động, lăn lộn ra đường kiếm tiền trả nợ, thăng tiến ngay được.

Bạn cần phải cân nhắc đưa ra được một lựa chọn đúng đắn cho chính mình trước khi đi đến hôn nhân (nhấn mạnh là cho chính mình chứ không phải cho gia đình mình, cho con cái của mình, hay cho bất kỳ ai khác). Sau đó, khi đã chọn lựa được rồi, hãy ngừng than vãn, và bắt đầu sống!
Còn nếu vì hoàn cảnh nào đó, bạn đã đưa ra lựa chọn sai cho mình từ đầu và không thể nào cứu vãn được; hoặc mặc dù bạn đã đưa ra lựa chọn đúng ở thời điểm ban đầu, người bạn chọn sau này lại thay đổi trở thành một người khác hẳn, không thể quay lại như xưa được, bạn hoàn toàn có quyền bước ra khỏi lựa chọn ban đầu. Tôi không có ý cổ xúy việc ly hôn nhưng tôi hiểu trong cuộc sống ai cũng có thể mắc sai lầm và có những sai lầm, có những khác biệt không thể sửa chữa, hàn gắn được. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh này, hãy tin rằng ở ngoài kia còn rất nhiều lựa chọn khác cho mình, đừng sợ!
Đâu là sai lầm phổ biến của các cặp vợ chồng?
Trong mối quan hệ gia đình, nếu bạn không thường xuyên đối thoại, trao đổi với người bạn đời của mình, đặc biệt vào những lúc họ mềm yếu, dễ lắng nghe nhất thì rất khó để họ có thể hiểu và thông cảm cho bạn. Rất nhiều người đối thoại kiểu “tàu ngầm” cả năm nín nhịn không nói năng gì, đến khi có chuyện vợ chồng cãi nhau to rồi thì mới được dịp trút ra một tràng kiểu: “À nhân tiện đây tôi cũng xin nói luôn ngày này…tháng này…năm này… anh/cô đã làm việc này không phải với tôi…” Ở vào hoàn cảnh như thế thì kể cả thánh nhân hay thiên thần cũng không thể bình tĩnh mà nghe lời bạn nói được. Nếu muốn có được sự ủng hộ một cách tự nguyện và vui vẻ của vợ/chồng mình trong những việc khó, bạn nên đối thoại thường xuyên, trao đổi mặt có lợi cho cả hai vợ chồng nếu công việc được hoàn thành, nhấn mạnh vào tương lai tươi vui, hạnh phúc của vợ/chồng khi được như ý muốn.
Lựa chọn nên hay không nên có con?
Trước hết, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng có được cơ hội lựa chọn vốn đã là một đặc quyền. Rất nhiều người phụ nữ vì thể chất, tuổi tác, hoàn cảnh… không có cơ hội để đưa ra lựa chọn này; họ có thể không có khả năng sinh con, không có điều kiện lập gia đình hay có người bạn đời thực sự, không có nguồn lực để nhận con nuôi… Có vô vàn những lý do riêng tư, sâu kín, nhạy cảm liên quan đến việc sinh nở mà người phụ nữ cần được tôn trọng.
Tiếp nữa, với những người có may mắn được đặc quyền lựa chọn, sẽ có người nói “không” đối với việc có con — tại sao? bởi vì họ có quyền! Có những người không cảm thấy mình phù hợp để làm mẹ/làm cha, cảm thấy cuộc sống của mình tốt hơn khi không có con cái, và hoàn toàn không có hứng thú trong việc sinh hoặc nuôi con. Tất nhiên, vì họ là những thành phần thiểu số nên số đông sẽ tiếp tục đưa ra sức ép buộc họ phải đi vào con đường chung, nào là: “Không có con về già sẽ phải sẽ hối tiếc”, “Không đẻ được con thì không giữ được chồng”, “Phụ nữ là phải có con”, “Cơ thể sinh học sẽ buộc mình phải sinh con”… Nhưng sự thật là có rất nhiều người, cả phụ nữ và đàn ông, không có con nhưng vẫn sống rất hạnh phúc vì họ chấp nhận được hệ quả quyết định của mình và đặt những ưu tiên khác lên hàng đầu. Bởi vậy, dù quyết định là “có” hay “không” cũng đều nên được tôn trọng.

Những điều cần cân nhắc khi các bạn dự định có con là gì?
Trước khi đưa ra quyết định cho mình, hãy cân nhắc những điều tương tự như sau:
Mình có khả năng có con hay không?
Hãy nhớ rằng có được lựa chọn vốn đã là một đặc quyền. Có rất nhiều người phụ nữ, rất nhiều cặp vợ chồng trên thế giới khát khao có được một đứa con nhưng không thể.
Quyết định có con có xuất phát từ chính bản thân mình hay không?
Sống trong một xã hội còn nhiều định kiến, ta không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng từ sức ép và ý kiến bên ngoài. bản thân mình cần tìm cách tách ra và phân tích đâu là cảm nhận và suy nghĩ riêng của mình, đâu là tác động của người khác.
Con ra đời bao nhiều phần là lợi ích cho mình, bao nhiêu phần là lợi ích cho con?
Nhiều người muốn sinh con vì những mục đích rất cụ thể cho mình như: có đứa chăm sóc tuổi già, tạo niềm vui cho bản thân và gia đình, củng cố địa vị của mình trong tình cảm của chồng và gia đình nhà chồng, hàn gắn rạn nứt hôn nhân, “trói” tình yêu… Nhưng thật tội cho một đứa trẻ sinh ra đã mang nhiều “trọng trách” như vậy mà không được cân nhắc lợi ích khi ra đời của nó là gì.
Mình có khả năng nuôi con tốt hay không?
Khả năng tài chính, thể chất, và tinh thần để nuôi con luôn là điều khiến mọi người băn khoăn nhất. Nhưng sự thật là việc nuôi con thế nào là “tốt” là một khái niệm vô cùng chủ quan. Hãy thực tế với hoàn cảnh của mình nhưng cũng nên có niềm tin là mình sẽ làm được bằng tình yêu và nỗ lực hy sinh dành cho con.