Trong bản khảo sát “Cùng NÓI 2022”, không một ai chọn vào ô “được giúp đỡ bởi chính quyền” khi họ lên tiếng tìm kiếm sự giúp đỡ. Phải chăng do chúng ta chưa biết cách, hoặc chưa hiểu rõ về các điều luật liên quan đến Quấy Rối Tình Dục? NOI đã phỏng vấn chị Sarah Galeski và chị Nguyễn Thị Tố Nữ đến từ Công ty Luật TNHH Tilleke & Gibbins (Việt Nam)”, nhằm cung cấp đến bạn góc nhìn pháp lý, cách thức tố cáo hành vi quấy rối, đặc biệt là trong môi trường làm việc.

NOI: Hiện nay, hành vi quấy rối tình dục ở Việt Nam bị xử lý như thế nào? Và chính xác thì định nghĩa ‘quấy rối tình dục’ ở các điều luật này là gì?
Hành vi quấy rối tình dục có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 30 đến 60 triệu đồng (Theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP). Ngoài ra, hành vi quấy rối tình dục thực hiện bên ngoài nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 5 đến 8 triệu đồng, và bị buộc phải xin lỗi công khai, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu xin lỗi (Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
Định nghĩa về “quấy rối tình dục” có thể được tìm thấy trong Bộ Luật Lao Động 2019. Tuy nhiên, định nghĩa này được đưa ra cho ngữ cảnh ‘tại nơi làm việc’. Cụ thể, theo Bộ Luật Lao Động 2019, “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là “hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. ‘Nơi làm việc’ bao gồm là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”
Định nghĩa này được mở rộng theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2020 (Nghị định 145), và đã nhấn mạnh rằng quấy rối tình dục không những “có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc” mà còn bao gồm những hành vi không được thực hiện theo nguyên tắc có qua có lại. Những hành vi quấy rối “khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối” cũng bị xem là các hành vi quấy rối tình dục. Nghị định 145 cũng làm rõ rằng quấy rối tình dục bao gồm những hành vi mang tính thể chất (hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục), quấy rối tình dục bằng lời nói (lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục) và quấy rối tình dục phi lời nói (ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử).
Theo quy định mới, định nghĩa ‘nơi làm việc’ đã được mở rộng và bao gồm cả “những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định”..
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng, bên ngoài nơi làm việc. Song, theo nguyên tắc tương tự pháp luật, định nghĩa nêu trên cũng có thể được áp dụng để xác định liệu một hành vi có phải là hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng hay không.
NOI: Trước khi tố cáo, các nạn nhân nên chuẩn bị những gì? Loại thông tin nào sẽ có ích?
Nạn nhân nên thu thập bằng chứng về hành vi của kẻ quấy rối. Đó có thể là những mẩu tin nhắn, email, đoạn video và ghi âm. Ngoài ra, đó có thể là bản tường trình của nạn nhân và những người chứng kiến hành vi quấy rối.
Nếu hành vi quấy rối xảy ra tại nơi làm việc, theo luật, người sử dụng lao động phải đưa ra các quy định về cách xử lý và điều tra đối với các khiếu nại, tố cáo về các hành vi đó trong Nội Quy Lao Động (gọi tắt là “NQLĐ”). Do đó, người sử dụng lao động cần thu thập những bằng chứng được quy định trong NQLĐ. Các bằng chứng đó thường là bản tường trình được ký bởi những người có liên quan. Bộ phận phụ trách nhân sự của người sử dụng lao động nên hướng dẫn người khiếu nại/tố cáo phải chuẩn bị những loại bằng chứng nào, và giúp đỡ họ điều tra vụ việc.
NOI: Các nạn nhân nên trình báo với ai, và đến các cơ quan chức năng nào? Tại NOI, chúng tôi nhận được chia sẻ từ các cô gái rằng họ đã cố gắng đem chuyện này nói với gia đình, chủ nhà nơi họ thuê trọ, và công an phường biết. Tuy nhiên, họ vẫn chưa nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ cần thiết bởi những người này cho rằng nếu chưa đụng chạm vào thân thể thì vẫn chưa là vấn đề nghiêm trọng. Một số người khác lại không biết phải giúp đỡ thế nào, và lo sợ rằng những kẻ quấy rối sẽ quay lại trả thù.
Như đã đề cập ở trên, với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động cần đưa ra các quy định chi tiết về cách xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến quấy rối tình dục trong NQLĐ. Trong NQLĐ cần có thông tin về bộ phận phụ trách nhận đơn khiếu nại, tố cáo. Thông thường, người sử dụng lao động sẽ yêu cầu nhân viên của mình khiếu nại với bộ phận phụ trách nhân sự hoặc thông qua đường dây nóng.
Đối với hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng, Nhà nước sẽ xử phạt đối với những người thực hiện hành vi, và cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc xử phạt như vậy là cơ quan công an tại địa phương. Do đó, nạn nhân nên làm đơn tố giác và cung cấp bằng chứng cho cơ quan công an.
Ngoài ra, trong điều kiện cho phép, các nạn nhân cũng có thể tìm kiếm các tư vấn và trợ giúp liên quan các hành vi quấy rối tình dục từ các công ty luật, nhất là đối với các hành vi quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc.
Để tìm hiểu thêm, hãy cùng các khách mời đặc biệt đến từ Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam, VOGE, tham gia XÓM NÓI tháng 3 để cùng góp phần nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục, để mỗi cá nhân là nơi an toàn khi là nạn nhân của xâm hại tình dục bị ảnh hưởng. nói ra, tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ, và cuối cùng, nói về điều mà mọi phụ nữ luôn mong muốn: không bị lạm dụng nữa.