Bà ngoại – Người bà đã từng dạy tôi đừng Hi sinh
Bà là người phụ nữ nghèo, ít học thức và phải chạy bán những món ăn vặt rẻ tiền trên chuyến tàu lửa Bắc Nam – Tất nhiên bà đi chui rồi. Bà sẽ canh người soát vé và trốn lên tàu, và đó là tuổi trẻ oai hùng của bà. Tuổi trẻ đó, tôi chỉ được nghe qua lời kể của mợ Út.

Bà cũng là người phụ nữ sinh ra cả chục người con, và sau này bà có nhà ở quê lẫn Sài Gòn. Sự nỗ lực của bà, sự thông minh của bà, sự mạnh mẽ của bà đã bảo vệ và nuôi sống những người con. Con của bà, trong cái thời bao cấp nghèo khó, chưa bao giờ thất học.
Tôi nhớ về bà chỉ là những hình ảnh mơ hồ, bà luôn hung dữ và chửi tất cả mọi người. Nhưng không biết sao bà lại yêu tôi vô điều kiện. Tất nhiên, tôi cũng sẽ bị chửi nhưng nó đơn giản và nhẹ nhàng hơn với việc bà chửi người khác.
Nếu nói bà chưa từng hy sinh, điều đó không đúng. Bà vẫn là thế hệ của những người cũ, thế hệ cha ông lấy việc hy sinh là điều hiển nhiên, là đức tính cao đẹp của người phụ nữ. Nhưng bà chưa bao giờ yêu cầu hoặc dạy tôi phải hy sinh vì một điều gì đó. Tất cả phải công bằng và bình đẳng. Tôi đã trưởng thành theo cách bà đã dạy. Đến khi lớn, radio vẫn phát những giọng đọc trầm ấm ca ngợi đức tính hy sinh. Báo chí vẫn nhan nhản đề cao một 8/3 dành tặng món quà cho những người phụ nữ vĩ đại vì đã luôn hi sinh. Tôi vẫn chẳng thể nào hiểu được, người phụ nữ hy sinh để được gì? Có thể tôi là một học trò ngoan của bà. Cũng có thể, sau những năm tháng oằn mình với cái nghèo, sự hy sinh, chịu đựng, những nếp nhăn hằn sâu bà nghĩ rằng, con cháu của bà sẽ may mắn hơn, sẽ sống một cuộc đời khác xa với bà. Sẽ tiến lên phía trước, sẽ bình đẳng, tự do và biết điều nào nên làm. Sẽ hiểu hi sinh chỉ là sự bất lực cho một điều gì đó, khi chúng ta không còn giải pháp nào cả, chúng ta hy sinh chỉ vì mong muốn mọi thứ tốt đẹp hơn nhưng nên nhớ đó chỉ giải pháp cuối cùng chứ không phải giải pháp đầu tiên.
Bác gái – Người chị song sinh của mẹ, mang khuôn mặt giống mẹ và bài học cuối cùng của bà.
Năm ấy, bác gái còn trẻ, theo tôi là trẻ. Bác đã có cháu ngoại, những người con khôn lớn và có địa vị xã hội. Bác ngao du sơn thủy cùng bác trai, đến những vùng đất mà nhiều người khao khát. Cuộc sống có thể tự hào khắc lên hai chữ “viên mãn”. Năm ấy, bác và tôi có cuộc hẹn ở Đà Lạt, bác gọi nói chuyện với mẹ và mong muốn tôi đi Đà Lạt cùng Bác. Cũng năm ấy, tôi nghe bác kể về những mối tình, cũng nghe bác kể về Đà Lạt trong bác, đẹp và bình yên lắm. Đà Lạt của Bác là Đà Lạt mà chúng tôi chưa bao giờ được chứng kiến, Đà Lạt có màu tím thơ mộng, cái se lạnh dịu dàng, những tảng cây che bóng mát rợp trời. Tôi và bác ngồi trên quán cafe mà Bác hào hứng kể, quán cafe Chiều Tím đã gắn liền với tuổi trẻ, thanh xuân và già theo thời gian cùng Bác. Rồi bất chợt, Bác nói tôi nghe “Trên đời này, chuyện gì cũng tha thứ được, đều tha thứ được, giữ trong lòng mới khổ” Đó cũng là bài học cuối cùng mà Bác dạy tôi. Năm ấy, bà chủ quán cafe Chiều Tím cũng đã trên tám mươi, nhìn tôi và Bác, nắm tay tôi khi chia tay, hẹn với tôi ngày gặp lại thăm bà nhé. Năm ấy, là năm cuối cùng Bác tôi lên Đà Lạt. Cũng là năm cuối cùng, Bác ngồi ở Chiều Tím, thời gian sau đó, Chiều Tím bỗng lâu lâu sẽ có một cô gái nhỏ, ngồi uống cafe phin và ngắm nhìn Đà Lạt đổi thay.
Mẹ – Người phụ nữ dạy tôi nhiều điều trên đời này và cả sự hy sinh
Mẹ đặc biệt là người dạy tôi nhiều nhất, từ việc đứng quan sát nét mặt, đến việc đoán hành vi của người đó để bán hàng. Bà không bao giờ dạy tôi hy sinh, nhưng lại là người phụ nữ hy sinh. Tôi có thể không hiểu tại sao? nhưng tôi biết, bà chỉ mong muốn những thứ tốt đẹp đến với người thân yêu. Tôi không thể ép bà ngừng việc hy sinh, tôi đã học được bài học lớn về việc đừng nhân danh tình yêu để ép mọi người thay đổi. Tôi hiểu nhiều khi, mẹ tôi thật hiền lành, thật nhẫn nhịn, thật chịu đựng. Nhưng bà ấy hạnh phúc. Nếu được, chúng ta chỉ có thể trưởng thành thật tốt, đừng để mẹ mình suy nghĩ và đừng để mẹ mình phải lựa chọn hy sinh thêm nữa.
Thật nực cười, tôi thấy có nhiều phụ nữ ngày nay, thế hệ mới, đấu tranh để người phụ nữ vn bớt hy sinh, bớt gánh vác. Nhưng tin tôi đi, tôi đã thấy có người mẹ hy sinh cả mạng sống để đứa con ra đời khi vượt cạn khó. Và tin tôi đi, thế giới ngoài kia, sẽ có rất nhiều người phụ nữ như mẹ tôi. Họ hạnh phúc vì sự hy sinh của mình để đổi lấy sự hy vọng về một điều tốt đẹp hơn. Và khi tôi có con, nếu đó là lựa chọn cuối cùng, dù mang nhiều vết thương, tôi vẫn sẽ chấp nhận hy sinh. Tôi không cổ súy cho việc hy sinh, tôi không mong người phụ nữ hy sinh, nhưng tôi thấy đức tính đó ở người phụ nữ thời kỳ mẹ và bà chúng ta, thật đẹp, thật tự hào và thật đáng trân trọng.