Những bữa tối vui vẻ sau một ngày dài làm việc, những buổi ăn chơi cuối tuần xả hơi, rồi những chuyến du lịch dài ngày vài tháng một lần – thời gian chất lượng bên bạn bè hẳn là điều mà ai cũng mong chờ. Ta quý trọng từng khoảnh khắc bên những người bạn thân yêu để cân bằng lại áp lực từ công việc và cuộc sống. Nhưng có bao giờ bạn nhìn lại và nghĩ rằng, tình bạn cũng đang âm thầm gửi đến cho mình những tờ hoá đơn ngày một dài hơn, tạo ra một gánh nặng tài chính mà bạn chưa từng tính đến?
Khi chi phí cho mọi hoạt động trong cuộc sống ngày càng đắt đỏ, số tiền chúng ta phải bỏ ra cho mỗi cuộc gặp gỡ, vui chơi cũng tăng theo. Một khảo sát mới đây ở Anh chỉ ra rằng có khoảng một phần ba người trưởng thành đã phải giảm bớt việc giao lưu với bạn bè do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt. Tương tự, trong một nghiên cứu ở Mỹ, 36% người thuộc thế hệ Gen Z và Millennials cho biết họ có những người bạn thường xuyên khiến họ phải chi tiêu quá hạn mức cá nhân, dẫn đến tình trạng nợ nần, hay thậm chí phải chấm dứt tình bạn đó.
Mức sống và tình hình kinh tế ở Việt Nam có thể không hoàn toàn giống các quốc gia trên, nhưng ảnh hưởng của áp lực tài chính đối với đời sống cá nhân và những mối quan hệ bạn bè vẫn là khó tránh khỏi. Hẹn hò cà phê, ăn uống, xem ca nhạc hay đi chơi xa đều chẳng có gì là miễn phí: mỗi lần như vậy có thể tốn hàng trăm nghìn, thậm chí đến hàng triệu đồng, trong khi mức lương của người trẻ trong những năm đầu sự nghiệp có lẽ chỉ vừa mới vượt qua ngưỡng 8 chữ số.
Với người trẻ, việc giao lưu bên ngoài, gặp gỡ bạn bè rõ ràng là một phần không thể thiếu để cuộc sống thêm màu sắc và trải nghiệm. Hà (sinh viên, 19 tuổi) chia sẻ, “Mình đi chơi với bạn nhiều nên [việc giao lưu bạn bè] sẽ tốn nhiều tiền hơn các khoản khác. Cũng phải có tiền thì mới có hứng đi chơi, chứ đã hết tiền thì ai rủ cũng ở nhà.”
Minh (nghiên cứu viên, 26 tuổi) cũng có cùng mối bận tâm. “Mình có chơi với một vài người bạn có mức thu nhập cao hơn so với mình, nên đôi khi dù có đặt ra ngân sách trước thì cuối cùng vẫn tiêu nhiều hơn mức mình mong muốn. Hơn nữa, những dịp lễ hội hay sinh nhật bạn bè, thì cũng vẫn có một áp lực là phải chi [tiền mua quà], nhất là khi chơi theo nhóm.”
Nhưng nói không với những chuyến tụ họp, vui chơi không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng. Nếu cứ mãi từ chối lời hẹn với bạn bè, thật khó tránh khỏi suy nghĩ rằng mình đang tụt lại phía sau. Khi những cuộc gặp thưa thớt dần, hẳn sẽ xuất hiện một cảm giác lạc lõng, không còn thuộc về nhóm bạn mình từng thân thiết, chỉ vì trở ngại về tài chính.
Càng trưởng thành, ta lại càng có nhiều mối lo toan cần được đầu tư cả về thời gian và tiền bạc. Khánh (kinh doanh tự do, 32 tuổi) cho biết, “Bây giờ còn phải lo cho gia đình, con cái, nên việc đi chơi và các mối quan hệ bạn bè không thể chiếm nhiều trong các khoản chi tiêu. Không biết có phải may mắn của mình không (cười) nhưng mình đi lấy chồng và lập nghiệp xa nhà nên giờ ở đây cũng không có nhiều bạn bè lắm.”
Minh cũng chia sẻ, “Có một đợt mình cần tiết kiệm một khoản tiền lớn, các bạn rủ đi chơi xa nên mình từ chối khéo 2-3 lần, nhưng họ không để ý và vẫn nài mình đi, kiểu kiểu thế. Thế là mất bạn.”
Thế nên, cũng không có gì bất ngờ khi ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn kết thân với những người có cùng mức chi tiêu với mình. “Mình và bạn đều phải có tiền thì mới đi chơi được. Nhất là trước mỗi chuyến đi tốn kém hơn, như đi du lịch chẳng hạn, phải biết trước là cần chuẩn bị bao nhiêu, mỗi đứa đều sẵn sàng rồi mới đi,” Hà cho biết thêm. Đây cũng là cách mà Khánh lựa chọn: các mối quan hệ bạn bè của chị đều có sự phù hợp, tương xứng về tài chính, “thậm chí bạn bè còn tiết kiệm hơn mình, nhắc mình cũng phải tiết kiệm.”
Giải thích thêm về lựa chọn này, Minh nói, “Dù có thân đến đâu, nếu mức thu nhập và thói quen tiêu tiền quá khác biệt nhau thì cũng là một trở ngại. Thân thiết và hiểu nhau đến mấy nhưng đi chơi thì không tránh khỏi những lúc người này thích cái này, người kia thích cái kia, nên mức chi tiêu không phù hợp cũng là điều hiển nhiên.”
Minh cũng hướng đến những mối quan hệ không dựa trên tiền bạc hay quà cáp đắt giá, mà quan trọng là tấm lòng và sự quan tâm dành cho nhau. “Nếu chuyện tài chính trở thành “điều kiện cần” để chơi với một ai đó thì mối quan hệ đó không phải dành cho mình, nhất là khi bản thân còn nhiều thứ khác để quan tâm.”
Giống như Minh, nhiều người trẻ cũng có xu hướng tìm đến những hoạt động gắn kết với bạn bè mà không tốn quá nhiều chi phí. Họ gặp gỡ và giao lưu tại những địa điểm phù hợp với túi tiền, vì suy cho cùng, ở đâu không quan trọng bằng ở với ai.
Trước vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, thật dễ dàng để ta bị cuốn theo những suy tư về công việc, tiền nong, thu nhập, khiến cho những yếu tố về tài chính và lối sống ảnh hưởng đến tình bạn. Song, cũng đừng quên tìm về chính những điểm chung đã kéo những người bạn lại gần nhau hơn, để nhớ rằng vì sao tình bạn này bắt đầu và tiếp tục tạo nên những khoảng thời gian chất lượng bên nhau.
Cởi mở về vấn đề kinh tế chưa bao giờ là điều dễ dàng, kể cả với những người bạn, nhưng đó có thể là chìa khoá để những mối quan hệ trở nên thoải mái hơn cho mỗi người, dù bạn đang ở mức chi tiêu nào. Biết về khả năng chi trả của mỗi người không phải để phán xét, đánh giá, mà là để biết thêm về thói quen và cách sống của nhau, cùng thấu hiểu và tôn trọng những quyết định trong tình bạn.
Hà, Minh, Khánh là ba trong số nhiều phụ nữ trẻ tuổi đang loay hoay với những mối quan hệ bạn bè ngày một trở nên đắt đỏ, nhưng họ cũng vẫn có cách để vừa gìn giữ được tình bạn, vừa khéo léo cân đối chi tiêu. Đôi khi, trải qua những ngày eo hẹp, ta mới biết ai thực sự là người bạn tốt luôn ở bên cạnh mình. Khi giá cả leo thang và không có gì là rẻ cho bất kỳ ai, rất có thể, những giai đoạn tài chính khó khăn cũng chính là lúc tình bạn trở nên bền chặt và chân thành hơn.