Mùa thu tháng 10 đến cùng những gam màu đa sắc: đỏ lựng hoa trái, ngát xanh màu trời, vàng ươm lúa chín. Trong nhiều năm qua, tháng 10 cũng được tô thêm sắc hồng – màu sắc đặc trưng của Tháng Nâng cao nhận thức về Ung thư vú, hay còn được biết đến với những cái tên như Pinktober, Tháng 10 Nơ hồng, Tháng 10 Ruy băng hồng.
Nguồn gốc của “Tháng 10 Nơ hồng”
Tháng Nâng cao nhận thức về Ung thư vú được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1985 bởi Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ với quy mô cấp quốc gia. Ngay từ ban đầu, mục đích của chiến dịch này là tuyên truyền đẩy mạnh việc chụp X-quang tuyến vú, vốn được xem là phương pháp tối ưu trong tầm soát và phòng chống ung thư vú.
Từ năm 1990, Tổ chức Ung thư vú Susan G. Komen bắt đầu phát nón hồng và ruy băng hồng cho những người tham gia giải chạy vì bệnh nhân ung thư vú tại New York. Nhưng dải nơ hồng chỉ thực sự trở thành một hiện tượng vào năm 1993, khi Evelyn Lauder từ công ty Estée Lauder và Alexandra Penney, tổng biên tập tạp chí SELF khi đó, cùng khởi xướng chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư vú, lấy dải ruy băng màu hồng làm biểu tượng. Chiến dịch đã phân phát các dải ruy băng hồng cùng với phiếu hướng dẫn tự kiểm tra ung thư vú khắp Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc theo dõi sức khoẻ và tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú.
Tuy nhiên, đó không phải lần đầu tiên những dải ruy băng màu sắc được sử dụng trong việc vận động gây quỹ và nâng cao nhận thức về ung thư vú. Năm 1991, một người phụ nữ tên Charlotte Haley, có người thân là bệnh nhân ung thư vú, cũng đã tự tay kết những dải nơ màu cam đào, đính kèm những tấm thiệp với lời nhắn gửi về sự thiếu hụt ngân sách cho việc nghiên cứu về căn bệnh này. Dải ruy băng của bà Haley là một lời kêu gọi hành động, yêu cầu những biện pháp phòng tránh ung thư vú mạnh mẽ hơn từ cộng đồng và những người có ảnh hưởng.
Liên hợp quốc cũng lựa chọn tháng 10 hằng năm là Tháng Nâng cao nhận thức về Ung thư vú trên toàn thế giới, để mọi người hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của căn bệnh cũng như cách phòng chống, phát hiện và điều trị sớm.
Hoạt động hưởng ứng Tháng Nâng cao nhận thức về Ung thư vú
Ngày nay, Tháng 10 Nơ hồng nhận được sự ủng hộ và tham gia của các quỹ từ thiện và các tổ chức nghiên cứu, hoạt động về ung thư vú trên toàn thế giới, chung tay vận động để tăng cường hiểu biết về căn bệnh. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư vú có cơ hội chữa khỏi bệnh nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, do đó, việc tìm hiểu về những dấu hiệu bệnh, những cách phát hiện sớm và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh là rất quan trọng và cần được phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người.
Một phần lớn của chiến dịch cũng nhằm gây quỹ cho việc nghiên cứu nguyên nhân, cách phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và chữa bệnh. Bên cạnh đó, những hoạt động trong tháng này còn mang sứ mệnh gắn kết, tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư vú để họ không cô đơn trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Ở Việt Nam, tổ chức đi đầu trong các hoạt động nâng cao nhận thức và đồng hành cùng bệnh nhân ung thư vú là Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam (BCNV). BCNV được thành lập với mục tiêu trở thành nơi cung cấp thông tin, kết nối, nơi chia sẻ an toàn của những ai quan tâm hay đang phải chiến đấu với ung thư vú. Các hoạt động của BCNV trải dài suốt cả năm với những hình thức đa dạng và thiết thực, có thể kể đến như thư viện tóc giả cho bệnh nhân ung thư, các buổi trao đổi thông tin cùng chuyên gia về phòng chống bệnh và chăm sóc người bệnh, hỗ trợ áo lót cho bệnh nhân đoản nhũ, các lớp thiền, yoga thư giãn,…
Hoạt động lớn nhất hằng năm của BCNV nhân dịp Tháng Nâng cao nhận thức về Ung thư vú là Ngày Hội Nón Hồng, với tiêu điểm của sự kiện năm nay là Giải chạy Hồng, lấy cảm hứng từ hành trình chạy bộ của các runner là bệnh nhân ung thư vú và người thân của họ.
Hơn cả một dải ruy băng trang trí
Một thực tế đáng buồn là, cũng giống như với bất kỳ chiến dịch nào khác nhằm ủng hộ cho những nhóm người dễ bị tổn thương, việc thương mại hoá và đầu cơ trục lợi dựa trên hoạt động cộng đồng vẫn còn tồn tại. Trong phong trào ủng hộ những chiến binh ung thư vú, hiện tượng này được gọi tên là “tẩy hồng” (pinkwashing), ám chỉ việc các công ty quảng bá sản phẩm mang nơ hồng với tuyên bố hỗ trợ việc nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú, nhưng lại không có sự minh bạch về đích đến của số tiền đóng góp được hoặc trực tiếp sản xuất và bán những sản phẩm có chứa hoá chất liên quan đến ung thư.
Mỹ phẩm và đồ uống có cồn là hai nhóm sản phẩm phổ biến trong số những ngành hàng như vậy. Việc thực sự cần làm là bảo vệ tất cả mọi người khỏi những hoá chất gây hại cho cơ thể và có thể dẫn đến ung thư – điều mà không ít nhà sản xuất của các sản phẩm “nơ hồng” vẫn ngó lơ. Dải ruy băng hồng được gắn lên những mặt hàng như một cách trang trí, điểm tô cho những hoạt động của doanh nghiệp, nhưng lại che đậy nguy cơ tiềm ẩn trong những sản phẩm đằng sau nó.
Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi rằng doanh thu từ những sản phẩm gây quỹ hay những khoản quyên góp ủng hộ thực sự được sử dụng như thế nào. Cứ đến tháng 10, hàng loạt sản phẩm được thay áo, mang sắc hồng rực rỡ, hay được gắn mác chiến dịch gây quỹ vì bệnh nhân ung thư vú. Song, bên cạnh những hoạt động thực chất, minh bạch để đồng hành cùng những chiến binh K, không ít trong số những chiến dịch đó cũng chỉ là chiêu trò để người mua hàng cảm thấy thoả mãn với chính mình khi đã làm được một việc tốt, mà lại quên không tự vấn rằng căn nguyên của việc tốt đó nằm ở đâu.
Trước khi mua một sản phẩm đính nơ hồng, bạn đừng quên kiểm tra xem số tiền thu được từ nhãn hàng hay chiến dịch đó sẽ được chuyển đến tổ chức nào, tổ chức đó có những hoạt động vì bệnh nhân ung thư vú như thế nào, khoản tiền ủng hộ sẽ được sử dụng vào mục đích gì và đóng góp gì vào nỗ lực phòng ngừa ung thư vú cho cộng đồng.
Hơn hết, trong khi tích cực tìm hiểu và tham gia vào những hoạt động của tháng Nơ hồng, bạn cũng đừng đợi đến tháng 10 mới quan tâm cho sức khoẻ của mình, đừng để đến khi những dải ruy băng hồng xuất hiện như một lời nhắc nhở thì mới chăm sóc và yêu thương bản thân. Những thói quen tốt cho sức khoẻ, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, hay việc kiểm tra, khám bệnh định kỳ đều nên được thực hiện suốt cả năm, chứ không chỉ trong Tháng Nâng cao nhận thức. Với ung thư vú, hay bất cứ căn bệnh nào khác, chỉ có chủ động kiểm soát nguy cơ, giảm thiểu khả năng mắc bệnh và không để bệnh có cơ hội phát triển mới là giải pháp hiệu quả nhất.