Tết năm ngoái, khắp nơi đều phát vang những câu hát “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”, rồi đầu năm nay, khán giả lại thích thú lắc lư theo giai điệu “Hãy để con trai bà bán bánh-bánh-bánh mì, lo-lo-lo cho em…” Khi nhạc rap trở thành xu hướng trong những năm gần đây, ta không còn chỉ thấy trong thể loại này những người chơi hip-hop gai góc, bụi bặm hay những anh chàng rapper khéo léo tán tỉnh bằng những lời ngọt ngào, mà hình ảnh người mẹ cũng đã ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các bài rap.
Nguồn cảm hứng bất tận…
Tình mẹ thiêng liêng vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác, nghệ thuật và giải trí, xuyên suốt mọi thời kỳ, văn hoá và thể loại. Người ta viết truyện về mẹ, làm thơ về mẹ, vẽ tranh hay viết kịch về mẹ, thì bây giờ cũng đọc rap về mẹ. Với khán giả Việt Nam, sự giao thoa giữa đề tài mẹ với một loại hình nghệ thuật du nhập từ nước ngoài và có nhiều nét táo bạo, trần trụi có lẽ vẫn còn khá mới mẻ. Trên thực tế, hip-hop quốc tế không thiếu những bài rap về mẹ, với những tác phẩm nổi bật như Dear Mama của 2Pac hay Headlights của Eminem. Những câu chuyện kể về tình yêu, nội lực, sự hy sinh của mẹ hay những biến cố trong gia đình đưa người nghe nhìn thấu qua vẻ bề ngoài hiên ngang và hào nhoáng để thấy được những tình cảm chân thành, sâu sắc bên trong các rapper.
Tình thương, công ơn và sức ảnh hưởng của mẹ trong cuộc đời của mỗi người là không thể thay thế được, và những đứa con sẽ sử dụng thứ ngôn ngữ mình thuần thục nhất để tôn vinh và tri ân những điều quý giá ấy. Có thể kể đến Mikelodic trong Nhạc Cho Mẹ với cách anh nhẹ nhàng, khiêm nhường kể chuyện về mẹ, gửi những lời yêu thương cùng lời hứa đền đáp công ơn.
“Mẹ khuyên răn con bao điều chỉ mong thấy con bình yên
Hoàng hôn xuống núi ban chiều chẳng ai muốn lo muộn phiền
Bao món ngon trên đời mẹ nghĩ tới con đầu tiên…”
Khi mẹ trở thành chủ đề của bài rap, ta cũng thấy được rằng nhân vật nữ trong nhạc rap không chỉ là những cô gái xinh đẹp, những đối tượng để tán tỉnh, yêu đương, mà còn là chính người mẹ. Song song với sự phát triển và thịnh hành của văn hoá hip-hop, giới chuyên môn, học thuật và truyền thông đã không ít lần lên án tư tưởng hạ thấp phụ nữ, vật hoá cơ thể nữ giới và khuynh hướng bạo lực với phụ nữ thể hiện trong lời rap. Mặc dù vấn đề này còn đòi hỏi nhiều thay đổi trong cái nhìn và nhận thức, sự xuất hiện của người mẹ như một nhân vật trung tâm trong các bài rap cho thấy sự đa dạng của thể loại và tính nhân văn trong thông điệp mà các rapper muốn truyền tải. Phụ nữ hiện lên là chính họ, là những cá thể độc lập với những buồn vui rất thật, rất đời, không phải là những đối tượng để thoả mãn nhãn quan nam giới.
…đến từ những điều bình dị
Một hình ảnh người mẹ – người phụ nữ rất chân thật mà tôi nhớ mãi đến từ bài gửi mẹ của MCK/Nger:
“mẹ đã dạy cách phân biệt thế nào là đúng với sai
dìu con đi từ ngày tập lẫy đến ngày mẹ đứng tới vai
muốn có thành công mình phải đích thân tìm
con vẫn trắng tay mà trên má mẹ đã là những vết chân chim”
Chẳng cần câu từ văn hoa, tình cảm và nỗi nhớ về mẹ, về những bài học của mẹ đến với người nghe một cách mộc mạc mà lắng đọng, khi chàng rapper hát rằng anh “nhớ giọng mẹ mỗi sáng / nhớ giờ mẹ đi làm / nhớ những lần mẹ gọi khi về muộn / nhớ những lần nói dối mắt mẹ lệ tuôn.”
Phúc Du trong yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì còn khéo léo hơn khi mượn lời tỏ tình một cô gái để bày tỏ tình cảm chân thành với mẹ. Bằng thái độ tự hào và trân trọng, anh kể một câu chuyện giản dị về gia đình và xuất thân, khoe hết những phẩm chất đẹp của mình – những điều được nuôi dưỡng từ chính xe bánh mì của mẹ.
“Tâm hồn anh như lò bánh, mẹ chăm chút để giữ lửa
Cánh cửa tương lai anh mở nhờ bánh mì mẹ chặn giữ cửa
Mẹ làm ra thằng con trai, khéo như mẹ làm pate
Vì anh cũng đầy gan dạ, được phết dễ làm người ta mê”
Đưa người phụ nữ vào tác phẩm, ta không cần lý tưởng hoá, thần thánh hoá để họ phải mang trên mình những nhãn mác lớn hơn cả bản thân. Hình ảnh người mẹ đẹp nhất, gần gũi nhất khi mẹ được khắc hoạ bằng chính những điều bình dị thường ngày, đầy bao dung, yêu thương và chở che nhưng cũng không thiếu những lo toan và tranh đấu. HURRYKNG đã làm được điều này với Window Shopper, khi anh dùng âm nhạc để tự sự, khẳng khái đối diện với những biến cố trong quá khứ của hai mẹ con, qua những ngày “người ta khinh mình vì không tiền, không ưu tiên / hai mẹ con lay lắt và chín năm trong một dãy trọ”, cho đến mong muốn giản đơn như “mua mới chiếc TV / mua mới thêm nhiều ly / mua mới cho mẹ nhà / mua mới cho mẹ trà.”
Mẹ không chỉ “làm mẹ”; mẹ cũng có những dự định, công việc và ước mơ của riêng mình bên ngoài những trách nhiệm gia đình. Đến đây hẳn không thể không nhắc tới rapper CAPTAIN và ca khúc Rolling Down nơi anh đặt trọn tâm huyết để viết tiếp ước mơ cho mẹ. Câu chuyện về người mẹ phải gác lại đam mê ca hát để theo đuổi sự nghiệp sư phạm được kể lại bằng những xúc cảm tinh tế và sâu sắc. Hình ảnh chàng rapper dắt tay mẹ lên đứng chung sân khấu để hai mẹ con cùng thực hiện ước mơ đã chạm đến trái tim của rất nhiều khán giả.
Ca ngợi cũng cần tránh cái bẫy định kiến
Bức chân dung mẹ có thể sẽ vô tình tái tạo định kiến nếu mãi chỉ định nghĩa mẹ bằng những công việc nội trợ và trọng trách chăm sóc, nuôi dạy con cái, hay gắn hình ảnh mẹ với những ký ức về đòn roi tuổi thơ hoặc áp lực đền đáp bằng vật chất – như trong bài rap giàu cảm xúc nhưng đã gây không ít tranh cãi Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu. Viết rap về mẹ, vì thế, cần làm nổi bật được những điều riêng biệt, nguyên bản và thực tế về họ, tránh đi vào lối mòn và đóng khung hình ảnh người mẹ vào những khuôn mẫu về vai trò của phụ nữ.
Khi nhạc rap vượt ra ngoài cộng đồng hip-hop để đến gần hơn với người nghe nhạc đại chúng, chủ đề và nội dung của những bài nhạc có lẽ sẽ là điều mà nhiều khán giả lưu tâm, trong lúc họ vẫn đang tìm cách để đến gần hơn với thể loại này. Khán giả đại chúng không tìm hiểu sâu về rap sẽ khó có thể nhận ra flow đắt giá, delivery uyển chuyển, hay cách rải vần phức tạp: tính tự sự trong lời rap hẳn sẽ là yếu tố dễ dàng chạm đến và đọng lại trong họ nhất. Câu chuyện về mẹ là câu chuyện ai cũng có thể liên hệ, và như thế, ta mong đợi thêm nhiều bài rap hay tôn vinh những người mẹ bằng tình cảm đơn sơ, chân thật nhất, đúng với sự phóng khoáng và nguồn năng lượng dồi dào của nhạc rap và văn hoá hip-hop.