Vừa qua, bang Florida, Mỹ mới đưa ra dự luật về giáo dục sau trung học và đại học. Đáng chú ý nhất trong dự luật là đề xuất loại bỏ các ngành học liên quan đến Nghiên cứu Giới (Gender Studies) và Lý thuyết Chủng tộc Phê phán (Critical Race Theory) tại các trường đại học công lập thuộc bang này. Trên thực tế, hội đồng trường New College of Florida đã đưa ra quyết định xoá sổ chương trình đào tạo ngành Nghiên cứu Giới.
Nhiều nhà giáo dục, trường đại học, sinh viên và giới truyền thông tiến bộ bày tỏ lo ngại và phẫn nộ về những quyết định này, bởi chúng đe dọa trực tiếp đến sự đa dạng, công bằng và hoà nhập trong giáo dục đại học, ảnh hưởng xấu đến quá trình trao quyền cho các nhóm thiểu số, yếu thế trong xã hội.
Nghiên cứu Giới là một ngành học còn khá mới lạ ở Việt Nam, vậy hãy cùng tìm hiểu xem đây là ngành gì và vì sao người ta lại đấu tranh trước nguy cơ ngành học này bị xóa sổ?
Ngành học Nghiên cứu Giới và Phụ nữ là gì?
Nghiên cứu Giới là một lĩnh vực học thuật liên ngành, phân tích các vấn đề về giới, bản dạng giới, tính dục và sự đa dạng. Nhìn vào vai trò của giới trong đời sống xã hội, ngành học này xem xét cách mà cuộc sống của cả phụ nữ và nam giới được định hình và chịu ảnh hưởng bởi những tác động mang tính hệ thống trong bối cảnh lịch sử và ở thế giới đương đại. Nghiên cứu Giới vốn bắt nguồn từ lĩnh vực Nghiên cứu Phụ nữ (Women’s Studies), sau đó phát triển và mở rộng hơn từ khoảng thập niên 1980 của thế kỷ trước để bao gồm những góc nhìn đa dạng về bản dạng giới và xu hướng tính dục hơn là chỉ nghiên cứu về quyền của phụ nữ, dẫn đến tên gọi Nghiên cứu Giới và Phụ nữ (Gender and Women’s Studies) thường thấy như ngày nay.
Là một lĩnh vực liên ngành, Nghiên cứu Giới sử dụng và liên đới với kiến thức từ các lĩnh vực như xã hội học, kinh tế, chính trị, địa lý con người, luật, y tế công cộng, truyền thông, nghệ thuật, và nhiều lĩnh vực khác, tất cả đều nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về vai trò của giới trong đời sống con người. Khái niệm giới cũng được đặt trong tương quan với những vận động không ngừng của kinh tế, văn hoá, xã hội và trong sự giao thoa với chủng tộc, giai cấp, tính dục, quốc tịch/quyền công dân, tuổi tác, và khả năng vận động.
Nếu bạn vẫn còn cảm thấy mơ hồ trong ma trận lý thuyết này, hãy thử nghĩ đến những vấn đề ngay trong cuộc sống hằng ngày có liên quan đến yếu tố giới. Tại sao bố mẹ bạn lại muốn đứa con gái của mình mặc trang phục kín đáo khi ra đường thay vì mặc áo hai dây, xỏ khuyên và xăm mình? Những album của Taylor Swift cho ta biết gì về tính nữ và vai trò của người nữ trong mối quan hệ? Các nội dung trên TikTok đang nói cho chúng ta điều gì về quan hệ tình dục và giáo dục giới tính? Tại sao những người thuộc cộng đồng LGBT lại đấu tranh cho quyền được kết hôn? Tất cả những câu hỏi này, và nhiều những câu hỏi khác ta bắt gặp mỗi ngày, đều có thể được phân tích và giải quyết từ góc nhìn của Nghiên cứu Giới và Phụ nữ.
Tóm lại, học Nghiên cứu Giới và Phụ nữ chính là học về những sự đa dạng ở quanh ta, học về cách mà xã hội đang vận hành và ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của chính ta.
Những hiểu lầm thường gặp về Nghiên cứu Giới và Phụ nữ
Hiểu lầm: Nghiên cứu Giới và Phụ nữ là học về giải phẫu cơ thể nữ, các đặc điểm sinh học và tình dục.
Cụm từ “nghiên cứu phụ nữ” có thể dễ gây lầm tưởng và gợi nhắc đến việc mổ xẻ giải phẫu hoặc phân tích các khía cạnh liên quan đến giới tính sinh học. Mặc dù Nghiên cứu Giới và Phụ nữ có tích hợp những góc nhìn sinh học, ngành này tập trung vào khái niệm giới như một kiến tạo xã hội, nhấn mạnh vai trò và tác động của các yếu tố văn hoá và điều kiện xã hội lên cách nhìn nhận và vai trò của mỗi giới. Nghiên cứu Giới và Phụ nữ là một ngành khoa học xã hội, đồng thời cũng bao hàm những tri thức và quan điểm của các ngành nhân văn.
Hiểu lầm: Ngành học này hoàn toàn về phụ nữ và chỉ dành cho phụ nữ.
Trong lịch sử, Nghiên cứu Giới và Phụ nữ có chú trọng hơn đến việc trao quyền cho phụ nữ, khi quyền bình đẳng về pháp luật và chính trị của phụ nữ còn là một đích đến cần đạt được. Tuy nhiên, đây là ngành học dành cho tất cả mọi người bất kể giới tính và xuất thân, với mục tiêu nuôi dưỡng sự thấu hiểu và trắc ẩn, cũng như thúc đẩy công bằng cho cả nam và nữ. Chương trình học xem xét đến quá trình xã hội hoá của các giới, các vấn đề về giới tại nơi làm việc và sự giao thoa giữa giới tính, sắc tộc, khuynh hướng tình dục và tầng lớp xã hội, cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến tất cả mọi người.
Hiểu lầm: Bạn cần phải là một nhà nữ quyền để theo học Nghiên cứu Giới và Phụ nữ.
Nghiên cứu Giới và Phụ nữ xây dựng trên lý thuyết nữ quyền, nhưng nguyên tắc căn bản của nữ quyền chính là trao cơ hội và điều kiện để bất kỳ ai, thuộc giới tính nào cũng có thể làm những việc họ muốn. Bạn không cần phải là một người đấu tranh cho nữ quyền hay một nhà hoạt động xã hội để cùng tìm hiểu và học hỏi những kiến thức của lĩnh vực này. Hơn nữa, không phải mọi nhà nữ quyền đều có những lý tưởng và bận tâm giống nhau, nên việc tự nhận diện bản thân là người đấu tranh vì quyền nữ không phải là điều kiện tiên quyết để nghiên cứu về giới. Ngành học này đón chào sự đa dạng, cởi mở trong thái độ và quan điểm.
Hiểu lầm: Đây là một ngành học không có triển vọng nghề nghiệp.
Nghiên cứu Giới và Phụ nữ mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng, bởi lĩnh vực nào trong thế giới việc làm cũng cần tích hợp những góc nhìn về giới. Tốt nghiệp với tấm bằng Nghiên cứu Giới, bạn có thể làm việc trong các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì sự phát triển con người và kinh tế, trong lĩnh vực hoạch định chính sách, cũng có thể trở thành giảng viên, tác giả hay người sáng tạo nội dung, hay đầu quân cho các tập đoàn kinh doanh hoặc cơ quan y tế. Cơ hội việc làm là không giới hạn, nếu bạn biết vận dụng những kỹ năng và kiến thức từ chương trình học liên ngành vào một thế giới đầy đa dạng và liên tục chuyển mình.
Một thông tin thú vị là nhiều diễn viên, ngôi sao nổi tiếng cũng từng theo học ngành này, trong đó nổi bật là Anne Hathaway (chuyên ngành phụ Nghiên cứu Giới và Phụ nữ tại Đại học Vassar) và Dakota Fanning (chuyên ngành Nghiên cứu Phụ nữ tại Đại học New York). Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng bước vào thương trường với tấm bằng đại học từ các ngành xã hội nhân văn có liên quan đến nghiên cứu giới. Có thể thấy rằng, người tốt nghiệp ngành Nghiên cứu Giới và Phụ nữ không chỉ tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và hoạt động xã hội theo đúng trọng tâm và chuyên môn, mà họ cũng có thể đóng góp góc nhìn đa chiều mang tính phản biện và tư duy nhạy cảm giới vào các công việc tương lai.
Học Nghiên cứu Giới và Phụ nữ ở đâu tại Việt Nam?
Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo cử nhân ngành Giới và Phát triển, là ngành học gần nhất với Nghiên cứu Giới và Phụ nữ. Thông qua các môn học của ngành, sinh viên được chia sẻ cởi mở kiến thức về các vấn đề và lĩnh vực phát triển như văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường dưới lăng kính giới.
Môn học về giới và bình đẳng giới cũng được giới thiệu trong chương trình học của một số ngành như Xã hội học, Nhân học (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn), Quốc tế học (Đại học Hà Nội), hoặc ở một số trường đại học quốc tế. Tuy nhiên, một chương trình đào tạo cử nhân cho ngành học này vẫn còn rất hiếm gặp ở Việt Nam. Du học ngành Nghiên cứu Giới ở các quốc gia khác cũng là một hướng đi ngày càng được nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn.
Dù có theo học ngành này hay không, điều cốt yếu là thái độ cởi mở, nhạy cảm giới để lồng ghép lăng kính giới vào các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội. Chừng nào những bất bình đẳng xã hội còn tồn tại, con người còn gắn kết với nhau nhưng cũng xa cách nhau bởi những định danh và những mối liên kết tạo nên chúng ta, thì khi đó, Nghiên cứu Giới còn cần thiết.