24 tuổi, vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp cao học và du học trở về, chuẩn bị bắt đầu công việc thứ tư trong sự nghiệp, tôi vẫn thấy mình mỗi đêm tắt đèn đi ngủ trên chiếc giường mét hai trong căn phòng từ thời trung học. Căn phòng được trang trí theo cá tính của tôi từ ngày chưa tới 15 tuổi, và dĩ nhiên, ở ngay đối diện phòng của bố mẹ.
Tôi đi làm, đi chơi, đi hẹn hò, đi đâu cũng được – miễn là thông báo cho bố mẹ lịch trình hằng ngày, và tốt nhất là về nhà trước 10 giờ tối. Ăn uống với ai ở ngoài thì đương nhiên phải gọi về nhà báo cắt cơm, và đi chơi qua đêm gần như là điều không thể, trừ những chuyến du lịch hay công tác dài ngày. Tôi có thể đã từng có những năm tháng tự lập ở nước ngoài, có thể học hành giỏi giang, có thể đang xây dựng sự nghiệp và những mối quan hệ riêng, nhưng vẫn là đứa con gái út ít trong mắt bố mẹ.
May mắn của tôi là những thói quen và sở thích cá nhân không làm cho tôi cảm thấy bị gò bó bởi những khuôn phép mà bố mẹ đặt ra, và tính cách, lối sống của mọi thành viên trong gia đình cũng phần nhiều hoà hợp. Nhưng những mâu thuẫn giữa tự do cá nhân và nề nếp gia phong, giữa phát triển sự nghiệp và ổn định gia đình có lẽ là nỗi niềm chung của nhiều bạn nữ cùng độ tuổi với tôi. Lớn lên là phụ nữ trong một gia đình Việt Nam đồng nghĩa với rất nhiều kỳ vọng, phép tắc và quy định.
Phụ huynh châu Á, so với cha mẹ ở những nền văn hoá khác, vốn nổi tiếng là nghiêm khắc và kỳ vọng rất cao ở con cái. Văn hoá Á Đông cũng đề cao những giá trị gia đình và lòng hiếu thảo, cho rằng những đứa con phải nghe lời bề trên và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Nền văn hoá của chúng ta cũng nói nhiều đến việc giữ thể diện; những hành vi có vẻ “khác thường” và làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của gia đình là điều cấm kỵ, mà thay vào đó, niềm tự hào và kiêu hãnh của gia đình phải được giữ gìn thông qua việc duy trì những truyền thống. Trong một xã hội gia trưởng và còn nhiều định kiến về vai trò của mỗi giới, lại không thiếu những cạm bẫy và hiểm nguy bủa vây ở thế giới bên ngoài, những truyền thống và lề thói đôi khi còn khắt khe hơn cho người con gái. Đặt trong góc nhìn của tình yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ, ta nhiều khi thấy mình mắc kẹt dưới áp lực phải làm hài lòng và nhận được sự chấp thuận từ phụ huynh.

Nhưng điều đó không dễ gì mà có được, khi những đổi thay không ngừng của thế giới và cuộc sống dẫn đến những cách biệt rõ rệt trong quan niệm và lối sống giữa thế hệ bố mẹ và thế hệ chúng ta. Bố mẹ hẳn mất rất lâu mới quen được với việc tôi ung dung ra khỏi nhà đi làm lúc 8-9 giờ sáng, thậm chí không cần đến văn phòng, nhưng tối tối vẫn ôm việc về nhà làm ngoài giờ, trong khi bố mẹ dậy sớm, đi làm theo giờ hành chính và về sớm. Bố mẹ thể hiện tình yêu thương bằng những món ăn, những bữa cơm nhà, còn những đứa con vài ngày một lần lại nhắn tin báo đừng phần cơm, hay có ở nhà cũng chỉ chờ gọi đồ ăn giao đến cho nhanh chóng và tiện lợi. Và băn khoăn to lớn nhất của bố mẹ có lẽ là những đứa trẻ này mãi không chịu ổn định, một đôi năm lại thấy đổi chỗ làm, và mãi không dắt bạn trai về bàn chuyện cưới xin.
Tách khỏi gia đình có thể là một cách dễ nhìn thấy để không còn bị ràng buộc bởi những phép tắc, nhưng việc con gái ra ngoài ở riêng là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, đặc biệt là với những bạn trẻ có gia đình ở thành thị. Ra ở riêng là bỏ thêm một khoản tiền thuê nhà, là phải hoàn toàn tự lập trong việc sắp xếp cuộc sống, là sống độc lập, tự do và có phần phóng khoáng – những điều hoàn toàn trong khả năng của chúng ta và cần được trải nghiệm để phát triển, nhưng với bố mẹ có lẽ vẫn là điều không tưởng. Lý do tài chính là một trở ngại khiến nhiều phụ huynh và chính các bạn trẻ băn khoăn về việc ở riêng, nhưng ngay cả khi có đủ thu nhập để tự lo cho cuộc sống độc lập của bản thân, nhiều bạn trẻ vẫn không nhận được sự ủng hộ để ra ngoài một mình thuê trọ. Thế hệ bố mẹ lớn lên vất vả, khi trưởng thành luôn đau đáu tiết kiệm, dành dụm để lo cho tương lai, nên thật khó cho họ để hiểu và chấp nhận rằng chúng ta sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để có một cuộc sống thoải mái, dù là cho một bữa ăn ngon, một ly cà phê ngoài quán, hay cả một căn nhà thuê.

Một cô bạn của tôi khi thuyết phục bố mẹ cho dọn ra ở riêng cũng đã lên danh sách đầy đủ những lý do rất chặt chẽ và những cách để bạn chứng minh khả năng tự lập, nhưng cũng chỉ nhận lại một cái lắc đầu kiên quyết. Gia đình không phải nơi để nói lý lẽ: bố mẹ cần thấy sự yêu thương và quan tâm từ con cái, và những điều đó, với họ, nhiều khi được thể hiện chỉ bằng sự có mặt của những đứa con trong căn nhà.
Nhưng cũng không ít bậc phụ huynh cho rằng “con gái là con người ta” – những đứa con gái chỉ ở nhà đến khi lấy chồng, có gia đình riêng, và sự hiện diện của chúng ở nhà cũng chỉ là tạm thời. Tôi đã nghe không ít những câu chuyện của những bạn gái bị coi như “người khách” ngay ở trong nhà: gia đình cho khách ở nhờ trong phòng mình khi đi vắng, hay đi công tác về thấy nhà cửa ngổn ngang vì bố mẹ quyết định sửa nhà mà không thông báo trước. Tôi lại nghĩ về căn phòng của mình với bức rèm và bộ chăn ga hoa tím, với giá sách vẫn chất đầy tài liệu học tiếng Anh từ những ngày còn ôn thi. Bố mẹ tôi, may thay, vẫn luôn bảo, đây là phòng của con, và sẽ mãi là nhà của con. Nhưng tôi cũng không nghĩ đến việc sắp xếp hay sửa sang lại căn phòng, không chỉ vì nó lưu giữ rất nhiều ký ức, mà bởi tôi biết cũng sẽ lại đến ngày tôi không còn ngủ ở đây mỗi đêm.
Qua thời gian, cùng với ảnh hưởng của văn hoá vật chất, cảm thức của chúng ta về nơi chốn gắn bó và khái niệm “người thân” cùng dần thay đổi. Ta không chỉ gắn bó với một nơi định cư vĩnh viễn, và không chỉ có thành viên gia đình, những người cùng huyết thống mới là người thân. Thời gian ở Anh, tôi có chơi thân với một nhóm bạn đến từ các nước Nam Á và Tây Phi, họ ở chung một khu căn hộ. Dần dần, tôi thấy mình qua lại khu căn hộ này nhiều hơn cả về nhà của chính mình, và bắt đầu tha lôi từ bên ngoài (hay từ nhà mình) về đây những món đồ tôi cần hoặc quen sử dụng. Một hôm, tôi phì cười nhận ra mình có ở đó tới cả chục đôi đũa: đũa ăn, đũa nấu, đũa dự phòng khi các bạn Đông Á/Đông Nam Á khác tới chơi,… Đồ ăn là “ngôn ngữ tình yêu” trong nhóm bạn của tôi, và đôi đũa là cách tôi thể hiện, nâng niu và trân trọng tình yêu đó khéo léo, thuần thục nhất. Họ chẳng phải đã là “nhà”, là người thân của tôi đó sao?

Dù ở với bố mẹ, ở với bạn bè, người thương, hay với bất kỳ ai đi nữa, những khoảng cách vẫn sẽ luôn tồn tại: khoảng cách thế hệ, tuổi tác, văn hoá, chính trị, tôn giáo,… Điều quan trọng là ta luôn giao tiếp bằng yêu thương và trắc ẩn, coi cách biệt hay xung đột cũng là cách để thấu hiểu nhau hơn. Những khoảng cách là tất yếu, nhưng chúng không nên là trở ngại ngăn ta đến gần hơn với những người thân yêu.
Tôi mong bản thân tôi và những người bạn đồng trang lứa luôn thấy mình mong muốn được gần gũi với gia đình, ít nhất là về mặt tình cảm, luôn có thể tin rằng đó là nơi an toàn để trở về, dù ta có ở ngay cạnh bên họ hay không.