Tôi nhớ như in hồi 5 tuổi, tôi được cô giáo chọn vào đội múa, biểu diễn trong lễ bế giảng trường mẫu giáo. Mặc dù thấp bé nhẹ cân, nhưng tay chân uốn éo nên tôi được tin tưởng giao cho múa chính. Thành tích đầu đời khiến tôi sung sướng, đòi mẹ mua từ son môi hồng phấn cho đến cái váy múa ba lê lấp lánh có hình công chúa in trên ngực – cũng nhất định phải màu hồng. Ngày biểu diễn, tôi không chỉ nổi bật nhất đám (vì chỉ mình tôi mặc màu hồng), mà còn được khen ngợi hết lời vì thần thái tự tin tươi rói.
Những tưởng tuổi thơ huy hoàng ấy sẽ định đoạt số mệnh của mình, vậy mà chỉ vài năm sau thôi, khi cú sốc “dậy thì” ập đến, tôi thay đổi chóng mặt. Bàn tay bỗng cứng nhắc vụng về, động gì hỏng nấy. Đôi chân nhỏ ngày nào lại phình ra mà không dài thêm, khiến tôi dù đã là thiếu nữ vẫn chỉ “3 mét bẻ đôi”. Ấy là ngoại hình, tính nết tôi cũng như có nhân cách khác xâm chiếm. Xưa kia hay khóc nhè bao nhiêu thì giờ đây tôi nóng giận và lì lợm bấy nhiêu, khiến cho bố mẹ luôn phải đau đầu. Tủ quần áo mẫu giáo toàn màu hồng những váy vóc ngắn dài được tôi thanh lí hết, thay bằng những chiếc áo phông rộng thùng thình và những chiếc quần short như cầu thủ bóng đá – tất cả chúng đều màu đen. Những năm tuổi teen sóng gió ấy có thể được tóm tắt trong một câu: tôi từ Hello Kitty đã biến thành Mèo Đi Hia.
Nhưng sự biến đổi ấy chẳng phải vô cớ. Khi tôi nhận ra màu hồng, váy vóc và nước mắt là những nhãn mác được gán cho con gái, tôi bắt đầu ghét bỏ và tìm cách bài trừ chúng như một hình thức nổi loạn. Nhận thức được thế giới mình đang lớn lên là nơi hầu hết mọi quyết định trọng đại được đưa ra bởi đàn ông, tôi tự dặn mình luôn phải mạnh mẽ – khi ấy với tôi nghĩa là “không khóc lóc, không thỏa hiệp, không điệu đà”. Khi một người lớn tuổi nói rằng phụ nữ không được phép chủ động trong tình yêu, tôi cãi lại gay gắt. Khi một cô giáo dạy Toán khẳng định con gái sinh ra kém thông minh hơn con trai, tôi cau mày và không bao giờ tôn trọng cô nữa. Khi mẹ tôi bảo tôi học nấu ăn vì “con gái thì phải thế”, tôi không bao giờ bước vào bếp nữa. Với bất cứ đứa con trai cùng lớp nào dám trêu chọc, tôi nổi nóng, thậm chí sẵn sàng “chiến” nếu trò đùa đi quá xa. Tôi như một quả bom sẵn sàng phát nổ trước bất cứ dấu hiệu “phân biệt giới tính” nào.
Quãng “nổi loạn” ấy tuy khiến tôi tự hào vì ít nhất bản thân đã tự thoát ly khỏi những khuôn mẫu truyền thống bao quanh một bé gái, nhưng cũng đem đến cho tôi không ít rắc rối. Nghĩ lại tôi thấy mình thật “cool” khi dám thách thức những quan điểm lỗi thời về nữ giới, chỉ có điều cách làm ấy quá cực đoan. Cố gắng thoát ra khỏi một cái lồng, tôi vô tình tự giam mình vào một cái lồng khác, nơi những cảm xúc không được tự do thể hiện mà bị đè nén dưới vẻ ngoài kiêu hãnh. Không ít lần ý tưởng về một cây son sẽ làm tôi xinh xắn hơn thoáng qua trong đầu, nhưng vì sợ bị lầm tưởng “điệu đà”, tôi gạt phăng đi. Lần khác khi tôi quá mệt mỏi với bài vở và thi cử, khóe mắt ươn ướt nhưng nước mắt không được phép tuôn ra, vì khóc nghĩa là “yếu đuối”. Tôi muốn lớn lên trở thành người phụ nữ độc lập và thành công, bởi thế mà không cho phép bản thân từ chối áp lực hay thua kém bất cứ bạn nam nào.
Điều tôi thích nhất khi bước sang tuổi 20 là tôi bắt đầu thay đổi một lần nữa, nhưng lần này là theo cách dễ chịu hơn. Tủ đồ của tôi dần sáng màu hơn, không còn là mỗi màu đen hầm hố, tôi khoác lên mình cả những chiếc áo hồng, tím mà tôi ở tuổi 14 vô cùng căm ghét. Gần đây khi mặc thử một chiếc váy xòe, trước gương tôi thấy mình cũng xinh đẹp và nữ tính. Cặp chân to tôi thường che đi bằng quần baggy dài thì ra cũng rất dễ thương dưới tà váy bồng bềnh. Tôi bắt đầu học nấu ăn, không phải để trở thành nội trợ mà vì tôi được ở gần mẹ mỗi lần hai mẹ con đứng bếp. Tôi vẫn cau mày khi ai đó nói rằng phụ nữ không đủ khả năng, nhưng sẵn sàng bình tĩnh giải thích, phản biện để họ hiểu thêm về mình. Tôi cho phép bản thân được khóc nhiều hơn mỗi khi buồn hay mệt mỏi, vì tôi biết rằng nước mắt không làm tôi trở nên thảm hại chút nào. Tôi vẫn độc lập, nhưng tôi chọn dựa vào những người thân thiết khi cần.
Trước kia ngày nào tôi cũng nghe “Run The World” của Beyoncé để thêm khí thế, bởi như lời bài hát, tôi tin chắc rằng “phụ nữ điều hành thế giới” (Girls run the world). Giờ đây khi buồn, tôi lại chìm vào những giai điệu thất tình của Lana Del Rey. Tôi là thế, tôi là tất cả những nghịch lý hòa trộn lẫn nhau. Suốt cuộc đời tôi cứ tìm kiếm những định nghĩa, rằng tôi là ai, tôi nên chơi với ai, nên mặc như thế nào, nói năng ra sao? Nhưng liệu có cần phải đóng khung bản thân trong những nhãn mác chật hẹp? Phụ nữ sinh ra không nhất thiết phải hoặc là dịu dàng, hoặc là cứng rắn, hoặc là mặc váy, hoặc là mặc quần. Chúng ta có thể khóc ướt gối vào những ngày công việc không như ý, nhưng cũng có thể tự tin điều hành một cuộc họp vào những ngày tràn trề năng lượng. Tôi tin đó mới là ý nghĩa thật sự của Nữ quyền: phụ nữ có khả năng làm được mọi thứ, và được làm mọi thứ, ngay cả việc cho phép bản thân được yếu đuối.