Bài viết là một vài ghi chép cá nhân của tác giả sau khi tham gia tọa đàm “Bình đẳng giới và Nho giáo: Điều gì làm nên một người đàn ông trong xã hội Việt Nam hiện đại?”
————————-—————
Trong không gian yên tĩnh với ánh đèn vừa sáng của quán ăn, tôi rưới tương ớt lên chiếc burger và gợi chuyện với người ngồi bên cạnh:
“Buổi hôm nay làm em nhớ đến việc anh thường bị nhiều người nhầm tưởng là gay lúc mới gặp.”
Đó là bữa tối sau khi tôi cùng bạn trai tham gia tọa đàm “Bình đẳng giới và Nho giáo: Điều gì làm nên một người đàn ông trong xã hội Việt Nam hiện đại?” tổ chức tại Tổng Lãnh sự quán Đức. Sau khi buổi tọa đàm kết thúc, trên quãng đường lái xe về nhà, cả hai hầu như đều im lặng, trôi nổi trong dòng suy nghĩ của riêng mình và trong… cơn đói.

Bạn trai tôi thường bị kha khá người nhầm tưởng là đồng tính nam (gay) khi mới gặp mặt. Tính tình nhẹ nhàng, hòa nhã, có phần quan tâm đối phương ở anh dường như “phát” ra tín hiệu “Người này là gay” với người đối diện. Ban đầu khi biết được điều đó, tôi chỉ cảm thấy khá khá hiểu và có phần buồn cười. Tôi biết rõ anh là đàn ông dị tính, bằng chứng lù lù là… tôi đây còn gì.
Tuy nhiên theo thời gian, sự khó hiểu theo kiểu ‘vì sao mọi người lại nghĩ anh là gay khi anh có người yêu là nữ giới” dần chuyển thành sự khó hiểu ‘vì sao khi người ta thấy một người đàn ông hòa nhã, nhẹ nhàng, gọn gàng, biết nấu ăn,…, thì ngay lập tức họ có ấn tượng người đó là gay?’. Và dĩ nhiên, khi biết anh đang trong một mối quan hệ tình cảm khác giới thì suy nghĩ đó cũng thay đổi.
Sau này, tôi gặp thêm một kiểu mặc định – gần như là phản xạ tự nhiên, đấy là nếu một người đàn ông thể hiện sự ủng hộ, quan tâm tới các vấn đề như quyền của cộng đồng LGBTQ+ hay bình đẳng giới, thì người đó là gay.
Những mặc định này nói lên điều gì về đàn ông và cách xã hội chúng ta nhìn nhận về đàn ông từ trước đến nay? Chẳng lẽ người đồng tính nam không phải đàn ông? Chẳng lẽ đàn ông dị tính không thể là những người hòa nhã, nhẹ nhàng, biết nấu ăn, biết giặt giũ, biết dọn nhà,…? Đàn ông dị tính không thể làm bạn, ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ hay ủng hộ nữ quyền và bình đẳng giới?
Hình mẫu người đàn ông đích thực
Vì chủ đề của buổi tọa đàm liên quan đến Nho giáo và những ảnh hưởng của Nho giáo đối với những chuẩn mực tạo nên một người đàn ông, chúng tôi được dịp nhìn lại sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo lên Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ trong tư tưởng phân chia vai trò giới cũng như định nghĩa về giới, thế nào là một người đàn ông, thế nào là một người phụ nữ.
Hãy thử điểm qua một vài câu răn dạy nổi tiếng trong Nho giáo:
“Dương cường, âm nhu” (Người đàn ông phải mạnh mẽ, cứng rắn,…)
“Nam nhi chí tại bốn phương, đầu đội trời chân đạp đất”
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Mười con gái không bằng một con trai)
Xã hội trong Nho giáo là xã hội của đàn ông. Đàn ông được mô tả, được giáo dục để trở thành kẻ mạnh, quân tử, những người chí khí kiên cường, dũng mãnh, tham vọng, làm rạng danh gia đình dòng họ bằng công danh, cáng đáng việc nước trên vai. Nói ngắn gọn, đàn ông là những người tiên phong, dấn thân, là phái mạnh. Phụ nữ thì khác. Phụ nữ mỏng manh hơn. Họ là những thân phận bé nhỏ, là những người phụ thuộc, khi còn ở nhà với cha mẹ phải nghe theo cha, khi đi lấy chồng phải nghe theo chồng, khi chồng chết phải nghe lời con trai. Phụ nữ được dạy phải biết nhu mì, biết nghe lời, biết phục tùng. Phụ nữ là vật sở hữu của đàn ông.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất chịu ảnh hưởng của những khuôn mẫu giới này. Nho giáo cũng không phải học thuyết đầu tiên và duy nhất uốn nắn đàn ông và phụ nữ vào những cái khung nhất định. Vượt ra ngoài lãnh thổ châu Á để đến với những quốc gia phương Tây, bạn có thể thấy sự tương đồng trong quan niệm và cách giáo dục về việc thế nào là đàn ông, thế nào là đàn bà.
Tóm lại, chúng ta được dạy đàn ông là phái mạnh, phụ nữ là phái yếu. Đàn ông không khóc. Phụ nữ dễ xúc cảm. Đàn ông ra ngoài làm việc, kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp, khởi tạo công danh. phụ nữ là hậu phương, là người đứng sau thành công của đàn ông. (Ai trong chúng ta cũng đã nghe đến câu “Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ”.)
Tính nam độc hại trong thời hiện đại
Theo Nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” (2020) của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện, “người đàn ông đích thực được trông đợi là phải có một loạt các tiêu chí nam tính truyền thống trong quan niệm phổ biến về thế nào là một người đàn ông.” Có sự nghiệp vững chắc, vẻ vang; phong thái mạnh mẽ, dứt khoát; không ngại mạo hiểm; không tỏ ra yếu đuối; chủ động tỏ tình, hào phóng với phụ nữ; là trụ cột gia đình, kiếm đủ tiền nuôi vợ con;…. – đây là một số những tiêu chí làm nên một người đàn ông đích thực theo quan niệm của những người tham gia khảo sát.
Khi nghe những tiêu chí này, bạn cảm thấy lạ lẫm hay quen thuộc? Có lẽ vế thứ hai sẽ chiếm áp đảo. Đôi vai người đàn ông cũng nặng trĩu những áp đặt, những kỳ vọng, những phán xét nếu như họ không sống đúng theo chuẩn mực.

Thuật ngữ “nam tính độc hại” xuất hiện từ những năm 1990 và đầu những năm 2000, chỉ những tiêu chuẩn cực đoan áp đặt lên nam giới về biểu hiện giới, cách hành xử với mọi người xung quanh hay với chính bản thân mình. Dù mức độ các tiêu chuẩn có sự khác biệt trong mỗi hoàn cảnh cụ thể của từng người, nhìn chung, những tiêu chuẩn chung vẫn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội. Người đồng tính nam, vì thế, bị coi là “lệch chuẩn”, là sự đe dọa, “gây nhiễu” đến những chuẩn mực về hình mẫu người đàn ông đích thực.
Không lạ lẫm gì khi bạn trai tôi thường bị nhầm tưởng là gay. Vẻ ngoài của anh toát lên một sự trái ngược với tiêu chuẩn về sự mạnh mẽ, dứt khoát ở một người đàn ông “đích thực” nên có. Đặc biệt, anh còn biết nấu ăn. Và nấu ăn ngon!
Thế mới nói, nếu phụ nữ vào bếp, đó là chuyện bình thường bởi đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm hàng ngàn đời nay của phụ nữ, là nơi mà nghiễm nhiên phụ nữ được cho là “thuộc về”. Nhưng đàn ông, nhất là đàn ông dị tính biết nấu nướng vẫn là một chuyện gì đó đáng ngạc nhiên và trầm trồ. Dù trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta biết rõ không thiếu gì những người đàn ông vào bếp, từ những người cha, người chồng, người anh/em trai vào bếp nấu nướng, dọn dẹp cho gia đình hay những người đàn ông chọn nấu nướng là nghề nghiệp.
Tôi cần nói thêm ở đây, sự nhầm tưởng xu hướng tính dục chưa chắc đã là một cái gì đó tiêu cực có hàm ý xúc phạm hay kì thị. Chúng ta chỉ đã quá quen thuộc với những khuôn mẫu. Các khuôn mẫu ăn sâu vào đời sống xã hội, và khiến chúng ta hình thành và duy trì thiên kiến nhận thức (cognitive bias) mà nhiều khi không nhận ra.
Đàn ông cũng có thể… chứ!
Trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới, nếu phụ nữ là nạn nhân của chế độ gia trưởng và sự thù ghét phụ nữ thì chính chế độ gia trưởng cũng đã, đang và sẽ còn gây hại cho nam giới. Những áp đặt về chuẩn mực, vai trò và biểu hiện bó hẹp người đàn ông trong một cái khung nhất định (giống như phụ nữ). Tôi có cảm giác điều đó chỉ khiến cho hai giới ngày càng xa cách và tách biệt nhau, làm dày thêm tư tưởng nhị nguyên trong xã hội. Bạn chỉ có thể là như thế này, không thể là như thế kia. Nếu bạn có biểu hiện này, hẳn bạn là đồng tính, hoặc hẳn bạn là dị tính. Một người đàn ông nhẹ nhàng, hòa nhã chắc hẳn là đồng tính nam. Một người đàn ông biết chăm chút vẻ ngoài, có gu ăn mặc chắc hẳn là đồng tính nam. Một người đàn ông mà quan tâm đến những vấn đề về giới và cộng đồng LGBTQ+, chắc chắn cũng thuộc cộng đồng đó. Chúng ta “đóng hộp” cả nam giới lẫn nữ giới – vô vàn cá thể độc lập trong một cái khung chung chung.

Nhưng cuộc sống đâu phải chỉ có trắng – đen. Con người có vô vàn khía cạnh khác biệt, tưởng chừng mâu thuẫn nhưng thực ra đó lại là những điều khiến con người là con người.
Đàn ông cũng trang điểm.
Đàn ông cũng cần sự hỗ trợ về tinh thần từ người thân, bạn bè.
Đàn ông cũng làm nội trợ.
Đàn ông cũng là giáo viên mẫu giáo. (Sự thật là có, mời bạn xem qua phóng sự của VTV24 )
Đàn ông cũng chăm sóc da.
Đàn ông cũng thích mặc đẹp.
Đàn ông cũng có thể trở thành đồng minh của cộng đồng LGBTQ+ và phong trào bình đẳng giới.
Tôi không nghĩ rằng việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Thế nào là một người đàn ông?” là một điều cần thiết. Không có mẫu số chung nào hết. Không có khuôn mẫu nào phù hợp và vừa khớp với từng ấy triệu người trên Trái đất. Khoảnh khắc khi tôi nhận ra tôi không cần phải gồng ép mình sống theo những tiêu chuẩn về một người phụ nữ là khi tôi nhận ra mình có thể tự do hơn một chút, được là chính mình nhiều hơn, làm những điều tôi thực sự muốn. Nó giúp tôi học cách bỏ bớt khuôn mẫu và kỳ vọng khi tiếp xúc với ai đó, học cách đón nhận người khác vì họ là chính họ, dù bản thể mỗi người có phức tạp, muôn màu và khác biệt đến đâu.
Phá bỏ những chuẩn mực hay khuôn mẫu giới là một nhiệm vụ không dễ dàng, thậm chí có thể nói là bất khả thi. Nhưng có lẽ, chúng ta cũng nên thử, bắt đầu với chính bản thân mình xem sao nhỉ?
Và