“Nữ quyền không phải là làm cho phụ nữ mạnh mẽ hơn, mà là thay đổi cách thế giới nhìn nhận về sức mạnh vốn có của phụ nữ”. – G.D Anderson
Ngày càng nhiều nhà làm phim chọn phụ nữ làm nhân vật chính trong tác phẩm điện ảnh. Không thể phủ nhận đây là bước tiến nhằm xóa bỏ những định kiến và khuôn mẫu giới độc hại, song nhiều bộ phim dễ rơi vào cái bẫy của dòng phim này nếu cố lí tưởng hóa phụ nữ dựa trên thông điệp và cách thể hiện nông cạn.
Phần 2 của series Bình đẳng cho phụ nữ trong điện ảnh: Chặng đường dài phía trước sẽ giải mã “cái bẫy” lí tưởng hóa mà những nhà làm phim thường sa vào khi làm phim về phụ nữ.
Phần 2: Lí tưởng hóa phụ nữ – Cái bẫy của dòng phim về phụ nữ
Xuất phát từ mục đích chính đáng
Trong ekip của những bộ phim có nhân vật nữ là trung tâm luôn có ít nhất một phụ nữ – những người đã “nhẵn mặt” với sự bất bình đẳng giới tính khét tiếng của nền công nghiệp điện ảnh. Họ hiểu rõ những vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt ở văn phòng, trong căn bếp, ở trường học cũng như ở trường quay. Đa số các bộ phim đều phản ánh rất chân thực nghịch cảnh này, khiến khán giả nhận thức được những bất công thực sự hiện hữu chứ không chỉ là tin đồn trên mặt báo.
Trong trường hợp của Captain Marvel, nhân vật chính là một cô gái bị lừa dối, thao túng, kìm kẹp, không được phép sử dụng sức mạnh của mình hay như phim miêu tả – phải luôn chiến đấu với “một cánh tay bị trói sau lưng”. Hành trình nhân vật chính gục ngã và rồi đứng dậy để có thể trở thành một nữ phi công đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Carol Denver trước khi có siêu năng lực cũng như người bình thường như bất cứ ai trong chúng ta, vẫn đang nỗ lực không ngừng để đạt được thành công. Charlie’s Angels – bộ phim ra mắt cũng năm cũng làm được điều tương tự khi phản ánh tệ nạn “male gaze”, tình dục hóa và lạm dụng hình thể phụ nữ ngay từ đầu phim, cùng với một câu thoại hàm ý thông điệp rất thẳng thắn từ nữ chính do Kristen Stewart thủ vai: “Tôi nghĩ Phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì”.
Khi không gian thể hiện về bình đẳng giới trong điện ảnh đã rộng mở hơn, chẳng có lí do nào khiến nhà làm phim không tôn vinh một nửa dân số thế giới. Cho dù không thực sự đánh giá cao hai bộ phim nói trên, tôi tin rằng chúng đều xuất phát từ một mục đích tốt. Những nhân vật nữ đều đại diện cho vô vàn phụ nữ ngoài kia, dũng cảm, mạnh mẽ, luôn nỗ lực và không gục ngã trước bất công.
…lại rơi vào cái bẫy nông cạn
Nhưng mục đích thôi là chưa đủ, bởi trong điện ảnh, một ý tưởng tuyệt vời chưa chắc quan trọng bằng một cách thể hiện chỉn chu. Trong nỗ lực tôn vinh phụ nữ, những nhà làm phim đã vô tình sa vào cái bẫy mang tên “Lí tưởng hóa”. Họ biến nhân vật nữ chính trở thành những cô nàng “cool ngầu”, có sức mạnh siêu việt nhưng không có lấy một điểm yếu. Họ tập trung phô diễn sức mạnh và ngoại hình mà quên mất đi sâu thể hiện tính cách và nội tâm nhân vật. Họ làm thỏa mãn thị giác và trộm được sự ngưỡng mộ từ người xem, nhưng bỏ lỡ tài sản quan trọng nhất – sự đồng cảm của khán giả. Nhân vật nhanh chóng rơi vào lãng quên ngay khi những dòng credit bắt đầu chạy.
Ngoài Carol Denvers, Marvel còn sở hữu một Nữ siêu anh hùng với xuất thân trong truyện tranh như “mỏ vàng” để tha hồ khai thác nội tâm – Black Widow. Bị bắt cóc, bị vũ khí hóa cho mưu đồ chính trị, bị tước quyền làm mẹ, bị tình dục hóa bởi đàn ông… – khó mà tìm thấy nhân vật nữ nào có nội tâm phức tạp như nữ điệp viên của Scarlett Johansson. Nhưng nhà làm phim đã từ chối tất cả để tập trung vào đúng một mục đích trong phần phim riêng của nhân vật này: phô diễn sức mạnh thể chất. Hai tên phản diện được “hứa hẹn” tàn nhẫn và bạo lực đều bị nhân vật chính đánh bại dễ dàng. Phân cảnh đột nhập nhà tù chứa những tên tội phạm nguy hiểm cũng gây khó hiểu khi một mình Black Widow có thể giải thoát cho tù nhân và “xử đẹp” một toán lính gác mà không mất một cọng tóc. Nếu không nhờ ấn tượng từ các phần phim trước cùng diễn xuất của Scarlett Johansson, có lẽ khán giả sẽ chỉ biết đến một Góa phụ đen với những cú đấm chết người, đánh đâu trúng đó, bá đạo vô đối mà quên mất cô là ai, có những tổn thương nào và vượt qua và trở thành Nữ siêu anh hùng ra sao.
Trong khi những siêu anh hùng nam cùng thời khác có hẳn hành trình phát triển nội tâm sống động (Captain America là sự chật vật thích nghi với hiện tại của người lính năm 40, Iron Man với hành trình đi tìm “cái tôi” và nỗi ám ảnh của người anh hùng) cũng như lời tạm biệt huy hoàng với khán giả, Black Widow lại được “tri ân” bằng một cốt truyện hời hợt, không để lại dấu ấn đặc biệt nào. Có công bằng với Scarlett Johansson không khi nhân vật của cô đã góp phần tạo nền móng cho vũ trụ Marvel nhưng lại ra đi trong một phần phim riêng đầy lãng phí? Suốt thời lượng 2 tiếng, nữ điệp viên đi qua một hành trình nhạt nhòa và vô nghĩa mà không có bất cứ chuyển biến tâm lý hay sự trưởng thành nào. Cô vẫn đẹp, vẫn mãnh mẽ, nhưng đáng tiếc, thiếu tính “con người” cần có để làm nên nhân vật điện ảnh thành công.
Dòng phim hành động thường duy trì motif chính diện – phản diện. Với những phim nữ siêu anh hùng, hầu hết phản diện là nam giới, dễ hiểu bởi tại Hollywood, nguyên nhân gây tổn thương cho phụ nữ là chế độ phụ quyền. Đặt vai phản diện trong hình hài một người đàn ông có thể coi là sự phản ánh đời sống. Tuy nhiên, cách những nhà làm phim giải quyết mâu thuẫn này cũng phản ánh ngược lại góc nhìn thù hận và quy chụp nam giới.
Tất cả những nhân vật nam trong Captain Marvel nếu không thao túng, dối trá thì hèn kém và nhu nhược. Nhân vật nữ chính thì không chỉ xử gọn nhẹ những tay phản diện mà luôn giữ thái độ trịch thượng, kiêu ngạo và xem thường với ngay cả trợ thủ của mình. Carol Denvers dường như sở hữu những tính xấu điển hình – cao ngạo, cáu giận, độc lập đến cực đoan, coi thường người khác – nhưng lại được ca ngợi. Hạ thấp đàn ông, lí tưởng hóa phụ nữ chỉ là một cách “trả thù” ngây thơ nhằm đảo ngược cán cân giới tính mà không hề khiến nó tìm được điểm cân bằng. Tệ hơn, chúng dễ trở thành mũi kim xoáy sâu vào mâu thuẫn giới vốn đã rất gay gắt.
Những tia sáng trong vũng lầy
Làm phim về phụ nữ là một thử thách bởi mảnh đất này chứa đầy vũng lầy nhạy cảm mà bất cứ nhà làm phim nào nếu không cẩn thận đều dễ sa vào, nhưng cũng không thiếu những tia sáng – những bộ phim về phụ nữ, do phụ nữ và tôn vinh phụ nữ đúng nghĩa.
Cùng thuộc thể loại siêu anh hùng nhưng Wonder Woman thuộc DC có bước đi khôn ngoan hơn rất nhiều so với phim của Marvel. So sánh với Captain Marvel, Wonder Woman có sức mạnh tương đương, nhưng tràn đầy sinh khí. Cô biết yêu, biết ghét, biết ước mơ, biết nỗ lực, biết chống lại cái ác. Trong hành trình của mình, cô đã truyền cảm hứng cho một người phụ nữ trở nên tự tin hơn, khiến những người đàn ông từ những gã say xỉn đã đứng lên chiến đấu cho hòa bình. Phân cảnh Diana cùng những người đàn ông cùng nhau tiến lên đánh bại Thần Chiến tranh Ares thể hiện góc nhìn lí tưởng khi đàn ông và phụ nữ có thể cùng trên một chiến tuyến thay vì đối đầu nhau.
The Favourite, bộ phim bi-hài kịch năm 2018 là một trường hợp đặc biệt mà nhà làm phim ở đa dạng thể loại nên lấy làm sách tham khảo nếu muốn làm phim về phụ nữ. Phim đặt đàn ông và phụ nữ trong bối cảnh đối nghịch với hiện thực: đàn ông thích làm đẹp, luôn trang điểm và có nhu cầu được yêu chiều còn phụ nữ tham vọng, mưu cầu quyền lực và đặc biệt luôn để mặt mộc. Nhưng ngay cả khi ở trong một thế giới khi phụ nữ có nhiều quyền lực hơn đàn ông, đạo diễn và biên kịch cũng không để những nhân vật thuộc hai giới tham gia vào một cuộc chiến vô nghĩa. Mọi nhân vật trong phim, từ chính đến phụ, từ đàn ông đến phụ nữ đều như những con người thật bước vào phim, có hỷ, nộ, ái, ố, có thói hư tật xấu cũng như lòng tốt. Tính nam hay tính nữ đều chỉ là nét tính cách rất tự nhiên thay vì là chuẩn mực xã hội và giới tính không quyết định một con người phải sống và hành xử ra sao.
Ranh giới giữa một phim hay và một phim dở tưởng như mong manh, nhưng đơn giản gói gọn trong câu nói của đạo diễn phim – Yorgos Lanthimos: “Bạn không cần phải lí tưởng hóa phụ nữ khi làm phim về họ. Họ đơn giản chỉ là con người”. Nhân vật nữ, dù là siêu anh hùng hay người bình thường, dù độc thân hay kết hôn, dù trẻ hay già đều nên được nhìn nhận dưới lăng kính của một con người, thay vì một công cụ để duy trì hay lật ngược bất bình đẳng giới. Đưa phụ nữ lên màn ảnh là một hướng đi đúng, nhưng nhà làm phim cần làm tốt hơn thế để có được bình đẳng cho phụ nữ trong điện ảnh.