Tôi không phải một người phụ nữ đảm đang theo nghĩa truyền thống
Từ khi còn bé, bố mẹ đã thường xuyên nhắc nhở tôi về chuyện bếp núc cơm nước. “Con gái thì phải đảm đang” là một câu nói quen thuộc. Theo sự chỉ bảo của bố mẹ, tôi xắn tay vào học và làm chuyện nhà: quét tước, lau dọn, cắm nồi cơm, nấu vài món ăn cơ bản,… nói chung là đỡ đần bố mẹ được việc nào hay việc ấy. Thật lòng mà nói, tôi không phải một đứa trẻ quá chăm chỉ, tôi có nhiều lúc lười biếng, ngại việc, nhưng vì bố mẹ tương đối nghiêm khắc, nên muốn trốn cũng không được.
Nhưng tôi biết rõ, bản thân mình không phải một người thích nấu ăn. Càng không phải một người nấu ăn ngon. Tôi biết tự nấu vài món cơ bản, và nếu có công thức hay chỉ dẫn thì tôi cũng làm theo được, dù không đến mức xuất sắc hay sáng tạo. Nấu ăn với tôi là một chủ đề không mấy hấp dẫn. Sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với nấu ăn đó là công việc nhà, là trách nhiệm mà một người con cả cần lo. Nói rộng hơn, là một việc mà con gái cần phải làm và làm thành thạo. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đó, tôi chưa bao giờ thực sự yêu thích công việc này để muốn học cách nấu nướng thành thạo.

Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu nghe đến câu nói “Đường đến trái tim đàn ông là qua dạ dày”. Hình dung của tôi khi đó là hình ảnh một người phụ nữ trong chiếc tạp dề mang những đĩa thức ăn nóng hổi và ngon lành ra bàn ăn, cười một nụ cười duyên dáng với người đàn ông đang ngồi tại bàn. Phải chăng đó là con đường duy nhất mà người phụ nữ nào cũng cần đi?
Thức ăn không có giới tính
Nếu chúng ta được dạy phương châm trên để chiếm trái tim người đàn ông (như thể đó điều quan trọng nhất), tôi cũng đọc được một câu đầy tính châm biếm “Đường đến trái tim đàn ông là qua dạ dày. Vậy có lẽ anh ta nên học cách tự nấu ăn.” Chúng ta sống trong một thế giới tồn tại phân biệt giới tính sâu sắc trong mọi khía cạnh đời sống: màu xanh nghĩa là bé nam, màu hồng nghĩa là bé gái; con gái học giỏi những môn xã hội, con trai học giỏi những môn kỹ thuật/khoa học;… Chỉ có thức ăn là không. Bạn không thể đặt giới tính hay xu hướng tính dục cụ thể cho củ khoai, mớ rau, miếng thịt. Vậy vì sao bao lâu nay, phụ nữ vẫn luôn bị mặc định là cần giỏi giang và thành thạo việc bếp núc nói riêng và việc nhà nói chung?
Nếu tất cả mọi người đều cần thức ăn để có năng lượng hoạt động và sống, vậy tại sao chỉ có phụ nữ mặc định là có một chỗ đứng trong bếp? Không chỉ cần làm tốt công việc trong bếp, phụ nữ còn được kỳ vọng phải chu toàn 7749 công việc nhà khác nhau – tất cả đều phải đến một mức độ hoàn hảo nào đó. Một cô gái, một người phụ nữ có rất nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng dường như khả năng nấu nướng luôn nằm trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá cô gái đó có thật sự xứng đáng để được coi là nữ tính không, là phụ nữ đích thực không. Có một thời gian, tôi không khỏi cảm thấy mình không được nữ tính bằng những người bạn gái khác nếu so sánh về khả năng nấu nướng hay đảm đương việc nhà. Đó là một cảm giác tự ti ngầm và lẩn khuất trong ngóc ngách tâm trí bị ảnh hưởng bởi những định kiến xã hội. Một cô gái được những người lớn tuổi trong gia đình khen ngợi là “đảm đang”, “tháo vát” là một điều tích cực, phải vậy không?
Nhìn nhận nấu ăn ở khía cạnh sở thích hay kĩ năng sống
Khi đã trưởng thành và có cuộc sống riêng, tôi vẫn không phải một người thích nấu ăn. Tôi duy trì việc tự nấu nướng ở mức độ ổn, có thể tự chăm sóc bản thân. Có nhiều việc khác tôi muốn làm và thích làm hơn như, và tôi biết rằng biết nấu ăn hay không không quyết định giá trị của tôi, càng không phải là câu trả lời tối thượng cho tính nữ của mình.
Nếu nhìn nhận việc nấu nướng ở khía cạnh kỹ năng sống thì tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, đều cần biết tận dụng kỹ năng đó. Không biết nấu ăn, không nấu ăn giỏi thì biết dọn dẹp khi ăn xong – tưởng chừng là một sự phân công đơn giản nhưng thực tế xã hội lại chứng minh ngược lại. Trong các bữa cơm gia đình, các cô, bác gái, chị em gái chúng tôi thường là người đứng bếp, bày biện bàn ăn và dọn dẹp sau khi kết thúc. Đó là một cảnh tượng không lạ lẫm ở xã hội Việt Nam, bất kể bạn đang ở vùng quê hay thành thị. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ người đàn ông nào trong gia đình mình (trừ bố tôi) nhận công việc rửa bát sau khi đại gia đình ăn uống xong. Đó cũng là cách dạy con phổ biến ở nhiều gia đình Việt Nam, các ông bố bà mẹ thường có xu hướng dạy con gái làm việc nhà nhiều hơn là con trai. Mặc định việc nấu nướng là của phụ nữ khiến đàn ông không có kỹ năng tự chăm sóc bản thân và ý thức san sẻ việc nhà cùng những người thân trong gia đình.
Phụ nữ đã và đang phải làm vô số những công việc nhà không lương, không được kể tên, không được xã hội công nhận và trân trọng. Đàn ông ra ngoài xã hội kiếm tiền luôn khó hơn phụ nữ ở nhà làm việc nhà – đây là một tư duy “xưa như Trái Đất” nhưng tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi nó vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện tại. Báo cáo nghiên cứu “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – việc làm” (công bố năm 2021) của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã chỉ ra một thực trạng:“Trong khi 20% nam giới không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà, thì trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam dành 20,2 giờ/tuần để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái… Trách nhiệm kép và những vai trò truyền thống mà phụ nữ phải đảm nhận đang tạo nên sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp của nữ giới.” (Nguồn: Báo Thanh niên)

Vậy còn những người đàn ông ưa thích nấu ăn, nấu ăn ngon hay thích làm việc nhà, thích chăm sóc người khác thì sao? Hoặc là họ sẽ bị gán mác là đang làm những công việc của phụ nữ, hoặc sẽ nhận được nhiều phản ứng trầm trồ, ngạc nhiên và bất ngờ.
Nhìn nhận nấu ăn ở khía cạnh ngôn ngữ tình cảm
Đã từ lâu, tôi biết ngôn ngữ tình cảm của mình không phải thông qua việc nấu ăn. Thay vì viễn cảnh vào bếp nấu nướng cho những người mình yêu thương, tôi muốn dành cho những người tôi yêu thương thời gian ở bên trò chuyện, lắng nghe và cùng nhau làm những hoạt động khác. Tôi có cách thể hiện tình cảm của riêng mình và điều đó đã là đủ. Đâu chỉ riêng phụ nữ mới có thể thể hiện tình cảm qua những món ăn cô ấy nấu.

Quyền được lựa chọn rất quan trọng. Nếu bạn là người yêu thích nấu ăn, thích nấu ăn cho người khác và thích nhìn mọi người ăn đồ mình nấu, hãy thoải mái thể hiện bản thân trong căn bếp. Chỗ của phụ nữ nên là ở bất kỳ đâu họ muốn. Sự nữ tính hay giá trị của phụ nữ không nằm ở những chuẩn mực, thang đo tạo nên gánh nặng và áp lực vô hình.
Nếu mô tả bản thân bằng những tính từ, tôi không cần phải được mô tả là một người phụ nữ “đảm đang”. Tôi không cần được biến thành siêu nhân với những đức tính cao cả. Tôi là một người phụ nữ bình thường và đặc biệt theo cách riêng của mình, và tôi muốn có sự tự do để lựa chọn làm những điều tôi muốn làm.
——
Nguồn số liệu từ: https://thanhnien.vn/phu-nu-viet-nam-danh-trung-binh-202-giotuan-de-lam-viec-nha-1851042957.htm
Và