Đôi khi, vì là phụ nữ, bạn phải trả phí rất đắt đỏ!
Câu chuyện Phụ nữ bị trả lương thấp hơn nam giới đã không còn lạ lẫm suốt hàng thập kỉ. Nhưng bất công nào có dừng ở thu nhập hay lương tháng. Ngay cả khi ở vị trị những “thượng đế” – người tiêu dùng, phụ nữ cũng phải chi trả nhiều hơn đàn ông cho những sản phẩm tương đương, vì một thứ thuế vô lí mang tên “Thuế hồng” (Pink Tax).
“Pink tax”: Thuế gì mà lại “hồng”?
Tuy được gọi là “thuế” nhưng Pink tax (tiếng Việt: Thuế hồng) không hiện diện chính thức trong luật pháp và được chính phủ quy định rõ ràng như các loại thuế khác, vì vậy mà chúng dễ núp bóng những định kiến giới vẫn ngầm tồn tại trong xã hội. Sở dĩ gọi “thuế hồng” là vì hồng vốn được coi là màu sắc đại diện cho phái nữ: các sản phẩm dành cho phái nữ thường được đóng gói và thiết kế với hồng là màu sắc chủ đạo. Kết hợp với “thuế”, Pink tax ám chỉ khoản giá cả chênh lệch giữa các sản phẩm tiếp thị đặc biệt cho phụ nữ so với các sản phẩm tiếp thị tương đương cho nam giới mà phụ nữ nghiễm nhiên phải chịu khi mua hàng.
Từ hàng hóa như dao cạo, dầu gội, quần áo, đồ chơi cho đến dịch vụ như salon tóc, giặt ủi, phụ nữ phải trả giá cao hơn đàn ông cho sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn giống nhau. “Thuế” ẩn trong bảng giá treo trên giá những cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay sàn thương mại điện tử, ngầm nói rằng: Nếu bạn là phụ nữ thì trả thêm tiền đây! Cùng là chiếc dao cạo, cùng có công dụng và cấu tạo như nhau nhưng khi tiếp thị, dao cạo nam chỉ là…dao cạo, còn dao cạo nữ (thường được thiết kế khác mẫu mã) lại được nhà bán “độn” thêm giá trị thần kì như “làm đẹp”, “giúp chị em thêm tự tin”, “giúp bạn chinh phục người đàn ông”…Họ vin vào những giá trị “hão huyền” để đánh lừa và rút ví phụ nữ. Sản phẩm vốn không có sự khác biệt và phân chia giới tính nào, nay lại trở thành công cụ để các nhà tiếp thị thao túng tâm lí khách hàng nhằm trục lợi.
Câu chuyện không dừng lại ở việc sản phẩm giống – giá khác. Pink tax bao gồm cả Tampon tax – chỉ thuế đánh lên những sản phẩm mà bạn buộc phải mua vì là con gái như: băng vệ sinh, tampon, cốc nguyệt san,…Đáng nói ở chỗ, những sản phẩm được coi là “thiết yếu” đáng ra phải được miễn trừ thuế, song tại nhiều quốc gia (trong đó có cả Việt Nam), danh sách hàng hóa và dịch vụ được miễn thuế tuyệt nhiên không bao gồm những sản phẩm dành riêng cho phái nữ nói trên. Chiến dịch giải phóng phụ nữ khỏi Tampon tax tại nhiều quốc gia đã đạt được thành công nhất định, giải phóng phụ nữ khỏi “số mệnh đắt đỏ”, nhưng đáng buồn là ở Việt Nam, nhận thức và tiếng nói về chủ đề này còn rất hạn chế, phải chăng vì chúng ta vẫn quá dễ dãi mà tặc lưỡi cho qua mỗi lần đến trước quầy hàng băng vệ sinh?
Vì sao “Thuế hồng” vô lí mà vẫn tồn tại?
Pink tax, cũng như nhiều bất công khác mà phụ nữ phải đối mặt, sinh ra từ định kiến giới vốn đã ăn sâu trong lòng xã hội. Để ý những sản phẩm “dành cho nữ”, điểm khác biệt duy nhất cho nhà bán lí do để áp giá cao hơn nằm ở mẫu mã. Nhà bán cho rằng phụ nữ thì khó tính hơn nam giới và chỉ thích những sản phẩm đẹp, bắt mắt và nữ tính. Điều này lí giải vì sao đa số sản phẩm dành cho nữ lại có màu sắc sặc sỡ như hồng, tím, đỏ, được trang trí sặc sỡ, lấp lánh hơn.
Cũng vì phụ nữ bị mang tiếng “khó tính” hơn mà nhiều nhà bán cho rằng, họ phải chi nhiều tiền hơn cho khâu Marketing mới thu hút được khách hàng nữ, vì vậy mà giá sản phẩm cũng cao hơn.
Tuy nhiên, liệu đây có phải sự thật hay chỉ là suy đoán của nhà bán, dựa trên những định kiến cá nhân, khi đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng mình phụ nữ “khó tính” hơn khi mua hàng? Và liệu có phải khách hàng nữ nào cũng “khó tính” và đề cao hình thức, cũng như có phải khách hàng nam thì không? Quy chụp thói quen của cả một tệp khách hàng chỉ dựa vào giới tính chính là một dạng định kiến, và thật bất công nếu như khách hàng phải trả giá cao hơn cho những “yêu cầu” chẳng hề đặt ra.
“Thuế hồng” gây hại như thế nào?
Nếu như Pink tax chỉ khiến phụ nữ tốn thêm tiền thì chẳng mấy đáng bàn. Như đã đề cập, Pink tax vốn không phải bất công duy nhất. Trong khi mức lương trung bình của phụ nữ vốn đã thấp hơn nam giới, họ còn phải chi tiền nhiều hơn khi mua sắm hàng ngày. Mỗi người phụ nữ khi ra đường kiếm tiền như phải gánh trên vai hai quả tạ, một từ mức lương bất cân đối với đồng nghiệp nam, hai từ những nhà bán lợi dụng giới tính để moi tiền người tiêu dùng.
Pink tax sinh ra từ định kiến giới, rồi lại làm trầm trọng và củng cố thêm cho những khuôn mẫu độc hại này. Khi phái nữ buộc phải mua những sản phẩm “nữ tính” hơn, trong khi nhiều người trong số họ thậm chí không có nhu cầu, họ bị lầm tưởng là điệu đà, thích màu hồng, quan trọng hình thức, khó tính…Nói cách khác, khi một cô gái bước vào siêu thị để mua dầu gội đầu, mà loại dành cho nữ lại có màu hồng, thiết kế bắt mắt, và thế là mọi người trong siêu thị nhìn thấy rồi nghĩ cô ấy thích sản phẩm đó vì bề ngoài của nó. Người ta liệu có biết, cô ấy chọn mua vì không có lựa chọn nào khác và đành phải trả thêm tiền để có mái tóc sạch sẽ tối nay?
Thuế hồng, một cách âm thầm, vô hình chung đã ép phụ nữ vào một khuôn mẫu giới mà không phải ai trong số họ cũng mong muốn. Và khi bạn là phụ nữ, dù có ở đâu, điều kiện sống ra sao, bạn cũng không thể tránh được phải chi tiêu hằng ngày, bỏ tiền vào những sản phẩm phân biệt giới tính và trả phí cho chính “giới tình” của mình.
Có cách nào để tránh “thuế hồng” không?
Tuy là một khoản thuế “không chính thức”, nhưng có thể dễ dàng bắt gặp sự bất công này ở nhiều danh mục sản phẩm/dịch vụ như sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản phẩm làm đẹp, dịch vụ cắt tóc. Trong thời điểm hiện tại, khi mà các công ty vẫn tiếp tục kiếm lợi nhuận dựa trên chiêu thức này và luật pháp chưa có một quy định chính thức nào để làm rõ và ngăn chặn “thuế hồng”, việc tránh hoàn toàn “thuế hồng” là một chuyện không khả thi.
Dù vậy, vẫn có những biện pháp ở mức độ cá nhân để giảm thiểu chi phí chênh lệch bất công này:
- Với những sản phẩm không có sự khác biệt nhiều về chức năng, hãy cân nhắc sử dụng những sản phẩm dành cho nam giới hoặc sản phẩm trung tính. Lý thuyết là vậy, nhưng thực hành có thể khó hơn. Chúng ta có thể cảm thấy bị thu hút với những món đồ được thiết kế bắt mắt hơn, hoặc có cảm giác “không nữ tính” khi sử dụng sản phẩm được gán mác cho nam giới. Tuy nhiên, bạn có thể tự hỏi mình liệu việc mua sản phẩm này có thật sự cần thiết không, hay bạn có thể lựa chọn một sản phẩm khác với giá tốt hơn mà vẫn có chất lượng ngang nhau. Điều này không có nghĩa là bạn phải thay đổi toàn bộ thói quen mua sắm của bản thân. Hãy thử bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ nhất và có các điều chỉnh hợp lí với nhu cầu và tài chính của mình.
- Khi mua đồ, thử quan sát và kiểm tra sự chênh lệch giá giữa các cửa hàng hay thương hiệu để so sánh xem cửa hàng/thương hiệu nào đang tính giá sản phẩm dành cho nữ cao hơn. Cách này giúp bạn mua được sản phẩm với giá tốt nhất.
- Mua sản phẩm có thể tái sử dụng.
- Đối thoại và lên tiếng về “thuế hồng”: Hãy thử trò chuyện, chia sẻ với những người xung quanh bạn về chủ đề này. Lên tiếng về những nhãn hàng đang lợi dụng sự khác biệt giới tính để kiếm lợi. Việc tạo ra các cuộc đối thoại luôn là bước đi cần thiết để đấu tranh và xóa bỏ sự bất công. “Cuộc chiến” với “thuế hồng” có thể là một cuộc chiến không cân sức, nhưng tiếng nói của mỗi cá nhân có giá trị hơn bạn nghĩ, nhất là khi chúng ta đồng lòng.
- Một gợi ý khác nếu bạn mua sắm đồ chơi cho trẻ em: hạn chế mua đồ chơi dựa trên phân biệt giới tính (ví dụ: bé nam phải chơi ô tô, bé gái chơi đồ nấu ăn; mua đồ xanh cho bé nam, mua đồ hồng cho bé nữ). Nhiều khi, chúng ta có thể làm việc này một cách tưởng chừng như vô thức, nhưng có thể khiến trẻ sớm bị ảnh hưởng bởi tư duy định kiến và phân biệt giới. Hơn nữa, việc để trẻ chơi một cách thoải mái và tự do còn giúp trẻ phát triển sự sáng tạo, khả năng đồng cảm, chăm sóc người khác,…
“Thuế hồng” đã, đang và sẽ còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. NOI hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm một góc nhìn mới để chia sẻ nhận thức và chủ động tìm kiếm các biện pháp để giảm tải sự ảnh hưởng của “thuế hồng” với ví tiền của mình nhé.
Và