
Chuyện cơ thể, tình cảm, hay tình dục là một vài trong những vấn đề khó nói, nhạy cảm đối với phần lớn các phụ huynh châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với những cô con gái, mẹ thường được coi là người thân thiết, dễ chia sẻ hơn so với bố. Nhưng thực tế có thể không hoàn toàn như vậy, mẹ và con gái lại không mấy chia sẻ những chuyện riêng tư, thầm kín với nhau.
Từ trải nghiệm cá nhân và trong vòng tròn xã hội nhỏ của mình, tôi cũng như nhiều người bạn nữ khác không có sự chia sẻ, trao đổi với mẹ về những chuyện về cơ thể, tình cảm, tình dục lại càng không. Tương tự với chuyện đi khám phụ khoa nói riêng và sức khỏe của “cô bé” (như việc tiết dịch, màu dịch,…) nói chung. Những chuyện khó nói phần lớn vẫn là những chuyện không mấy khi được nói ra. Năm tôi 25 tuổi, tôi mới đi khám phụ khoa lần đầu tiên. Trải nghiệm này, theo một cách nào đó, đã khiến tôi ngẫm nghĩ về mối quan hệ giữa mẹ và mình.
Mẹ chưa bao giờ nói cho tôi biết về chuyện đi khám phụ khoa, hay tầm quan trọng của việc đi khám đều đặn. Một lần khi còn ở độ tuổi đi học, tôi cảm thấy “cô bé” của mình có điều gì đó không ổn, tôi gợi ý với mẹ việc đi kiểm tra. Sau cùng, chúng tôi đã không đi khám, và tuy vấn đề của “cô bé” cũng biến mất, nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ về phản ứng chần chừ, ngần ngại của mẹ khi tôi nhắc đến việc đi khám phụ khoa.

Bản thân tôi, trong sự mơ hồ thụ động nhận thức tầm quan trọng của việc này, chưa bao giờ có suy nghĩ nghiêm túc cho đến khi tôi 25 tuổi. Trước đó, tôi cũng không chia sẻ gì với những người bạn nữ của mình về chuyện đó. Phải chăng có một sự ngại ngùng nhất định trong việc để người khác nhìn thấy và khám bộ phận kín đáo, riêng tư nhất của cơ thể? Hay là cảm giác sợ đau đớn? Có điều gì đó khiến những người phụ nữ ở thế hệ của mẹ tôi ngần ngại trong việc chia sẻ với những cô con gái việc chăm sóc sức khỏe của bộ phận riêng tư?
Tôi không trách mẹ. Dù cùng là phụ nữ nhưng lại khó chia sẻ những vấn đề phụ nữ nhất – ẩn sâu bên dưới thực tế này là những rào cản nhất định về định kiến giới, văn hóa và tâm lý nói chung. Tôi chỉ ước mẹ và tôi có thể trò chuyện thoải mái hơn, tự nhiên hơn, tự do hơn về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, cơ thể, tình cảm.
Vậy thì, cần chuẩn bị gì khi đi khám phụ khoa lần đầu tiên? Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những bài viết trên Google – tôi đã gõ câu hỏi này vào thanh tìm kiếm của Google, 23 triệu kết quả hiện ra trong vòng 0,43 giây. Nhưng từ trải nghiệm cá nhân của mình, tôi muốn chia sẻ với bạn vài điều, hy vọng có thể giúp ích phần nào được những bạn nữ chưa nghĩ đến hoặc đã nghĩ đến nhưng còn ngần ngại trong việc đi khám phụ khoa.
- Xác định nguyên nhân đằng sau sự lo lắng, nỗi sợ hay chần chừ của bạn.
- Chia sẻ cảm xúc của bạn với một người mà bạn tin tưởng, cảm thấy thoải mái khi ở bên. Bạn cũng có thể tìm hỏi kinh nghiệm của những chị em đã đi khám để hiểu hơn quy trình thực tế. Tôi đã từng hỏi ý kiến của vài đồng nghiệp nữ tại công ty cũ và mọi người đều đưa ra những lời khuyên hữu ích. Khi đi khám, bạn có thể nhờ một người nào đó mà bạn tin tưởng để đi cùng mình. Bạn sẽ thoải mái hơn nhiều khi có một người đồng hành cùng bạn qua lần đầu tiên đó.
- Biết rằng điều bạn sắp làm là một khoản đầu tư xứng đáng cho sức khỏe. Nhiều người trong chúng ta thường có tâm lý chỉ đi khám khi thấy có triệu chứng bất ổn hoặc sau khi trải qua một sự kiện/biến cố nào đó. Nhưng đúng như câu nói “Phòng còn hơn chữa”, việc đi khám phụ khoa định kì sẽ cho bạn sự kiểm soát an tâm hơn đối với sức khỏe của mình.
- Đặt lịch khám để không phải mất công chờ đợi. Trước ngày đi khám, bạn nên lưu ý những điều không nên làm để đảm bảo quá trình khám diễn ra suôn sẻ. Nếu bạn đang uống một loại thuốc liên quan đến “cô bé” bên dưới, hãy nhớ mang theo để bác sĩ tại bệnh viện/phòng khám có thể tư vấn thêm cho bạn.
- Giữ tinh thần thoải mái. Trước khi đi khám, bạn có thể làm điều gì đó giúp bạn thư giãn hơn như nghe nhạc, trò chuyện với người đi cùng. Bạn cũng có thể chia sẻ với bác sĩ về những câu hỏi hay lo lắng của mình. Quy trình khám thực chất không hề đau đớn hay phức tạp nên bạn hãy yên tâm nhé.

Với tôi, về mặt tinh thần, trải nghiệm đi khám phụ khoa lần đầu tiên giống như một cột mốc đánh dấu mạnh mẽ hơn cho ý thức “Tôi là một người phụ nữ và tôi sẽ chăm sóc sức khoẻ của mình”. Đồng thời, nó cũng giúp tôi thoải mái hơn khi chia sẻ về nó cùng với những cô bạn của mình. Tôi mong rằng chúng ta có thể chia sẻ nhiều hơn với mẹ, hay những cô bạn gái của mình về những chuyện như thế. Tôi thường nghĩ rằng: Càng nghĩ rằng chuyện đó là khó nói, lại càng khó để nói về nó hơn. Từng bước một, hãy cùng nhau gỡ bỏ rào cản để khuyến khích hội chị em quan tâm đến sức khỏe, chia sẻ với nhau nhiều chuyện khó nói hơn và tìm kiếm sự trợ giúp tinh thần cho những ai đang cần nhé.