(tham khảo thông tin từ cuốn Atomic habits – James Clear)
Năm 2023 thay vì đặt mục tiêu, hãy xây dựng những thói quen nhỏ.
Chúng ta thường nghe về cách đặt mục tiêu nhiều hơn là cách xây dựng thói quen. Chúng ta mơ tưởng về những mục tiêu to lớn, tự nhủ với bản thân mình sẽ làm điều này mỗi ngày để tiến tới mục tiêu. Chúng ta ghi xuống giấy những kế hoạch trong đầu và hy vọng bản thân sẽ duy trì đều đặn kế hoạch đó để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Nhưng không lâu sau đó, mục tiêu và kế hoạch trôi tuột đi. Chúng ta lại trở về với những thói quen cũ.
Một trong những cuốn sách nổi tiếng hữu ích nhất dạy cách xây dựng thói quen là cuốn sách “Atomic Habits” (tên tiếng Việt là “Thay đổi tí hon – Hiệu quả bất ngờ”) của tác giả James Clear. Từ những trải nghiệm và nghiên cứu của cá nhân, tác giả đã đúc kết bốn nguyên tắc xây dựng thói quen nhỏ hiệu quả.

Mời bạn cùng NOI khám phá nhé! Nếu bạn đang muốn làm mới bản thân trong năm 2023, “Atomic Habits” cũng là một cuốn sách bạn có thể cân nhắc mua đọc đó.
Nguyên tắc số 1: Khiến nó rõ ràng
Đầu tiên, bạn cần có cái nhìn tổng quan về mọi thói quen bạn đang có trong thời điểm hiện tại. James Clear gợi ý Bảng điểm thói quen – với công cụ này bạn có thể viết xuống các thói quen của mình để đánh giá về mức độ tốt, xấu, trung tinh của thói quen cụ thể đó. Khi có ý thức về các thói quen hiện tại, bạn có thể quyết định bỏ hay thêm thói quen nào. Đồng thời, việc lên kế hoạch thực hiện thói quen mới cần phải rõ ràng và cụ thể về thời gian, nơi chốn. Bạn có thể thực hiện chồng lớp thói quen, sau khi làm thói quen nào đó ở hiện tại xong, bạn sẽ làm thói quen mới.
Môi trường sống cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp bạn thực hành thói quen mới. Hãy thiết kế một môi trường sống chứa đựng những tín hiệu thúc đẩy bạn thực hiện thói quen tốt. Ví dụ, nếu bạn muốn đọc sách thường xuyên hơn, hãy bắt đầu bằng việc đọc 1 trang sách mỗi ngày trước khi đi ngủ và để cuốn sách đó ở đầu giường để dễ nhận biết.
Nguyên tắc số 2: Khiến nó hấp dẫn
Nhiều khi, chúng ta không tìm thấy nguồn động lực nào hay cảm xúc vui vẻ để thực hiện thói quen mới (thói quen mà chúng ta luôn nghĩ về nó và mơ ước đến một ngày bản thân sẽ thành thục). Vì vậy, khiến thói quen mới trở nên hấp dẫn là một yếu tố quan trọng để bạn có thể duy trì thực hiện nó.
Với nguyên tắc số 2, tác giả gợi ý bạn nên xây dựng bộ đôi: một hành động bạn muốn làm ghép với một hành động bạn cần phải làm. Đây chính là phương pháp “bao bọc cám dỗ”. Bên cạnh đó, bạn nên tham gia những cộng đồng sở hữu những hình mẫu hay thói quen mà bạn đang hướng tới. Nếu bạn muốn tạo cho mình thói quen đọc sách, hãy gia nhập một câu lạc bộ đọc sách. Ở cạnh những người có cùng mục tiêu sẽ truyền thêm cảm hứng cho bạn đó.
Nguyên tắc số 3: Khiến nó dễ dàng
Não bộ chúng ta thường có xu hướng tránh né những điều khó khăn. Vậy nên, nếu bạn đặt ra cho bản thân một mục tiêu quá to tát hay một thói quen quá sức ngay từ đầu, chúng ta sẽ dễ bỏ cuộc chỉ sau vài lần. Điều làm cho thói quen tốt có ích cho chúng ta nằm ở việc chúng ta kiên trì thực hiện thói quen đó đều đặn như thế nào.
Một quy tắc được tác giả gợi ý để việc thực hiện thói quen trở nên dễ dàng hơn là Quy tắc Hai phút. Hãy giảm bớt quy mô các thói quen cho đến khi chúng có thể được hoàn thành trong vòng hai phút.
Nguyên tắc số 4: Khiến nó thỏa mãn
Như đã nói ở nguyên tắc số 3, điều quan trọng mấu chốt chính là việc chúng ta kiên trì thực hiện thói quen đó như thế nào, tần suất ra sao, có đều đặn không, có bền lâu không. Sự đều đặn mới là yếu tố đem lại sự tưởng thưởng xứng đáng mà chúng ta mong đợi.
Vậy nhưng, việc ăn mừng những thành tựu nhỏ cũng không kém phần quan trọng bởi nó sẽ tiếp thêm niềm vui, cảm hứng và động lực để bạn tiếp tục thực hiện thói quen tốt đó. Vì vậy, đừng quên đặt ra cho bản thân những cột mốc để ăn mừng chính mình nhé.