Lúc tôi lên 4 tuổi thì nhà tôi đón thành viên mới. Đó là em trai tôi. Nhưng lúc đó thì tôi chỉ hiểu nó là nhân vật khiến tôi “ra rìa” theo lời họ hàng làng xóm. Ba mẹ thì luôn bảo tôi sướng hơn vì mẹ chăm tôi đến hơn 1 tuổi mới đi làm lại, còn nó thì hơn 3 tháng tuổi mẹ tôi đã về xưởng làm. Thế là tôi luôn có cái nhãn “chị lớn” trong nhà. Thật tâm lúc đó tôi đã luôn nhìn nhà của các anh chị họ khác và ước mình có một chị gái hơn. Tôi còn đang mãi nghĩ hôm nay ăn gì, chơi gì mà đùng phát lại trở thành chị của người ta.

Bạn nghĩ tôi với nó sẽ sớm choảng nhau đúng không? Chúng tôi choảng nhau thật, từ giành đồ chơi đến sữa uống, lớn lên thì cãi nhau về những vấn đề mang tính vĩ mô như nấu cơm, phơi đồ, gấp quần áo,… Mẹ tôi thì cưng nựng em tôi nhiều hơn. Cũng may cho tôi ba tôi thì thương con gái (vì tôi học ở trường khá lắm nên ba hay khoe với đồng nghiệp) nên tỉ số trong nhà chí ít cũng cân bằng.
Khi vào cấp 3, tôi nhạy cảm và áp lực hơn hẳn. Có lúc học ở trường về tôi cứ nằm ôm con cún mà khóc. Một lần kia, tôi nằm khóc vật vã rồi ngủ lăn. Khi tỉnh dậy ra ngoài thấy em trai mua sẵn mấy món ăn vặt tôi thích. Tôi thấy lạ lẫm khi nó làm vậy nhưng dần dần khi thấy nó để tâm đến những lúc cảm xúc thất thường của mình, tôi mới nhận ra à thì nó cũng đâu đó trong lứa tuổi của mình, có thể cũng hiểu việc đi học, thi đua đôi khi nó đáng ghét cỡ nào. Lần đầu tiên, nhen nhóm trong tôi là ý nghĩa ‘kết bạn’ với em trai mình.

Chúng tôi cũng giống như nhau
Tôi từng mong có chị gái là để mình có thể “dựa dẫm một tẹo” và tâm sự chuyện “chị em” với nhau. Nhưng khi là chị của một cậu em nhỏ hơn 4 tuổi, tôi lại được ban một món quà khác, tôi hiểu hơn về tính cách của một đứa em trai sẽ như thế nào. Tôi cũng rút ra được một kết luận là “Chúng tôi cũng giống như nhau….vì đều mang những định kiến, nhãn mác đáng ghét trên người chỉ vì giới tính của bản thân.”
Nếu như khi về quê, tôi chỉ được ngồi ăn bàn dưới, ăn trong góc bếp vì là con gái thì em trai tôi được ngồi bàn trên cùng bậc cha chú nhưng lại bị cười chê chỉ vì nó thích mặc áo hồng. Tôi không hiểu, nó cũng chả hiểu nốt. Nhưng may mắn là tôi thấy áo của nó đẹp và nó thấy tôi nên ngồi ăn ở bàn chính như những người khác.

Khi ở nhà, tôi hay được dạy không những phải làm việc nhà được mà còn phải đảm bảo không để em trai nấu cơm rửa chén chỉ vì như thế sẽ khiến người ta bảo con gái lớn mà không biết chăm lo. Còn em tôi, nó thường đi theo ba phụ việc, phụ làm điện cũng có, phụ gắn giường, gắn tủ trong nhà cũng có, thế mà hễ nó khóc thì sẽ bị mọi người chế giễu chỉ vì “con trai chả ai khóc”.
Như vậy là đủ để hai đứa thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau vì chúng tôi đều muốn tháo hết mấy cái nhãn mác xuống. Càng lớn, tôi càng ra sức nói chuyện với gia đình hãy cứ để tôi và em tôi làm những gì chúng tôi thấy thoải mái. Bạn đoán coi giờ công việc trong nhà như thế nào? Em tôi bây giờ thạo việc nhà hơn cả tôi, thường xuyên dọn dẹp phòng khách. Tôi thì tham gia chỉ đạo rửa chén trong những ngày nhà có tiệc, dạy em tôi cách sắp xếp, dọn phòng và tham gia lao động cùng nó.
Vậy là chúng tôi trở thành đôi bạn. Sở thích chung của hai đứa là làm pun (tạo những câu đùa chơi chữ). Đa số là pun nhạt, pun nhàm nhưng mặc định ngày nào cũng phải làm pun, làm pun cả lúc coi phim. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gây nhau nhưng làm hoà nhanh lắm vì giờ biết tỏng những món ăn vặt khoái khẩu của nhau rồi. À nhưng tôi không thể thể hiện tình cảm theo kiểu sến sến ý, tôi vẫn xưng “mày-tao” và phải tranh thủ chia sẻ những điều này trong lúc nó đang mải đi ăn sinh nhật bạn. Bây giờ tôi cảm thấy biết ơn hơn vì mình có một đứa em trai.