Nhắc đến “vaccine dành cho hội chị em” thì NOI tin chắc đa số mọi người sẽ nghĩ đến vaccine HPV vốn hay được phái nữ bàn luận sôi nổi. Trước khi vào chi tiết về vaccine NOI muốn nhấn mạnh thông điệp với các chị em là nếu đủ điều kiện thì hãy tiêm càng sớm càng càng tốt. Đa phần khi tìm kiếm trên Google thì mọi người sẽ biết đầy đủ thông tin về HPV và cả vaccine HPV, nhưng bài lần này NOI sẽ cùng mọi người đào đến hang cùng ngõ hẻm về từng tranh luận, trường hợp cụ thể xoay quanh vaccine này thông qua 10 câu hỏi quan trọng để chị em chúng mình hiểu đúng và chủ động sống vui sống khoẻ nhé.

- Virus HPV là gì có gây ung thư thiệt không?
Thiệt. Cái này đã được các bác sĩ nghiên cứu và kết luận từ lâu. Nhưng mà mọi người rất hay nhầm lẫn một điều quan trọng: Không phải virus HPV nào cũng gây ung thư.
HPV (Human Papilloma Virus) là loại virus gây u nhú ở người và hiện nay đã được phát hiện hơn 100 týp, trong đó 40 týp có thể nhiễm vào vùng sinh dục và có hơn 10 týp có khả năng dẫn đến ung thư. 10 týp này không chỉ có thể gây ung thư cổ tử cung mà còn các bệnh ung thư âm hộ, ung thư vòm họng, ung thư hầu họng.
Nguy hiểm nhất là khi nhiễm virus này nó không xuất hiện triệu chứng để chị em mình nhận biết sớm, chỉ khi đi làm xét nghiệm PAP, tầm soát ung thư cổ tử cung thì mới có kết quả chính xác. Vậy nên, từ 21 tuổi trở đi mọi người nên đi xét nghiệm tầm soát ung thư 1-3 năm 1 lần để đảm bảo sức khoẻ và phát hiện sớm nếu có vấn đề.
- Vaccine HPV là gì?
Vaccine HPV là vaccine giúp chị em mình phòng ngừa một số chủng virus HPV. Đây cũng là một điểm cần lưu ý vì vaccine không phòng hết được hơn 100 chủng HPV mà chỉ tập trung vào các týp HPV có khả năng cao gây bệnh ung thư.
- Các loại vaccine HPV hiện có
Hiện tại ở Việt Nam khi đi tiêm mọi người sẽ thấy phổ biến nhất là hai cái tên:
- Gardasil của Mỹ: phòng 4 týp HPV (6, 11, 16 và 18), giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn.
- Cervavix (Bỉ): phòng 2 týp HPV (16 và 18) gíup phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra hện nay đã có Gardasil 9 (phòng được 9 týp HPV) tuy nhiên số thuốc về Việt Nam còn hạn chế nên thường ở một số nơi tiêm chủng chị em phải mua cả combo tiêm chủng (gồm nhiều mũi khác) mới được tiêm Gardasil 9. Lời khuyên của NOI là đã đi tiêm chị em nên tiêm loại Gardasil (4 hoặc 9 tuỳ mọi người cân nhắc) để phòng ngừa hiệu quả hơn (dù kinh phí sẽ đắt hơn 1 chút so với Cervavix).
- Ai nên tiêm HPV?
Đây là vấn đề gây tranh cãi thường xuyên và có nhiều người mách rằng qua 26 tuổi không được tiêm, quan hệ tình dục rồi không được tiêm. Thực hư như nào thì NOI sẽ giải đáp ngay cho mọi người.
Đối tượng nên tiêm vaccine HPV
Khuyến khích nhất là tiêm trong độ tuổi từ 9-26 tuổi, trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Như vậy thì vaccine sẽ có hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, điều đó không phải chị em quan hệ tình dục rồi là không tiêm được. Theo thông tin từ viện tiêm chủng VNVC, không có sự khác biệt giữa thuốc dành cho người quan hệ rồi và chưa quan hệ. Ở Việt Nam, chỉ cần trong độ tuổi 9-26 tuổi là chị em đều được khuyến khích tiêm phòng bất kể quan hệ hay chưa.
Một điều thú vị nữa là các chàng cũng có thể tiêm vaccine HPV để phòng ngừa các bệnh sinh dục như gây u nhú, nổi mụn cóc sinh dục,…Nên chị em cũng có thể hướng dẫn và khuyến khích người yêu/ chồng của mình cũng tiêm phòng HPV.
- Chị em trên 26 tuổi có tiêm vaccine HPV được không?
Tương tự như NOI đề cập ở trên, dù được khuyến khích tiêm trong độ tuổi 9-26, nếu chị em bắt đầu tiêm sau tuổi 26 thì vẫn được tuy nhiên hiệu quả sẽ không tốt bằng độ tuổi được khuyến khích. FDA phê chuẩn vaccine HPV được tiêm đến người 45 tuổi nên chị em đừng lo.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng sau độ tuổi 26 thì ngoài tiêm phòng ra mọi người phải khám tầm soát ung thư cổ tử cung đều đặn cũng như làm xét nghiệm PAP khi cần thiết để đảm bảo mọi việc chúng ta đều chủ động được ngay cả khi có vấn đề.
- Tiêm ở đâu, bao nhiêu “xèn” cho một mũi tiêm?
Nếu đọc đến đây chị em đã muốn lên 1 kế hoạch đi tiêm thì việc nơi tiêm và chi phí sẽ là điều được quan tâm hàng đầu. Theo NOI quan sát, hai địa điểm thường được tin tưởng là trung tâm tiêm chủng VNVC và Viện Pasteur. Toàn bộ quy trình tiêm sẽ gồm 3 mũi:
- Mũi 1: Ngày đầu đi tiêm
- Mũi 2: Cách mũi 1 2 tháng
- Mũi 3: Cách mũi 1 6 tháng.
Chi phí hiện tại sẽ rơi vào khoảng 1 triệu 8 cho một mũi. Dù khá đắt và xót ví nhưng vì bảo vệ sức khoẻ NOI khuyên chị em nên tiêm càng sớm càng tốt, thêm nữa nếu để qua thêm vài năm giá vaccine sẽ lại tiếp tục tăng lên.
Lưu ý nếu mọi người đang tiêm ở Viện Pasteur nhưng gặp vấn đề như hết thuốc thì vẫn có thể làm các thủ tục chuyển đổi sang VNVC để được tiêm tiếp tục theo lộ trình ở Viện Pasteur nên mọi người cứ linh hoạt sao cho đúng lộ trình tiêm của mình nhé.
- Tác dụng phụ của vaccine
Một số tác dụng phụ thường thấy chị em hay than thở khi đi tiêm xong:
- Sưng, nhức, đỏ ở chỗ tiêm
- Đau đầu, mệt mỏi
Còn những câu chuyện như “mũi sau đau hơn mũi trước”, “tiêm 3 mũi đều không thấy gì” thì đều tuỳ thuộc vào cơ địa của từng người nữa nhe.
- Nếu đã bị nhiễm virus HPV, vaccine HPV có bảo vệ được không?
Tin buồn cho chị em là khi đã nhiễm chủng virus HPV nào thì vaccine sẽ không giúp đặc trị được virus HPV đó. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần tiêm vaccine và mà vẫn nên tiêm đầy đủ để bảo vệ bản thân khỏi những chủng mình chưa nhiễm phải. Còn liên quan đến việc nhiễm virus HPV, tuy không thể chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chúng ta có thể khám chữa các tổn thương quan sát bằng mắt thường do virus gây ra, ngoài ra còn có thể tăng cường hệ miễn dịch của bản thân thông qua uống thuốc và điều chỉnh lối sống để phục hồi dần.
- 1001 câu chuyện có thể xảy ra trong quá trình tiêm HPV.
Sau khi thâm nhập khắp nơi nghe lời tâm sự của những chị em đã tiêm phòng, NOI muốn tổng hợp ở đây một số câu chuyện “người thật, việc thật” trong quá trình tiêm để những chị em sắp đi tiêm rút kinh nghiệm nhé.
Lỡ quên mũi tiêm của mình.
Bạn N.H: “Nếu bạn đã tiêm dang dở mà “lỡ quên” mình đã tiêm đủ chưa thì cách duy nhất là tiêm lại từ đầu. Vì vaccine HPV không thể xét nghiệm kháng thể để check giúp bạn được.”
NOI khuyên cả nhà nên có ghi chú lại ở một nơi để tiện theo dõi hành trình tiêm của bản thân nhé,
Hết thuốc thế là hết tiêm?
Rất nhiều trường hợp chị em đi đúng ngày theo lộ trình sẽ bị báo hết thuốc để tiêm, trường hợp này nếu siêng năng thì chị em thường xuyên cập nhật với phía địa điểm tiêm, tuy nhiên nếu không giải quyết được trong thời gian sớm thì NOI khuyên mọi người làm các thủ tục để chuyển địa điểm có thuốc và tiếp tục tiêm theo lộ trình. Nếu vượt thời gian hẹn tiêm lâu quá (từ 3 năm trở lên) thì có khả năng chúng ta phải “Yêu lại từ đầu” với mũi 1.
Đang tiêm vaccine khác/ dùng thuốc
Trước khi vào tiêm chị em sẽ được thăm khám sàng lọc để xem có thể tiêm được không, lúc này đương nhiên chúng ta phải chia sẻ rõ với bác sĩ về việc tiền sử bệnh, thuốc đang dùng hay có đang tiêm vaccine nào khác không. Tuy nhiên, mọi người nên chủ động lên kế hoạch kỹ càng để nếu có tiêm vaccine khác thì dời lịch của HPV bởi nếu 2 vaccine tiêm cách quá gần nhau có thể gây sốc phản vệ.
- Đã tiêm HPV thì có cần khám tầm soát ung thư cổ tử cung không?
Câu hỏi này để chốt lại thông điệp xuyên suốt của NOI từ đầu. Mọi người vẫn cần đi khám tầm soát đều đặn như thể chưa tiêm chủng để chúng ta chủ động bảo vệ sức khoẻ của mình vì vaccine vẫn không chống được hết các loại HPV gây ung thư.
Lời kết.
Chủ động tìm hiểu thông tin đúng và đưa ra quyết định sớm cũng là một biểu hiện của việc yêu bản thân mình nên các chị em hãy nhớ thông điệp ở đầu bài của NOI nhé: Nếu đủ điều kiện thì hãy tiêm càng sớm càng càng tốt.