Rất nhiều tấm gương phụ nữ Việt Nam được gắn liền với tuyên dương “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”. Việc ca ngợi hoàn thành xuất sắc cả hai vai trò trong gia đình và ngoài xã hội này có thật sự mang lại lợi ích cho phụ nữ? Khi phụ nữ tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động kinh tế xã hội và quỹ thời gian dành cho công việc nội trợ cũng ít lại, áp lực chu toàn cả hai trách nhiệm ngày càng gia tăng và tạo sức ép không nhỏ lên tinh thần và chất lượng cuộc sống và công việc của nữ giới.
Xuất phát từ khẩu hiệu động viên thời chiến, lời tuyên dương này dần được truyền thông đưa vào hình mẫu để người phụ nữ Việt Nam phấn đấu. Khi người đàn ông phải tham gia chiến tranh và đã không bao giờ trở về, hoặc không còn duy trì được sức lao động như trước đây, việc cần khuyến khích phụ nữ tham gia làm kinh tế ngoài chăm sóc cho gia đình là tất yếu. Nhưng sau khi chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm, cuộc sống gia đình dần ổn định, vì sao chỉ có phụ nữ mới cần “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”, nhất là khi phụ nữ vẫn đang dành nhiều thời gian hơn cho công việc nhà? Khi người đàn ông dành nhiều thời gian hơn cho công việc nhà so với mức trung bình của cộng động xung quanh thì người đàn ông đó đã được nhìn nhận là rất biết giúp đỡ gia đình, trích từ sách “The Second Shift” của nhà xã hội học Arlie Hochschild.
Báo cáo nghiên cứu “Giới và Thị trường Lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam được công bố năm 2021 cho thấy thời gian làm việc nhà của phụ nữ gấp đôi nam giới, trung bình 20,2 giờ mỗi tuần so với 10,7 giờ. Gần một phần năm nam giới, theo khảo sát, không tham gia bất kì công việc nhà nào. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho cách biệt này như định kiến giới trong vai trò của nam và nữ, chênh lệch về kinh tế, v.v. Phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ đang nhìn nhận về bất bình đẳng trong công việc nhà, và trách nhiệm kép của người phụ nữ như thế nào?
Theo khảo sát nhanh gần đây của NOI, hơn một nửa các bạn trẻ (80% dưới 25 tuổi) cho biết phần lớn công việc nhà và chăm sóc các các thành viên nhỏ tuổi, người lớn tuổi vẫn được thực hiện chính bởi các thành viên nữ (bà, mẹ, chị, v.v.). 70% các bạn mong muốn sẽ có sự phân chia lại công việc nhà giữa các thành viên một cách công bằng hơn và đến 91% nhận định sự bất bình đẳng trong phân chia công việc nhà xuất phát từ quan niệm truyền thống.
Bất ngờ hơn nữa, một nghiên cứu ở Mỹ năm 2017 bởi Bright Horizons Family Solutions đã chỉ ra những phụ nữ là thu nhập chính trong gia đình thì còn làm việc nhà nhiều hơn những nam giới là thu nhập chính trong gia đình, và nhiều hơn cả những phụ nữ không phải là thu nhập chính trong gia đình. Nói cách khác, khi phụ nữ đạt được thành tựu trong công việc có khuynh hướng phụ trách chính các việc nội trợ và chăm sóc con cái, chính là cố gắng hoàn thành xuất sắc “trách nhiệm kép” của họ. Hậu quả là 69% phụ nữ đang làm việc cảm thấy áp lực về tinh thần và 52% cảm thấy quá tải với khối lượng việc nhà.
Đọc đến đây, hi vọng các bạn đã có câu trả lời riêng cho chính mình, phụ nữ có thật sự cần được tuyên dương “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”?









