Đối với nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta, gia đình và hôn nhân luôn là một giá trị quan trọng và là thiết chế xã hội phổ biến. Riêng đối với nhiều người phụ nữ, việc kết hôn và sinh con được cho là điều tất yếu, là bổn phận và là sự mong đợi từ gia đình và xã hội dành cho họ từ khi đến tuổi trưởng thành.
Thiết chế xã hội này được thể hiện rõ trên số liệu của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo số liệu này, tỷ lệ có vợ/có chồng là 69,2% dân số trong độ tuổi từ 15 trở lên. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt hiện nay là 25,2 tuổi, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm. Tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ và vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua. Trong đó, tỷ lệ theo khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ, khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ.
Đa số mọi người nghĩ rằng ai rồi cũng trưởng thành và sẽ/nên gặp ai đó, rồi kết hôn, sinh con và bắt đầu một gia đình thì cuộc sống mới được xem là hoàn chỉnh theo thiết chế của xã hội. Câu hỏi đặt ra rằng liệu chúng ta có nên đưa quy chuẩn đó để làm thước đo và áp đặt lên tất cả phụ nữ, dù cho quy chuẩn đó đôi khi không thực sự tương quan với hạnh phúc?
Hãy tìm hiểu góc nhìn của những người phụ nữ xung quanh chủ đề này thông qua khảo sát gần đây mà NOI đã thực hiện.
Trong số 144 phụ nữ được hỏi:
Khoảng 70% mong muốn kết hôn và có con. Con số này phản ánh rõ mức độ quan trọng của giá trị về gia đình trong suy nghĩ của người Việt Nam nói chung, và phụ nữ nói riêng.
Trên 80% không đưa ra quyết định kết hôn hoặc có con do những áp lực từ môi trường xung quanh như gia đình và xã hội. Đây là kết quả rất đáng mừng vì ngày càng có nhiều phụ nữ trong chúng ta có khả năng và sự can đảm để tự quyết định cuộc đời thay vì bị chi phối hay đi theo con đường định sẵn của gia đình và xã hội
31% không muốn có con với lý do chính là nỗi lo về nguồn lực tài chính. Theo tính toán trung bình, tổng chi phí nuôi con từ 0-18 tuổi ở Việt Nam dao động từ 500 triệu – 700 triệu (mức chi phí có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình). Nhiều bạn nữ thể hiện mong muốn được mang đến những điều tốt nhất cho con của mình và tài chính dường như là một trong những rào cản lớn nhất.
Trên 70% có góc nhìn và quan điểm về hôn nhân và con cái bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ của ba mẹ. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của mối quan hệ gia đình trong việc hình thành thế giới quan và sự phát triển của con cái từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành.
96% cho rằng việc không kết hôn, ly hôn và không có con không phải là điều đáng xấu hổ. Hôn nhân và con cái là quyết định mang tính chất lâu dài kèm rất nhiều trách nhiệm cho cả hai phía. Chúng ta không dùng quan điểm cá nhân hay định kiến của mình áp đặt lên quyết định cá nhân của người khác. Dù bạn theo chủ nghĩa kết hôn, không kết hôn, sinh con hay không sinh con, hãy giữ quan điểm cho riêng mình và cư xử văn minh với những người chị em khác quan điểm với mình. Hãy luôn nhớ rằng suy nghĩ, năng lực, cách sống của mỗi người là hoàn toàn khác nhau.
Phần 1: Hôn nhân

Lí do bạn muốn kết hôn hay không kết hôn là gì?

- “Hôn nhân là điều mà mình không nghĩ đến vì mình là người lưỡng tính (bisexual)”
- “Em nhìn thấy được nỗi buồn của mẹ khi kết hôn và không muốn đi vào con đường đó. Ký ức về những cuộc cãi vã của ba mẹ khiến em luôn khiến em sợ.”
- “Mình thích sống một mình và tự thấy sống một mình vẫn rất tốt.”

- “Thật sự em luôn định hướng trong mình phải tự lập trước và có hết mọi thứ mình muốn, chăm sóc được ba mẹ thật ấm no rồi lúc đó mới nghĩ đến chuyện kết hôn”
- “Em sẽ sẵn sàng kết hôn khi em thật sự trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính em và thực hiện được những điều em mong muốn.”
- “Khi gặp được người em mong muốn em sẽ kết hôn vì em muốn được một lần có mái gia đình cho riêng mình theo đúng nghĩa. Quãng thời gian qua em trải qua khá nhiều chuyện và khiến em có mong muốn có một mái ấm thật sự.”







Phần 2: Con cái

Lí do bạn muốn có con hay không có con là gì?

- “Em muốn có con và trở thành người mẹ tốt vì trước đây em không hề cảm nhận được sự hạnh phúc khi ở bên mẹ em.”
- “Mình yêu trẻ con và muốn cùng chồng mình nuôi nấng một đứa trẻ nên người”
- “Mình muốn có con như một động lực để sống tốt hơn”

- “Bản thân mình chưa đủ điều kiện để cho đứa con những điều tốt nhất”
- “Đối với cá nhân mình, mình không dám chắc có thể nuôi dạy tốt 1 đứa trẻ. Mình cũng có kỳ vọng vào đứa con của mình, nếu mình không thể cho nó được hạnh phúc hay tri thức đủ đầy, để nó trở thành một người tự chủ và tử tế thì mình chắc chắn không muốn có con. Mình không muốn vì áp lực tuổi tác hay gia đình, hay vấn đề trai gái mà phải sinh con, để đứa con phải nghe những điều không phải từ người xung quanh.”
- “Việc nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ theo mình là rất khó và mình chưa đủ sự tự tin và khả năng để bước vào con đường đó.”






