Nhân Tháng tôn vinh Phụ nữ 2022, NOI đã thực hiện một cuộc khảo sát mang tên Cùng NÓI để tìm hiểu ý kiến của cộng đồng NOI về các chủ đề mà phụ nữ chúng ta quan tâm. Dự án Cùng NÓI là một trang giấy trắng mà bạn và NOI cùng viết lên câu chuyện của người phụ nữ Việt Nam, thông qua các cuộc khảo sát về các chủ đề khác nhau trong cuộc sống của phụ nữ, các bài viết chia sẻ, các bài phỏng vấn và tham vấn từ các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực này.
Cuộc khảo sát Speak Together bao gồm 7 phần chính:
Phần 1: Câu hỏi chung
Phần 2: Chủ đề về Quấy rối tình dục
Phần 3: Chủ đề về Vẻ đẹp và Miệt thị ngoại hình
Phần 4: Các chủ đề về Sức khỏe sinh sản
Phần 5: Chủ đề về Hôn nhân và Con cái
Phần 6: Chủ đề về Công việc nội trợ
Phần 7: Chủ đề về Công việc và Sự nghiệp
Kết quả khảo sát chủ đề: Quấy rối tình dục.
Bảng khảo sát gồm 10 câu hỏi nhằm giúp phụ nữ NÓI về Quấy Rối Tình Dục để phản ánh thực trạng, nâng cao nhận thức trong cộng đồng và đề xuất giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.
144 người đã Cùng NÓI với NOI về trải nghiệm về Quấy Rối Tình Dục của họ. Gần 90% trong số đó nói rằng họ từng bị quấy rối dưới nhiều hình thức, xảy ra ở nhiều nơi và kẻ quấy rối có thể là bất cứ ai, kể cả người thân và giáo viên của họ! Rất nhiều người phản ánh rằng họ bị quấy rối từ khi còn rất nhỏ. Phần lớn đã không tìm kiếm sự giúp đỡ do chưa có nhận thức đầy đủ về quấy rối là gì và không biết phản ứng như thế nào khi sự việc diễn ra. Và cũng phần lớn người tham gia khảo sát đề xuất nên giáo dục giới tính từ sớm nhằm góp phần ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục.

89.6% người tham gia khảo sát phản ánh rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục, 63.2% trong số đó không tìm kiếm sự giúp đỡ.






Trong 36,8% số người lựa chọn tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 20.3% hài lòng với sự giúp đỡ họ nhận được.

Nhưng không một ai chọn vào ô ‘’nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền’’.

Vì sao họ chọn im lặng?
“Hầu hết mình đều cố gắng tự đáp trả khi bị tấn công. Chỉ duy có một lần khi còn nhỏ, mình đã bị một người họ hàng cố gắng luồn tay vào dưới váy khi chỉ có một mình mình ở nhà. Khi đó mình mới khoảng 9, 10 tuổi, và vì là họ hàng nên mình khá bối rối, không hiểu liệu đó có thực sự là quấy rối hay không. Mình không lên tiếng vì sợ và cũng vì không nghĩ rằng sẽ đc tin tưởng và bảo vệ. Vài tháng trước đây mình mới chia sẻ cho một vài người bạn cực kì tin tưởng, họ khuyên nên lên tiếng với gia đình, nhưng vì chuyện đã quá lâu và mình đã cố gắng xóa nó khỏi kí ức, nên cuối cùng mình vẫn im lặng.”
“Tôi không đủ tin tưởng để chia sẻ với người khác. Tôi lo lắng và tự suy xét về những điều họ nói và không muốn bất kỳ ai biết về điều đó, ngay cả người thân. Tôi cảm thấy ngay cả khi mình chia sẻ thì mọi người cũng có xu hướng đổ lỗi cho tôi và điều đó khiến tôi cảm thấy mình bị tổn thương hơn nữa.”
“Lần thứ nhất là bởi vì lúc đó mình còn quá nhỏ (khoảng 5, 6 tuổi), và xã hội ở thời điểm đó không có sự giáo dục giới tính sớm dành cho con trẻ. Thêm vào đó, họ là người mà mình đã từng rất tin tưởng, thậm chí mình còn gọi vợ của họ là “mẹ”, sau mẹ ruột của mình, con gái của họ là bạn thân của mình (mình gọi họ là chú, và nơi gia đình họ sống chỉ cách mình vài bước chân). Sau này hai gia đình đã không còn liên lạc, mình nghĩ là mình vượt qua được điều này cho nên đã không nói ra, hơn nữa không có điều gì chắc chắn vào việc những người ngoài kia sẽ tin vào một lời tố cáo sau gần 20 năm, hoặc nếu tin thì không phải ai cũng có thể tiếp tục cư xử bình thường với mình, mình không thích bị thương hại. Lần thứ 2 (người khác và là người lạ) thì mình tránh được nên nó không để lại ám ảnh quá lớn cho mình, mình nghĩ thế, vậy nên mình lựa chọn không nói ra.”
Nạn nhân nhận thức được khi bị quấy rối khi nào?
“Khi mình tiếp cận nhiều hơn với các nguồn thông tin như NOI.”
“Tầm 6-7 năm sau khi bị quấy rối mình mới nhận thức được.”
“Khi tay người nọ đặt lên mông và ngực của mình.”
“Lúc trước mình nghĩ những hành động trực tiếp lên cơ thể mới là quấy rối tình dục, nhưng khi được học về Luật có liên quan và tiếp cận thông tin đại chúng, mình mới nhận thức được hành vi đó chỉ là một dạng trong hành vi quấy rối tình dục.”
“Sau sự kiện quấy rối khá lâu (mình bị lúc học cấp 2), đến khoảng tầm 18-20 tuổi gì đó mới nhận thức được.”
“5 tuổi tôi bị quấy rối lần đầu và đến năm 14 tuổi tôi mới nhận thức được.”
“Lần đầu tiên mình nhận thức được mình bị quấy rối tình dục là khi mình 14 tuổi, khi mình đã nhận thức được hành vi nhờ có các series nước ngoài về những hành vi không thể chấp nhận vì trước đó không ai dạy mình hay nói với mình, kể cả khi họ có chứng kiến.”
Những đề xuất để ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục:
“Theo mình, cần có các chương trình giáo dục giới tính phù hợp, người lớn cũng cần có cái nhìn cởi mở, chủ động hơn về vấn đề này, không lảng tránh mà tìm cách lý giải hợp lý tùy theo độ tuổi của trẻ.”
“Đầu tiên mình nghĩ nên có sự phản kháng mạnh mẽ từ chính nạn nhân, vì chúng ta không nên cho rằng mình không đủ sức rồi cứ chấp nhận và im lặng trước những hành vi quấy rối tình dục.”
“Tự bảo vệ mình bằng cách trang bị vật dụng phòng thân, kiến thức để biết dc độ nguy hiểm. Quan trọng hơn là giáo dục trẻ nhỏ từ bé để tránh trường hợp chúng có thể trở thành nạn nhân hoặc nặng nề hơn là tội phạm QRTD. Ngoài ra thì lực lượng chức năng, gia đình, nhà trường,… cũng phải quan tâm hơn khi biết được sự việc chứ không phải chỉ là những sự phớt lờ, không tin tưởng.”
“Có thêm ràng buộc nghiêm túc, rõ ràng về pháp luật với mức xử lý lớn. Tuyên truyền giúp gia tăng ý thức cho mọi người, biết để tự phòng tránh và phản kháng phù hợp trong trường hợp gặp kẻ xấu.”
NOI xin chân thành cảm ơn 144 bạn đã dành thời gian quý báu của mình để chia sẻ những câu chuyện, quan điểm và trải nghiệm của mình xoay quanh các chủ đề.
Tìm hiểu thêm về Quấy rối tình dục dưới góc độ pháp lý