Đọc một loạt những câu chuyện tình lâu năm nhưng dang dở, cảm xúc chung của chúng ta thường là nuối tiếc. Vì sao họ không đến với nhau? Đã cùng trải qua bao nhiêu vui buồn, đắng cay, cùng dầm mưa, chia nhau chiếc bánh mì, gói mì tôm khi khốn khó, vậy mà sao khi đủ đầy lại chẳng thể cùng nhau đi tiếp?
Thanh xuân từng đẹp đến thế. Anh và em từng hứa sẽ là của nhau. Vậy mà hôm nay chúng ta vẫn là cô dâu, chú rể nhưng lại thuộc về một người khác.
Nếu là tôi của 5 năm trước, chắc chắn tôi cũng sẽ có những níu kéo day dứt như vậy. Thậm chí, tôi còn dại khờ đến độ, bất kể nhìn thấy sự bất ổn của mối quan hệ, vẫn đau khi ở trong nó, nhưng lại hèn nhát chờ người ta đá mình rồi mới buông.
Điều gì khiến tôi níu kéo? Là những kỷ niệm, là những cố gắng vun đắp mà cũng có thể chỉ đơn thuần là tính sĩ diện, không chấp nhận được việc người ta có thể đá mình đi khỏi cuộc đời của họ, như vứt đi một chiếc áo cũ.
Tôi làm cho người yêu cũ có cảm giác rằng, chỉ cần hở ra một câu tỏ tình là sẽ phải chịu trách nhiệm cho cả phần đời còn lại của mình vậy.
Ồ, nghe thật ngột ngạt và tiêu cực làm sao!
Nhưng thực tế là sau này, khi tôi đã trở thành một tôi khác, biết rõ mình cần gì, muốn gì trong một mối quan hệ, tôi lại thầm cảm ơn sự dứt khoát không dây dưa của những anh tình cũ. Đơn giản vì họ đã cho tôi bài học về sự phù hợp.
Anh “người yêu cũ mới nhất”, giờ đang là đương kim phu quân và bố của đứa con 4 tuổi của tôi, thậm chí từng nói thẳng với tôi rằng “Em thích một công việc được đi nhiều nơi, như vậy sẽ ít thời gian dành cho gia đình. Có thể anh với em không phù hợp. Nếu thế, chúng mình nên chia tay sớm thì tốt hơn”.
May là cho tới bây giờ, tôi đã đáp ứng được cuộc sống phong phú mà mình muốn với công việc viết lách tự do. Tôi cũng không hoàn toàn muốn được bay nhảy nhiều nơi như tôi từng nghĩ. Và sau khi rà soát mọi yếu tố từ tình cảm đến tính cách, lối sống, tôi và chồng vẫn là 2 nửa phù hợp.
Thế nhưng, cuộc sống này, đâu phải ai cũng đủ lạc quan để hướng về phía trước, tìm một người thực sự khớp với mình và để lại sau lưng những điều đã cũ?
Có thể, họ đã quá quen với sự xuất hiện của người kia bên đời mình, dù nó đã dần trở nên nhạt nhẽo. Họ không đành lòng vứt bỏ vì nặng lòng với những ký ức tươi đẹp xưa kia.
Gần đây, tôi có xem một bộ phim có tên “Khi màn đêm gợn sóng”. Nữ chính là mẫu phụ nữ độc lập, tự tin, có nguyên tắc rõ ràng cho cuộc sống và tình yêu nhưng vẫn đủ mềm yếu để không dám buông tay mối tình 10 năm, dù anh ta ngoại tình ngay trước khi cưới.
Album ảnh kỉ niệm của 2 người thời sinh viên luôn được cô giữ gìn cẩn thận, thi thoảng lại lôi ra ngắm nghía. Chiếc móc chìa khóa chàng trai tặng cô nhiều năm trước với lời hứa “Thay anh ở bên cạnh em lúc anh bận rộn” vẫn còn y như mới.
Cô là người tinh tế và nâng niu từng chi tiết nhỏ trong tình yêu của hai người. Còn anh chàng hôn phu của cô lại không như vậy.
Anh cũng lựa chọn đi cùng cô đến cuối đoạn đường, nhưng với một lý do thật tỉnh táo và lạnh lùng: “Cưới cô là một bước cần thực thi trong kế hoạch cuộc đời anh.”
Mọi quyết định của anh ta, bất kể công việc hay tình yêu đều là những tính toán thiệt hơn, cân đo đong đếm, lựa chọn phương án. Anh ta chọn cô và kiên định với lựa chọn này, đơn thuần vì cô là phương án tốt nhất cho vị trí đối tác hôn nhân.
Cô, sau 10 năm đã được anh gọt giũa trở thành một mẫu phụ nữ mà anh cần, để sự nghiệp và cuộc sống của anh đi theo đúng những gì đã được hoạch định.
Thú thật, khi xem đến những phân cảnh của vị hôn phu hụt này, tôi luôn cảm thấy khó chịu. Anh ta, trước mặt mọi người luôn tỏ vẻ mình là một người yêu đáng mơ ước, lãng mạn, tặng hoa cho người yêu, tặng bánh, trà cho đồng nghiệp của cô ấy. Bất kể tắc đường, anh đều mang xe đến đưa rước.
Anh ta khiến mọi cô gái xung quanh người yêu mình đều ngưỡng mộ và ghen tị. Anh ta kiêu ngạo rằng, với sự tỉ mỉ, kín kẽ của mình, dù có “trót” ngoại tình một lần thì cô người yêu 10 năm với tính cách hoài cổ sẽ chẳng thể từ chối và tiếp tục ở bên.
Thế nhưng, 10 năm yêu nhau, anh ta không biết người yêu mình không thích sự phô trương, khoe khoang tình yêu ở nơi làm việc.
Anh ta không biết điều người yêu mình muốn là được làm cô nàng công sở hết mình với sự nghiệp, thay vì chỉ “ở nhà anh nuôi” như anh ta yêu cầu.
10 năm yêu nhau, anh ta còn chẳng biết người yêu mình không ăn được mù tạt.
Và quan trọng hơn cả, anh ta luôn tự đưa ra quyết định mà không hề quan tâm đến cảm xúc của người yêu. Mà đây là biểu hiện cơ bản của sự tôn trọng.
Nhiều người khác lại không vì hai lý do trên này mà ở lại đến cùng với một mối quan hệ đã héo úa. Họ ở lại vì sự tác động của những người xung quanh, những người là bạn bè, người thân, những người tự cho rằng bản thân là người ngoài cuộc thì luôn sáng suốt và thấu đáo.
Bố của cô nàng nữ chính trong bộ phim trên, sau khi biết tin con gái chia tay đã tức giận nói rằng :”Sao có thể nói chia tay là chia tay như vậy? Thật trẻ con. Bố đã coi nó là con rể bao nhiêu năm nay rồi”.
Mọi người đều cho rằng “Thật dở hơi khi yêu nhau 9,10 năm rồi lại chia tay”, hoặc “30 tuổi rồi mà còn kén chọn, sau này có thể ở với ai?”
Họ nghe đến mòn tai những câu này và lâu dần, họ tin rằng điều đó là thật. Và rồi, họ nhắm mắt đưa chân bước vào một cuộc hôn nhân biết trước kết quả không hạnh phúc.
Tôi không biết còn có bao nhiêu nguyên nhân cho lựa chọn ngốc nghếch này. Tôi chỉ biết có một điều duy nhất. Mọi quyết định trong cuộc sống của bạn đều là vì bạn.
Nếu bạn quên đi bản thân, không lắng nghe tiếng nói bên trong mình và mải mê chạy theo những đòi hỏi của người khác, vậy thì bạn đã tự tước đoạt quyền được hạnh phúc của chính mình.
Mà nếu đã không cho mình quyền được hạnh phúc, sao còn trách đời này đầy rẫy khổ đau?