Thấy tai nạn trên đường, bạn sẽ dừng lại giúp hay đi tiếp?
Tùy vào tình huống. Nếu lúc đó tại nơi tai nạn đã có người khác, có lực lượng an ninh, công an, y tế, mình sẽ không dừng lại. Mình nghĩ là một người bình thường cách duy nhất để giúp đỡ người khác trong tình huống đó là gọi các bên có trách nhiệm và chuyên môn giúp đỡ,mình không nên tham gia vào nữa. Mình sẽ chỉ tham gia vào việc của người khác khi họ thật sự cần mình mà thôi.
Nhìn một ông lão ăn xin rách rưới, nghèo khổ bên ngã tư đường, bạn có giúp đỡ không? Thật sự, nếu mình muốn giúp, mình sẽ cho mà không nghĩ ngợi gì. Ngược lại, nếu mình thấy không muốn mình sẽ không cho. Mình tâm niệm rằng cái mình cho đi phải là cái khiến mình thấy vô tư, nhẹ lòng với nó, mình sẽ không bao giờ lăn tăn trong lòng về khoản tiền mình làm từ thiện liệu nó có xứng đáng không? Người ăn xin đó có lừa đảo không?
Mình lựa chọn chỉ làm cái gì khiến lòng mình an yên và thanh thản, không ngăn cản hay phê phán kẻ khác và cũng không hoài nghi, hối tiếc.
Mình có đang bình thường không?
Mình khác số đông những người xung quanh mình, mình vui với những điều bình dị và nhỏ bé, mình không tham vọng chức danh, địa vị, tiền tài, mình không giàu có và cũng không đeo bám sự giàu có, mình không quá thương cảm với ai và cũng không cần ai thương cảm. Mình đang sống khác với những giá trị đạo đức xã hội mà ngày nhỏ mình được học rằng “lá lành đùm lá rách”, rằng “thương người như thể thương thân”. Mình nhận ra chuyện khác biệt này trong một dịp được đi xa, được chứng kiến tận mắt cuộc sống của đồng bào dân tộc miền cao. Bạn bè đi cùng mình bảo bà con dân tộc khổ cực khi cày bừa trên những mảnh đất khô cằn xơ xác, dùng chân trần leo những triền núi cheo leo mà trồng trọt kiếm sống. Rồi bạn bảo “họ đáng thương”. Mình đột nhiên thấy mình lập dị…mình không thương xót hay cảm thấy tội nghiệp họ. Mình nghĩ chẳng ai có thể đưa ra kết luận về sự sống của người khác cả, bạn thấy họ không tiền, không kiến thức, không có smartphone, không phương tiện, không thông tin là đáng thương nhưng bạn có trực tiếp hỏi họ cảm thấy thế nào không? Họ lựa chọn điều gì? Có chắc bây giờ đưa họ về xuôi sống cuộc sống của ta họ sẽ thấy vui sướng?
Mỗi người có quyền lựa chọn và có nghĩa vụ lựa chọn cuộc sống cho mình, nếu họ cảm thấy bức bách với cuộc sống hiện tại họ sẽ học tập, sẽ tìm tòi cách thức để sống đủ đầy hơn, sống tốt hơn theo cách của họ, việc mà mình có thể làm không phải là thương cảm hay quyên góp chia sẻ cơm áo. Điều mình có thể làm là cho họ biết họ có những lựa chọn nào dựa trên kinh nghiệm hoặc trải nghiệm đã qua của mình? Và rồi sống như thế nào, chọn lựa ra sao, là chuyện của họ.
Đa số chúng ta trong phần lớn tuổi trẻ của mình được dạy rằng chúng ta nên sống “vì một ai đó” mà không hề nhận ra sự ích kỷ ẩn mình phía sau cái gọi là vì người khác. Mình không biết giữa việc “sống cho bản thân mình” với việc “nghĩ rằng cuộc sống là hy sinh cho ai đó rồi mong họ sẽ thế này hay thế khác, áp đặt kỳ vọng của mình lên tương lai của họ” thì cái nào ích kỷ hơn? Ví dụ như bạn muốn con cái học giỏi là “vì tốt cho con” hay để tự hào mình là mẹ của một đứa trẻ học giỏi? Bạn có bao giờ hỏi con mình thích học hay thích chơi đá bóng, thích đến trường hay thích ra vườn bắt dế chưa? Bạn có cho con lựa chọn giỏi cái khác thay vì việc học tập không?
Cuộc đời của mỗi người vui vẻ hay đau khổ phần nhiều là do họ tự lựa chọn, không bởi vì ai mà mình trở nên như thế ngoài chính bản thân mình. Mình gặp rất nhiều bạn trẻ khi nghe câu chuyện mình sống ở ba miền tổ quốc, nói rằng muốn như mình, muốn bay nhảy, muốn đi chơi nhưng vì con nhỏ, vì gia đình, vì công việc không có nhiều thời gian thư thả để thực hiện. Tuy nhiên, nếu có một lúc nào đó, bạn hỏi lòng mình xem rốt cuộc bạn không đi là do đâu? Giữa việc bạn chọn không đi vì những ai đó thì có lúc nào bạn nhận ra đó là vì bản thân mình muốn ở lại, vì mình không yên tâm nếu đi, vì mình không dám xin nghỉ? Mình cứ nghĩ con cái làm mình vướng bận, công việc làm mình áp lực rồi ấm ức, hậm hực, rồi nghĩ rằng mình khổ cực.
Bạn đang ngụy biện đấy, đừng lấy ai đó làm bức bình phong cho sự mệt mỏi tù túng của cuộc đời bạn, hãy đối diện với sự thật rằng mọi mong mỏi không thành Mọi ước muốn đặt lên vai người khác với cái danh nghĩa “vì họ” của chính bạn mới làm bạn mệt mỏi. Bạn hãy thử “không sống vì ai cả” nhưng sống một cách có trách nhiệm xem, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng thanh thản hơn rất nhiều.