Bài viết dành cho những ai thích và muốn bắt đầu tự chụp chân dung (self-portrait; hay có thể gọi là advanced selfie – tự sướng nâng cao) một cách đơn giản và không tốn kém. Mình là một người tự chụp không chuyên và những chia sẻ sau đây đến từ kinh nghiệm cá nhân. Việc thể hiện bản thân qua lăng kính của chính mình khiến mình thêm yêu và trân quý những đường nét mà mình có (#lovewhatyourmamagave).
1/ Tự thiết lập mini studio tại nhà:
Dụng cụ cần có: 1 chiếc điện thoại. Thật đấy, bạn không cần gì nhiều hơn một chiếc điện thoại có tính năng chụp ảnh và đảm bảo được 2 yếu tố: sự chắc chắn và đủ sáng. Chắc chắn nghĩa là điện thoại cần được đặt tại điểm tựa vững. Đủ sáng là đảm bảo ánh sáng lên chủ thể – bạn – vừa đủ, không quá sáng cũng không quá tối. Hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là ánh nắng vào buổi sáng. Mình thường chọn vị trí chụp cạnh cửa sổ.
Để tự bấm chụp, hãy chọn tính năng chụp hẹn giờ, hoặc quay video ở định dạng lớn sau đó xem lại và chụp màn hình. Ngoài ra, bạn có thể dùng thiết bị hỗ trợ như tai nghe có nút điều chỉnh âm lượng, sắm remote chụp ảnh kết nối với điện thoại bằng Bluetooth.
Để nâng cấp cho mini studio, hãy sắm thêm giá đỡ điện thoại (tripod) và đèn chuyên dụng. Những dụng cụ mình vừa nêu có giá thành không cao, có thể tìm mua trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng mình muốn khẳng định, không có đủ những dụng cụ này thì bạn vẫn có thể tiến hành chụp được.
Mình sử dụng camera trước cho phần lớn số lần chụp để nhìn thấy được màn hình, từ đó dễ căn chỉnh bố cục và góc mặt. Camera trước vẫn đáp ứng được chất lượng ảnh tốt khi chụp chân dung. Bên cạnh đó, mình kết hợp sử dụng camera sau cùng với đèn flash và các chế độ chụp có sẵn trên điện thoại để đa dạng hóa các bức ảnh.
2/ Ứng dụng chụp và chỉnh sửa ảnh:
Ứng dụng chụp ảnh:
Có nên dùng các ứng dụng ‘’cực ảo’’ để chụp ảnh?
Các ứng dụng này đa phần sẽ tự động ‘’bóp’’ khuôn mặt của người chụp một cách thô bạo vào một cái khuôn rất… rập khuôn như là cằm v-line, mắt to, da trắng, mũi cao, v.v… Vì vậy sản phẩm ảnh bạn thu được sẽ lại là một cái selfie nữa chán ngắt, trắng hếu và giả trân, cái nào cũng giống cái nào và ai cũng giống ai. Liệu bạn có cần thêm 1 bức ảnh như thế nữa hay không?
Thế nhưng cũng đừng vội bỏ qua các filter màu của các ứng dụng chụp ảnh nếu bạn vẫn thích nó. Mình thường tận dụng các filter này và tắt các tính năng tự chỉnh sửa khuôn mặt. Khi kết hợp với camera trước, các filter màu cho ra ảnh có chất lượng tốt, rõ trong môi trường đủ sáng; trong khi vẫn đảm bảo khuôn mặt không bị biến dạng. Có đôi tấm hình sau khi chụp thì không cần chỉnh sửa thêm gì nữa.
Sử dụng ứng dụng chụp ảnh không hề là điều xấu, nó chỉ đơn giản là một phiên bản gọn nhẹ hơn của photoshop. Tuy nhiên, hãy là người dùng thông minh, đừng để những tính năng ‘’nịnh’’ khiến bạn cảm thấy tự ti về ngoại hình, và biến bạn thành một phiên bản không có thật của những tiêu chuẩn cứng nhắc và cũ mèm nha!
Gợi ý các ứng dụng chỉnh ảnh:
Picsart: ứng dụng này đảm bảo chất lượng ảnh sau khi chỉnh sửa, có nhiều tính năng, với mình nó giống như phiên bản photoshop cho điện thoại vậy.
Lightroom: để chỉnh màu.
Remini: dùng làm rõ ảnh chân dung, tuy nhiên cần sử dụng có chọn lọc vì không phải hình ảnh nào cũng phù hợp.
Hai ứng dụng dành cho các bạn mê phong cách cổ điển: Kamon và Huji
Cuối cùng, đừng quên khám phá tính năng tự chỉnh sửa ảnh có sẵn của điện thoại nha.
3/ Làm sao để ‘’ăn ảnh’’?
Mình cho rằng một tấm ảnh chân dung đẹp không nằm ở gương mặt đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về cái đẹp phổ biến, nó nằm ở thần thái, bố cục và thông điệp của bức ảnh.
Vậy làm sao để có thần thái tốt? Nó xuất phát từ sự tự tin của chủ thể. Sự tự tin giúp bạn thoải mái hơn trong cách thể hiện bản thân, từ đó hình thành cá tính riêng qua từng tấm hình.
Ngoài ra, các yếu tố sau đây cũng sẽ giúp ích đáng kể cho việc tạo thần thái:
- Sự chuẩn bị: hãy bắt đầu từ việc tìm nguồn cảm hứng, lên ý tưởng để đưa ra set up, tạo hình, trang phục phù hợp. Pinterest và #advancedselfie trên Instagram rất phù hợp để tìm những nguồn cảm hứng mới.
- Sức khỏe thể chất và tinh thần tốt.
4/ Hãy thỏa thức sáng tạo:
Không phải lần nào chụp cũng thành công và sau khi chụp là bảy bảy bốn chín lần chỉnh sửa ảnh. Vì vậy, đừng so sánh ảnh của mình với ai, và đừng tự tạo áp lực cho mình. Hãy cứ thỏa thức sáng tạo để tận hưởng niềm vui, niềm đam mê và cảm hứng của riêng bạn.
Một lợi thế đáng kể khi tự chụp ảnh là bạn sẽ cảm thấy thoải mái và chủ động hơn trong việc truyền tải các ý tưởng của bản thân. Rất nhiều người đã và đang tự chụp và chia sẻ qua #advancedselfie trên Instagram. Hashtag này được tạo nên bởi Blogger người Úc Sorelle Amore, hãy tìm xem và chia sẻ những bức ảnh của bạn để truyền cảm hứng cho thêm nhiều người nhé.