Vài phút lướt mạng xã hội, bạn đã kịp thấy rất nhiều khoá học ngoài chuyên môn mà bạn bè mình tham gia. Chủ đề chưa bao giờ đa dạng đến vậy, thậm chí, có những chương trình mà nếu chỉ nghe đến tên gọi thì có thể bạn chưa hình dung ra ngay như: chánh niệm (mindfulness), nâng đoạn kim cương, chạm ngẫu hứng, v.v.
Một số người tham gia với mong muốn học hỏi, khám phá bản thân, nhưng nhiều người dường như đang bị áp lực cuộc sống dẫn đường. Theo đó, tác động của các khoá học lên mỗi người cũng khác nhau. Vậy làm sao để lựa chọn những chương trình phù hợp với bản thân? Theo kinh nghiệm của một người luôn tìm kiếm góc nhìn đa chiều, tôi cho là có BỐN yếu tố sau cần xem xét:
1. Mục tiêu của bản thân: bạn đang tìm kiếm điều gì, và đó có phải là mục tiêu của chương trình bạn dự định tham gia. Tôi đã gặp những bạn đăng ký vì chương trình đó đang “hot”, nếu mình không biết thì sẽ “thua kém”. Để rồi, sau khi mất rất nhiều công sức và có thể tiền bạc nữa, bạn không áp dụng được gì từ những thứ đã được chia sẻ.
2. Cách thức truyền tải: bạn đã bao giờ cảm thấy sau một khoá học, điều đọng lại không phải là những mô hình, lý thuyết mà là những nguồn cảm hứng, suy tư mà diễn giả đã khơi gợi trong bạn trong suốt tiến trình. Vậy tiêu chí của chương trình là gì, có phù hợp với giá trị cốt lõi của bạn? Phương pháp truyền đạt chính là gì, bạn có cơ hội để thể hiện, tương tác không?

3. Giảng viên/ diễn giả: Việc một “chuyên gia” bắt đầu nổi lên trong một lĩnh vực nào đó, bằng cách chia sẻ những câu chuyện và lời khuyên đúng tâm lý số đông không còn xa lạ. Người ta dường như sẵn sàng tin tưởng vào những điều mình muốn nghe mà không chút nghi ngờ, về những thành công dễ dàng, những hạnh phúc không cần cố gắng. Tôi vẫn nhớ một dạo thường xuyên nghe chị em đang gặp chuyện buồn tình cảm chia sẻ về một “chuyên gia tình yêu” với sự ngưỡng mộ và gần như “sùng bái”. Tuy nhiên, nếu dành chút thời gian tìm kiếm, truy nguồn, bạn sẽ dễ dàng phát hiện những điểm đáng nghi trong phần tự giới thiệu về trình độ chuyên môn và học vấn của chuyên gia. Thông tin hiện nay vô cùng nhiễu loạn nhưng cũng rất sẵn có, vậy tại sao bạn không tìm hiểu thật kĩ trước khi đặt niềm tin, công sức, và tiền bạc?
4. Bạn học/ Cộng đồng đã tham gia: trong thời buổi bùng nổ thông tin, việc tiếp cận với các nguồn tri thức một chiều, như xem video bài giảng, đọc bài viết chia sẻ, v.v. gần như là vô hạn. Vậy điểm khác biệt của khoá học trực tiếp là gì nếu không phải là tương tác và trở thành một phần của cộng đồng. Câu “học thầy không tày học bạn” cũng là một phần trong đó. Tìm thấy nhiều điểm chung với những người đã, đang, sắp tham gia góp phần không nhỏ vào hiệu quả khoá học.
Tri thức chỉ thực sự được tiếp thu khi được áp dụng thành công vào cuộc sống của mình, và chỉ trở thành tài sản của cá nhân dựa trên chiêm nghiệm của bản thân người đó từ thực tiễn. Vì vậy, hãy xem mỗi khoá học là cơ hội để mở ra những cánh cửa cho mình tiếp tục suy tư, thay vì tìm kiếm một đích đến cuối cùng. Duy trì tư duy phản biện sẽ ngăn bản thân, nhất là trong những giai đoạn căng thẳng và yếu đuối nhất, lao vào “cuồng tín” các chuyên gia với mong mỏi “học” được cách nhanh nhất trở nên tự tin và thành công như họ.