3 năm trước, vào một kỳ học mùa đông của năm đầu tiên mình đến Hà Lan, mình đã học về Hạnh Phúc trong tiết Tâm lý học đại cương của ngành. Hôm đấy, khi dạy xong về các thể loại hành vi cá nhân trong tâm lý, vì sao chúng ta làm thế này, hay vì sao ta là ta, thì giảng viên của mình đã cố chạy cho kịp 5 phút cuối để nói về “Làm thế nào để sống hạnh phúc?”
Mình chưa bao giờ hiểu hạnh phúc thực sự là gì
Mình từng là một đứa rất hay đố kỵ, hay so sánh bản thân với người khác, và luôn muốn mình hơn họ. Vì hồi đi học thì mình học giỏi, lại còn được cả nhà thương vì học giỏi, mình đích thực là con nhà người ta. Khi bị điểm thấp chắc chắn sẽ rấm rứt, bị thầy cô la chắc chắn sẽ buồn, nhưng đau đớn nhất sẽ là thầy cô hôm nay sẽ khen đứa nào đó làm bài tốt hơn mình; hay mình thường ganh đua ngầm với đứa bạn thân, nếu một ngày kia điểm nó cao hơn mình thì ngoài mặt mình cười chứ trong lòng ức nó lắm.
Nhưng rồi khi mình phát hiện ra, mình vẫn vui nếu mình không hoàn hảo.
Mình cũng không nhớ cụ thể lần đó thế nào, nhưng mình vẫn nhớ có hôm ấy, con quái vật màu xanh đó chuẩn bị nhảy ra, thì mình lại đột nhiên ngừng suy nghĩ về nó, và bảo “nếu mình thử không quan tâm so sánh một lần này xem”. Và đã rất nhiều lần kể từ cái lần nào đó, mình tự nói với bản thân như thế. Nhưng tự nói với bản thân đừng đố kỵ nữa chỉ là tự trấn an, vì bản chất vẫn là hơn thua, chỉ là mình không cho phép phát triển suy nghĩ về nó.
Cho đến khi mình biết mình là ai…
Hôm đấy, trong lớp Tâm lý, mình học về việc con người học về bản thân mình nhưng thế nào (How we develop our self-concept). Trong đó có, học từ việc tự nhận dạng bản sắc cá nhân, các mối quan hệ hoặc xã hội mình đang sống; học từ vai trò của mình trong xã hội và việc mình phản hồi trong vai trò đó; học từ bối cảnh mà mình đang sống; học từ việc nhận phản hồi, đánh giá, hoặc nhìn bản thân từ góc nhìn của người khác; và học việc so sánh với những người xung quanh (để tự đo lường khả năng của bản thân).
Hồi còn đi học phổ thông, chắc ai hỏi điểm mạnh điểm yếu chắc sẽ không nêu ra được điểm nào, hoặc chỉ có điểm mạnh theo kiểu em thích làm cái này, em hay làm cái này thì chắc em sẽ giỏi về nó. Chính là vì chưa ai chê mình cả. Hoặc, chê mình là mình xù lông trong lòng ngay. Nhưng mình may mắn được làm việc ở một tờ báo teen, và được viết từ những ngày tuổi teen nông nổi. Cuộc đời chưa ai dám chê mình nay đã có người chê, đã có những bài viết bị sửa tan nát, vật vã vừa học vừa tìm nhân vật viết xong cả bài 2 trang báo nhưng lại bị cho vào quên lãng. Nhưng mình mà xù lông lúc đó thì chắc chắn sẽ không có bài nào được lên. Mình học được sự kiên nhẫn, sau đó chính là chấp nhận: Mình không giỏi nhất. Không phải cái gì mình làm cũng hay nhất. Và “tốt” trong mắt mình nhưng chưa chắc tốt trong mắt người khác. Hơn tất cả, là mình tìm được đồng đội nói cho mình biết rằng, mình chưa tốt, và đã ở đó giúp mình cải thiện nó.
Mình là đứa rất dễ thích thú với những gì mới mẻ, hay tò mò những chuyện chưa biết. Những ngày đi viết bài cho một chiến dịch đại sứ, mình bị quá tải vì gặp quá nhiều người giỏi, biết quá nhiều thứ mà đối với một con bé 19 tuổi là quá mới, mình lại thấy mình nhỏ bé, chẳng biết gì. Nhưng rồi mình học được rất nhiều từ sự quá tải đó, rằng mình còn nhỏ bé, và sẽ luôn có cơ hội học được những cái mới hơn nếu mình chấp nhận mình không biết điều gì đó.
Rồi có một hôm nào đấy, mình tỉnh dậy, với tất cả những gì mình có được trong quá trình học về bản thân và chấp nhận nó, mình lại thích sự không hoàn hảo hơn bao giờ hết. Bản thân mình cũng không thèm ghen tị với những người có sự trọn vẹn trong việc gì đó. Vì mình biết, mình không thể ôm cả thế giới này làm của mình được.
Nhưng mình cũng học được là, chấp nhận bản thân không hoàn hảo không có nghĩa là mình được quyền dễ dãi với nó.
Mình bắt đầu sống kỷ luật hơn khi mình biết, nếu mình kỷ luật rèn dũa hay cố gắng vì điều mình muốn, thì chắc chắn mình sẽ có được nó. Ví như chuyện mình cuối cùng cũng được đến Hà Lan học, dù qua bao muôn vàn chuyện mà đối với mình là rất khó khăn, từ chuyện học tiếng Anh, đến chuyện quyết định của bản thân, gia đình, rất rất nhiều drama phút cuối khác nữa.
Kỷ luật sẽ giúp mình biết chắc mình sẽ đạt được nó, nên khi đạt được rồi, thì chắc chắn sẽ thỏa mãn, sẽ hạnh phúc, sẽ tự tin hơn rất nhiều vì mình biết nếu mình tiếp tục sống nề nếp kỷ luật thì mình sẽ có được nó một lần nữa. Mọi việc xảy đến đều có lý do, là chính hành động trước tác động lên sự việc sau, không phải do may mắn nên mình làm gì thì cũng phải ra ngô ra khoai để đoán được cả kết quả. Điều gì sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn: để người khác quyết định và điều khiển mình, hay chính mình làm điều đó? “If you don’t lead yourself, others will”.
Quản lý bản thân không có nghĩa là kiềm chế đến mức phát stress. Ví như việc bạn muốn giảm cân ăn uống điều độ, điều mình thấy ngu ngốc nhất chính là “nhịn”, nhịn bất cứ điều gì khiến bản thân phát rồ để rồi lâm vào ego depletion, không còn tí sức lực nào để quản lý bản thân mình nữa. Bạn biết đó, kiềm chế cũng cần có năng lượng. Mình cũng không dành năng lượng cho việc đọc kcal mỗi món khi đi chợ nữa, mà dành nó để tập thể dục, để nấu ăn ngon, để tận hưởng vừa đủ cái mình thích.
Quản lý bản thân là tự nhắc nhở mình, tự giác làm một chuyện gì đó đúng giờ, là không trì hoãn một việc bé tẹo từ ngày này sang ngày khác. Cuối ngày tự đánh dấu hoàn thành xong những mục ưu tiên, cam kết với thói quen hằng ngày, là tự thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là khi mình tự tự hào về bản thân mình thôi, không cần ai khen cả.
Nhưng hạnh phúc thì cần được chia sẻ. Và giảng viên của mình kết bài bằng một từ “relationship” cho câu hỏi “làm thế nào để sống hạnh phúc?”. Cô bảo, nếu có ngày đột nhiên bạn rất muốn gặp một ai đó, mà chỉ có mỗi một tiếng đồng hồ thôi, THÌ ĐÃ SAO, cứ chạy đi gặp đi, thời gian ít nhiều chẳng quan trọng. Hãy tận hưởng một tiếng đồng hồ đó với họ. Sống ở hiện tại, ghi nhớ phút giây vui nhất, và khoảnh khắc nó kết thúc, là đủ.
Tóm gọn lại, đối với mình, để hạnh phúc thì nên:
- Biết mình là ai
- Chấp nhận mình không hoàn hảo
- Biết kiên nhẫn
- Chấp nhận mình không biết để học thêm nhiều cái mới
- Đạt được điều mình muốn vì kỷ luật, không phải do may mắn
- Không ép buộc chính mình
- Biết tận hưởng điều mình thích vừa đủ
- Biết tự hào về bản thân
- Biết sống ở hiện tại
- Và có những mối quan hệ tốt đẹp