“Chị có khuyết điểm gì cần che ạ?” Đây là câu hỏi tôi đã nhận được từ bạn nhân viên bán hàng khi đi mua đồ bơi. Câu hỏi này đã khiến tôi dừng lại một giây vào lúc đó, và vẫn nghĩ mãi về việc cách phụ nữ chúng ta đang nhìn nhận về hình ảnh của bản thân và những người phụ nữ xung quanh.
Đó là một buổi chiều tôi đi chọn áo tắm cho chuyến nghỉ dưỡng sắp tới. Đang lựa giữa các mẫu đồ bơi một mảnh khác nhau thì bạn nhân viên nữ đến bên và hỏi tôi câu hỏi này. Có thể nó nằm trong bài tư vấn bán hàng mà bạn đã được cửa hàng “training” để mở lời cho việc giới thiệu các mẫu khác nhau với khách, hoặc cũng có thể là đúc rút từ kinh nghiệm của chính bạn khi bán hàng cho nhiều chị em phụ nữ và được yêu cầu tìm kiểu dáng phù hợp để che đi những khuyết điểm mà họ không tự tin trên cơ thể mình.

Nếu là trường hợp một, có lẽ bạn cũng đồng ý với tôi rằng chiến lược đem những nỗi sợ hay khiếm khuyết của khách hàng ra “đe dọa” không phải là điều gì quá mới mẻ trong quảng cáo hay bán hàng nói chung, đặc biệt khi đối tượng khách hàng là nữ. Ở Mỹ vào thập niên 20, có rất ít phụ nữ hút thuốc lá và các công ty thuốc lá cho rằng đây là một mỏ vàng đang bị bỏ qua ngay trước mặt. Vậy là vào năm 1928, American Tobacco Company thuê Edward Bernays, một người làm marketing nổi tiếng với những ý tưởng táo bạo để thay đổi quan điểm của phụ nữ về việc hút thuốc. Bernays đã thuê một nhóm phụ nữ tham gia Easter Sunday Parade, một cuộc diễu hành nổi tiếng tại New York vào lúc đó, và chụp những bức ảnh họ dừng lại và hút thuốc một cách kiêu hãnh. Ông gửi những bức ảnh này cho các tờ báo lớn và kể câu chuyện về việc những phụ nữ này đang “đốt lên ngọn đuốc tự do”. Là cháu của Sigmund Freud, hơn ai hết ông hiểu rằng việc đánh vào sự tự ti là một chiêu thức đặc biệt hiệu quả, nhất là với đối tượng khách hàng nữ.
Tuy nhiên, đó là những chiêu bài của marketing, và dù muốn hay không thì chúng ta vẫn khó tránh khỏi những chiêu thức thao túng tâm lý của khách hàng như vậy để tăng doanh số bằng mọi giá. Điều tôi muốn nói ở đây nằm ở giả định thứ hai, đó là nếu câu hỏi này xuất phát thật sự từ kinh nghiệm bán hàng của bạn nhân viên ấy, thì nó đang nói lên điều gì về cách phụ nữ chúng ta nhìn nhận bản thân mình? Vì sao một món đồ có thể hoàn toàn trung tính là một trang phục thể thao lại đang bị chúng ta gán cho trách nhiệm thể hiện sự quyến rũ của người phụ nữ? Nếu bạn trả lời vì đồ bơi (thường) là những trang phục thiếu vải và để lộ nhiều phần thân thể, thì tôi muốn hỏi bạn điều ngược lại rằng vì sao phụ nữ chúng ta không nhìn theo hướng ngược lại. Cô bé bán hàng ấy có thể hỏi: “Chị có ưu điểm nào muốn tôn lên ạ?” Như một cốc nước nửa đầy hoặc nửa vơi, cách ta tiếp cận một vấn đề ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm của ta về vấn đề đó, nhất là khi “vấn đề” đang nói ở đây là chính bản thân ta.

Câu chuyện này xảy ra với tôi hơn ba năm trước. Khi tôi chia sẻ lên mạng xã hội, điều ngạc nhiên là nhiều bạn của tôi là phụ nữ không thấy vấn đề gì với cách đặt vấn đề này của người bán hàng. Đặc biệt những người đã có con đã chia sẻ rằng rồi tôi sẽ thay đổi quan điểm sau khi trải qua sinh nở. Hiện tại, với tư cách là một người mẹ, một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng phụ nữ có quyền nhìn nhận tích cực và chủ động về hình ảnh của bản thân mình ở bất kì thời điểm nào trong cuộc sống. Đừng để một chiến lược marketing, một người bán hàng, hay số đông, ảnh hưởng đến cách bạn trân trọng bản thân mình.