Trong bài phát biểu tại lễ trao giải Bafta Games Awards 2015, nữ diễn viên Ashley Johnson đã được vinh danh ở hạng mục Performer cho vai diễn lồng tiếng của cô trong tựa game The Last of Us.
“Tôi thật tự hào vì được vào vai một nhân vật nữ mạnh mẽ mà không phải ai đó bị tình dục hóa, mỹ nhân gặp nạn hay thậm chí ngược lại.” – Ashley Johnson.
Bài phát biểu xúc động của nữ diễn viên trẻ đã truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp nữ, song cũng phơi bày một thực tế nghiệt ngã trong ngành công nghiệp giải trí, nơi phụ nữ thường xuất hiện trên màn ảnh trong những dạng vai đóng khung đầy định kiến.
Trong series bài viết Bình đẳng cho phụ nữ trong điện ảnh: Chặng đường dài phía trước, NOI sẽ cùng bạn điểm qua qua 3 khuôn mẫu nhân vật nữ độc hại vẫn thường bị lãm dụng trên phim ảnh và ảnh hưởng tiêu cực của chúng đến định kiến về diễn viên nữ nói riêng và phụ nữ nói chung trong mắt khán giả
Phần 1: Tình dục hóa phụ nữ – Vấn nạn muôn thuở của ngành công nghiệp điện ảnh
Bài viết đăng tải trên diễn đàn kinh tế thế giới với tiêu đề “Phụ nữ có khả năng bị phơi bày hình thể trong phim cao gấp bốn lần so với nam giới” đã chỉ ra một vấn nạn trong ngành công nghiệp giải trí, nơi các nhà làm phim ngầm lạm dụng cơ thể phụ nữ với vỏ bọc “điện ảnh” hay “nghệ thuật”.
- Khi cơ thể phụ nữ là công cụ hút mắt khán giả
Nhiều diễn viên nữ có ngoại hình ưa nhìn thường xuyên phải đóng những dạng vai diễn không hề lạ lẫm với khán giả như: cô bồ nóng bỏng, cô thư kí sexy, cô nàng diện bikini hút mắt,…Điều đáng nói là trong nhiều bộ phim, việc phơi bày hình thể phụ nữ diễn ra quá mức cần thiết, thể hiện qua thời lượng cảnh quay dài bất thường, những góc quay thiếu tế nhị hay sự thiếu liên kết của phân cảnh với toàn bộ kịch bản. Trong hầu hết trường hợp, những cảnh quay “bỏng mắt” chỉ mang mục đích giải trí, thu hút khán giả chứ không đóng một vai trò đáng kể nào trong việc truyền tải nội dung phim. Khi những dòng credit hiện lên, khán giả không còn đọng lại ấn tượng nào về nhân vật nữ ngoài thân hình đồng hồ cát và những đường cong táo bạo.
Tình dục hóa phụ nữ dễ thấy nhất ở các bộ phim bom tấn thương mại thể loại hành động, nơi nhà làm phim chủ yếu lợi dụng cơ thể phụ nữ để thu hút nam giới dị tính, vốn là đối tượng khán giả mục tiêu của dòng phim này. Từ nhân vật phụ như Mikaela Banes trong loạt phim Transformers đến nhân vật trung tâm như Harley Quinn trong Suicide Squad và Birds of Prey đều những nhân vật “biểu tượng” của tình dục hóa. Diễn viên thủ vai thường xuyên được giao mặc những trang phục thiếu vải không phù hợp với hoàn cảnh cũng như tạo những tư thế khiêu gợi một cách kì quặc. Ngoài tạo hình, máy quay cũng thường xuyên zoom vào vòng 1 hoặc vòng 3 của họ ở góc trực diện, thậm chí quay chậm nhằm nhấn mạnh độ gợi cảm của họ. Series Điệp viên 007 đình đám còn sinh ra hẳn một thuật ngữ chỉ những cô đào quyến rũ có rất ít chức năng ngoài là người tình của nhân vật chính James Bond.


Đại diện “Chị chị em em 2” của điện ảnh Việt mới ra mắt dịp Tết Quý Mão dù thuộc thể loại chính kịch cũng đi vào vết xe đổ của điện ảnh Hollywood. Nhân vật chính Tư Nhị do Ngọc Trinh vào vai liên tục có những cảnh khỏa thân và bán khỏa thân lạc quẻ không hề góp phần khắc họa tính cách nào nhân vật.

Song, không phải chỉ những nhà làm phim thương mại mới lạm dụng cơ thể phụ nữ vô tội vạ. Nhiều bộ phim chính kịch được giới phê bình đánh giá cao và liên tục được hoan nghênh tại các lễ trao giải danh giá cũng không thoát khỏi cám dỗ tình dục hóa phụ nữ. The Wolf of Wall Street hay American Beauty đều là những ứng viên nhẵn mặt tại các lễ trao giải điện ảnh, nhưng trong phim hình ảnh phụ nữ vẫn bị khắc họa là công cụ thỏa mãn đàn ông.



- Nạn nhân không ai khác ngoài diễn viên nữ
Những diễn viên nữ sau khi bước ra từ vai diễn bị tình dục hóa, nếu không trở thành chủ đề giễu nhại thì cũng dễ dàng bị gắn mác “bình hoa di động” – đẹp mà không có tài, ảnh hưởng đến danh tiếng và cơ hội diễn xuất về sau.
Hệ lụy nghiêm trọng của vài giây cảnh nude trong Chị chị em em 2 đến ngay lập tức khi Ngọc Trinh trở thành nạn nhân của “sex joke” khiếm nhã trên khắp không gian mạng. Nhiều khán giả đùa rất vô duyên rằng: ra rạp để xem cơ thể Ngọc Trinh hơn là nội dung phim. Ekip truyền thông phim thậm chí còn lợi dụng tâm lí này để chiêu trò PR lôi kéo người xem bằng cách đăng tải chính những cảnh bị gắn nhãn C18 (cho người trên 18 tuổi) lên mạng xã hội, vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của Luật Quảng cáo.


Không tự nhiên mà “thoát mác bình hoa di động” trở thành cuộc chiến trường kì của nhiều người để có thể khẳng định tài năng sau khi lãng phí thời gian với những dự án phim mà họ tưởng như là bước nhảy vọt trong sự nghiệp. Trước khi tỏa sáng với những vai diễn đột phá và càn quét cái giải thưởng hàn lâm, những diễn viên tài năng hàng đầu của thế hệ từng phải vật lộn nhiều năm với cái bóng của những danh xưng “người đẹp đóng phim” hay “quả bom sex”.
Sắm vai một Bond Girl trong phần phim Tomorrow Never Dies, Dương Tử Quỳnh trở thành diễn viên gốc Á nổi tiếng tại Hollywood. Thế nhưng, trong suốt 2 năm, cô đã “thất nghiệp” chỉ vì cương quyết từ chối những dạng vai nữ phụ quyến rũ nhưng mờ nhạt tương tự. Nói không với những vai diễn “làm cảnh” đồng nghĩa với cơ hội diễn xuất ít hơn và thu nhập giảm sút do những dự án chất lượng thường có kinh phí thấp và không mấy được khán giả chú ý. Mãi cho khi đóng Everything Everywhere All At Once ở tuổi 60, cô mới có được danh tiếng xứng đáng khi trở thành nữ diễn viên gốc Á đầu tiên giành giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Cũng nổi lên nhờ diễn nữ phụ những phim hành động triệu đô, Scarlett Johansson có một sự nghiệp đồ sộ và là một trong những diễn viên chăm chỉ nhất Hollywood. Cô liên tục thử thách mình ở đa dạng vai diễn và thể loại để thoát khỏi mác “bom sex” đã gắn chặt với cô từ thời mới vào nghề. Từ một Black Widow mờ nhạt, ít nói, gợi dục trong Iron Man 2, tiếng nói của cô đã khiến hãng phim thay đổi hình ảnh, biến nhân vật trở thành một nữ anh hùng, có nội tâm sâu sắc, có lòng trắc ẩn, có tình cảm như một phụ nữ đời thường, và sẵn lòng hi sinh vì lẽ phải. Từ nàng thơ trong những bộ phim của Woody Allen, Scarlett cố gắng lột xác bằng những vai diễn nội tâm hơn, gai góc hơn, đỉnh điểm là vai Nicole trong The Marriage Story và Rosie Betzler trong Jojo Rabbit, hai vai diễn không khỏa thân, không hở hang đã đem về cho cô 2 đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.
Một nền điện ảnh quá coi trọng sự thu hút của vẻ ngoài vô tình cổ xúy cho “đẹp”, ”nóng bỏng” trở thành tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn vai diễn, bỏ qua tài năng và nỗ lực của biết bao diễn viên. Không ít nữ diễn viên dễ dàng bị loại thẳng tay trong những buổi casting chỉ vì ngoại hình không “đạt chuẩn”, bao gồm cả những tên tuổi gạo cội, được coi là những “diễn viên xuất sắc nhất thời đại”. Tượng đài Meryl Streep từng bị nói thẳng mặt rằng bà “không đủ xinh” để vào vai nữ chính trong phim King Kong. Trong khi đó Kate Winslet, Viola Davis, những tên tuổi nổi tiếng cũng từng được khuyên nên đóng những vai phụ xấu xí do không đáp ứng thước đo ngoại hình của nhà làm phim.
Comedy Short: Leading Lady Parts – BBC
Bộ phim châm biếm của đài BBC phơi bày nghịch cảnh trớ trêu những diễn viên nữ phải đối mặt trong những buổi casting. Phụ nữ bị yêu cầu phải “xinh hơn”, “gợi cảm hơn”, “gầy hơn”, thậm chí “hở hơn”.
- Chìa khóa cho vấn đề nằm ở khán giả
Tình dục hóa phụ nữ suốt nhiều thập kỉ đã trở thành công thức “ăn tiền” của các nhà làm phim, khiến họ liên tiếp áp dụng chỉ để kéo khán giả ra rạp rồi rút ví. Cứ như vậy, phụ nữ bị gắn chặt lấy vai trò “làm cảnh” mờ nhạt, với hình thể chẳng khác nào công cụ kiếm tiền của các hãng phim. Cũng bởi đã là công thức, vấn nạn này cũng trở thành miếng mồi béo bở cho những nhà làm phim lười biếng chỉ biết “áp dụng là có tiền” và những dự án phim quá đề cao việc thỏa mãn một bộ phận khán giả mà quên mất giá trị nghệ thuật và nhân văn nguyên bản của điện ảnh. Khán giả và nhà làm phim trong câu chuyện tình dục hóa phụ nữ cũng giống như như câu chuyện con gà quả trứng. Khán giả hứng thú xem, hãng phim tích cực thực hiện. Vòng lặp ấy không thể bị phá bỏ nếu chính khán giả – những vị “thượng đế”- không nâng cao gu thưởng thức.
Tẩy chay, lên tiếng phản đối những dự án lạm dụng hình ảnh phụ nữ và bên cạnh đó, cổ vũ, chi tiền cho những bộ phim nhân văn, tôn vinh phụ nữ, hướng đến truyền đạt những thông điệp nhân văn chính là cách tốt nhất khán giả có thể làm để phụ nữ không còn bị tình dục hóa trên màn ảnh. Thật đáng mừng khi hiện nay, nhiều nhà làm phim đã có ý thức hơn về việc tiết chế phô diễn hình thể phụ nữ. Đạo diễn Suicide Squad và hãng phim Warner, sau làn sóng chỉ trích đã lên tiếng xin lỗi khán giả vì hình ảnh Harley Quinn hớ hênh trong phần 1, để chúng ta có một Harley đáng yêu và dũng cảm hơn, đặc biệt là ít lộ da thịt hơn trong Suicide Squad 2. Vai diễn nữ trong phim hành động cũng được xây dựng đa chiều và đậm nét hơn, như trong những bộ phim James Bond mới nhất do Daniel Craig đóng chính như Skyfall hay No Time To Die và Spider Man của vũ trụ Marvel, nhờ vậy cũng gặt hái thành công ở cả phòng vé lẫn các trang phê bình. Tiếng nói và sự nghiêm khắc của khán giả chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy những nhà làm phim thay đổi nhận thức, từ đó khắt khe hơn với sản phẩm của chính mình.
Định kiến trong phim phần nào bắt nguồn từ đời thực, bởi vậy nếu không dẹp bỏ những định kiến vẫn tồn tại sâu trong lòng xã hội thì khó mà đòi hỏi chúng ngừng xuất hiện trên màn hình, bởi suy cho cùng, các bộ phim, nhất là các dự án thuần giải trí ngoài thể hiện cái tôi và góc nhìn của nhà làm phim còn phải nương theo nhu cầu thưởng thức của khán giả. Xóa bỏ “male gaze”, tình dục hóa phụ nữ, rõ ràng không phải nghĩa vụ của riêng những người làm trong ngành công nghiệp điện ảnh, đó là nghĩa vụ của toàn xã hội, từ chính phủ, giáo dục, truyền thông đến mỗi khán giả đang ngồi trước màn hình.