Bấy lâu nay, lĩnh vực công nghệ vẫn luôn được coi là một sân chơi dành cho đàn ông. Sở dĩ là phần lớn những doanh nghiệp công nghệ đều được sáng lập và điều hành bởi họ. Vậy mà lại có một doanh nghiệp chuyên sản phẩm màn hình cao cấp – Lens Technology, dẫn đầu bởi doanh nhân Chu Quần Phi tỏa sáng nổi bật như một ngôi sao rực rỡ. Bà đã cho mọi người thấy một người phụ nữ cũng có thể đạt được thành công trong “sân chơi công nghệ” đầy khốc liệt. Từ đấy đã giúp cho rất nhiều người phụ nữ khác trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn.
Hình trình trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới của Chu Quần Phi
Lens Technology là một công ty sản xuất màn hình hàng đầu thế giới, nhà cung cấp chính cho các tập đoàn như Apple, Samsung, BMW, Tesla,… Với giá trị vốn hóa thị trường hơn 22 tỷ USD, công ty hiện có 32 nhà máy ở 7 địa điểm với hơn 90.000 nhân viên. Nhà sáng lập, chủ tịch công ty Chu Quần Phi cũng trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc ở tuổi 45 (năm 2015). Nhưng ít người biết rằng thành công này chỉ bắt đầu với một đô la và một giấc mơ.
Xuất thân trong một gia đình nghèo khó tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Chu Quần Phi đã học cách tự lập từ khi còn rất nhỏ, chăn nuôi vịt mỗi ngày để có tiền phụ giúp gia đình. Vào năm 16 tuổi, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, Chu Quần Phi quyết định nghỉ học và tìm đến thành phố Thâm Quyến để làm công nhân trong một công ty sản xuất mặt kính đồng hồ. Bà phải làm việc quần quật mà chỉ được trả 1 USD/ngày. Với tinh thần ham học hỏi và sự nhanh nhạy bà nhanh chóng nắm được quy trình sản xuất mặt kính đồng hồ.
Mặc cho công việc rất bận rộn với mức lương không đủ sống nhưng bà là một người chú trọng đến tri thức. Bà đã học thêm rất nhiều, tự việc nâng cao trình độ văn hoá đến kiến thức kế toán,… Vào năm 24 tuổi, Chu Quần Phi cùng với số tiền tiết kiệm 20.000 đô la Hồng Kông tích góp được trong suốt quá trình đi làm, đã quyết định khởi nghiệp cùng với các anh chị em trong gia đình. Đây cũng là tiền đề cho công ty Lens Technology ra đời sau này.
Thời kì đầu khi mới khởi nghiệp, Chu Quần Phi liên tục bị từ chối ý tưởng kinh doanh khi mang đi gọi vốn vì nhiều lý do. Đa phần vì các nhà đầu tư không thực sự tin vào khả năng phát triển và sinh lời của công ty cũng như cho rằng một người phụ nữ chưa tốt nghiệp cấp ba như Chu Quần Phi có thể điều hành được công ty này. Trong công ty, bà gần như làm hết mọi việc từ sửa và thiết kế máy móc, tự học quy trình in trên kính phức tạp cũng như phát triển những kỹ thuật khó giúp in được trên cả những mặt kính cong.
Năm 2003 cùng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện thoại di động, bà đã nắm bắt cơ hội hợp tác cùng hãng điện thoại Motorola tung ra thị trường loại màn hình thủy tinh có khả năng chống xước và cung cấp hình ảnh sắc nét hơn. Do thời điểm đó, màn hình hiển thị trên điện thoại di động đều được làm bằng nhựa. Sản phẩm mặt kính điện thoại của Chu Quần Phi đã thay đổi thị trường điện thoại thông minh mãi mãi. Các tập đoàn lớn như Apple, Samsung sau đó đều lần lượt trở thành đối tác của Lens Technology.
Nhìn lại hành trình đưa Lens Technology đến vinh quang, Chu Quần Phi cho rằng sự bền bỉ và khiêm tốn chính là phẩm chất mà người trẻ nào cũng nên có để thành công. “Kinh doanh cũng giống như leo núi, bên cạnh sức mạnh thể chất thì sự kiên trì cũng là một yếu tố then chốt để thành công,” Chu Quần Phi chia sẻ khi cổ phiếu của Lens Technology được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Minh chứng cho việc phụ nữ cũng có thể thành công trong sân chơi của nam giới
Câu chuyện của Chu Quần Phi không chỉ cho chúng ta thấy về sự vượt khó thành công, mà còn là hành trình một người phụ nữ dám dấn thân và dẫn đầu trong “sân chơi của đàn ông.” Công nghệ vẫn luôn được biết đến như một lĩnh vực kinh doanh có nhiều doanh nhân nổi tiếng với phần lớn là nam giới, dẫn đến nhiều nhận định cho rằng đây là một “sân chơi” của họ.
Khuôn mẫu và định kiến giới vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong ngành khoa học tự nhiên rằng nam giới có khả năng tư duy logic và toán học hơn nữ giới nên nam giới luôn được cho là có lợi thế hơn phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Một nghiên cứu của Đại học Houston và Đại học Washington trên gần 2.500 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 về ảnh hưởng của định kiến giới đối với động lực của trẻ trong suốt cuộc đời. Kết quả cho thấy 63% số người được hỏi cho rằng con gái ít quan tâm đến kỹ thuật hơn con trai và chỉ 14% cho rằng con gái quan tâm đến khoa học hơn con trai.
Vì vậy, có rất ít nữ giới theo đuổi lĩnh vực này. Theo một khảo sát tại các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới năm 2021, lao động nữ chiếm khoảng 30%, tuy nhiên con số này chỉ dao động ở khoảng 20% đối với các vị trí liên quan đến công nghệ. Hơn nữa, bất bình đẳng giới trong thu nhập cũng đang thể hiện rõ trong nghành này. Với cùng một công việc, phụ nữ thường có mức lương thấp hơn nam giới. Theo báo cáo của Dice năm 2019, mức lương trung bình của phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Hoa Kỳ là 93.591 USD và của nam giới là 108.711 USD.
Bài học về tính kiên trì, bền bỉ và luôn không ngừng đổi mới của Chu Quần Phi đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ những cô gái đang trưởng thành và theo đuổi giấc mơ trong lĩnh vực công nghệ. Chu Quần Phi chính là một tấm gương sáng ngời với những mặt tích cực để phụ nữ có thể học hỏi theo. Đừng để những khó khăn, rào cản từ xã hội, cuộc đời khiến bạn gục ngã. Những định kiến về giới tính không nên là rào cản mà hãy là động lực để mỗi người phụ nữ cố gắng thể hiện bản thân mình hơn. Mỗi người phụ nữ đều có những năng lực, tài năng nhất định; điều cần làm là tự tin và làm hết sức mình. Cố gắng trau dồi tri thức và kỹ năng thật tốt vì đó chính là trang bị giúp bạn có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững nhất. Hãy tiếp tục đón đọc những bài viết tiếp theo của NOI về những người phụ nữ tuyệt vời nhé!