“Là con gái, đừng học kĩ thuật”

“Là con gái, đừng học kĩ thuật”, “Con gái thi Văn, Sử đi, học môn Tự nhiên làm gì?” Cô giáo tôi đã nói như thế trong những tháng hè lớp 12, khi chúng tôi đang trong guồng quay chọn trường đại học. Và khi tôi dám “nghi ngờ” lại lời răn dạy ấy bằng câu hỏi “tại sao?”, cô trả lời tôi không chút  do dự: “Con gái làm sao thông minh bằng con trai mà đòi học kĩ thuật”… Khi ấy, tôi chưa thể gọi tên cảm giác khó chịu khi trí tuệ bị so bì cũng như cái bức bối, ngột ngạt khi khả năng của bản thân bị giới hạn trong hai từ “con gái”. Sau này, khi đã hiểu biết hơn về bình đẳng giới và quyền phụ nữ, tôi nhận ra chính mình và vô vàn những học sinh nữ đã phải đối mặt với thứ rào cản vô hình mang tên “Khuôn mẫu giới”.

Sinh ra từ định kiến…

Khuôn mẫu giới – một thứ tưởng như vĩ mô chỉ tồn tại ngoài xã hội phức tạp, thực chất đã và đang được o bế, dung dưỡng ở những môi trường tưởng như “an toàn”, “lý tưởng” cho trẻ em như trường học hay gia đình. Những quan điểm rập khuôn về nghề nghiệp ẩn sâu dưới vỏ bọc của sự quan tâm, định hướng từ thầy cô và cha mẹ:

Từ khi nào giới tính đã trở thành yêu cầu tiên quyết trong việc chọn nghề nghiệp? Khuôn mẫu giới không tự nhiên mà có, chúng là kết quả của những định kiến ngầm về trẻ em nữ vẫn ám ảnh phụ huynh, thầy cô giáo. Trong mắt họ, trẻ em nữ thường “không thông mình bằng nam”, nên không thể học tốt những môn học đòi hỏi tư duy logic, thay vào đó nên học và chọn những ngành thiên về lí thuyết, “học thuộc” để “cần cù bù thông minh”. Hay những ngành kĩ thuật là khô khan, vất vả, không phù hợp với “hình tượng con gái”, phải dịu dàng, nữ tính. 

Bản thân định kiến cũng có tính “lan truyền”, đặc biệt nguy hiểm khi các em học sinh chưa thể tự hình thành suy nghĩ độc lập. Các em có xu hướng tin vào bố mẹ, tin vào thầy cô hơn là sở thích cá nhân. Nhiều em cũng vì những định kiến của người lớn mà gạt bỏ đam mê, để không đi ngược với kì vọng của xã hội, đi ngược với số đông. Tệ nhất, định kiến dẫn đến niềm tin và khả năng bị giới hạn, các em nữ không được đầu tư học những môn tự nhiên, một số em thậm chí tin rằng mình không giỏi nên không cố gắng học tập, tự giới hạn mình trong khuôn khổ mà người lớn đặt ra.

Nguồn hình ảnh: European Institute for Gender Equality (2017)

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Houston và Đại học Washington trên gần 2,500 học sinh từ lớp 1-12 về ảnh hưởng của khuôn mẫu giới đến động lực của trẻ em trong suốt cuộc đời của chúng. Kết quả cho thấy 63% số người được hỏi tin rằng con gái ít quan tâm về ngành Kỹ thuật hơn con trai, và chỉ 14% nói rằng trẻ em gái quan tâm đến môn Khoa học hơn các trẻ em trai.

Thực tế tại các trường cơ sở giáo dục bậc cao tại Việt Nam cũng chỉ ra tình trạng chênh lệch giới tính trong phân ngành. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ nữ sinh viên dao động từ 5% đến 20% đối với khối ngành kĩ thuật. Ngược lại, ở các ngành khối xã hội như ngôn ngữ, sư phạm thì tỉ lệ sinh viên nữ thường chiếm đa số.

…Rồi trở thành bất công

Chính khuôn mẫu giới trong giáo dục dẫn đến sự mất cân bằng giới tính trong các ngành nghề làm việc, và là một trong những nguyên nhân dẫn tới bất bình đẳng thu nhập theo giới tính. Phụ nữ khi bước chân vào các ngành vốn được xem là “thế giới của đàn ông” lại trở nên yếu thế. Các cơ hội thăng tiến hay thỏa thuận lương cho các vị trí này là không nhiều cho phụ nữ. 

Bất công tồn tại do khuôn mẫu giới, rồi lại tạo không gian cho khuôn mẫu giới tiếp tục phát triển. Vòng lặp ấy không biết bao mới được phá bỏ, chừng nào lối tư duy đi theo số đông, không dám khác biệt, né tránh khó khăn…vẫn ăn sâu trong suy nghĩ những người lớn đang định hướng sai lệch cho con trẻ.  

“Tôi là nữ, và tôi có thể học kĩ thuật!”

Trách nhiệm của những bất công và định kiến có thể chia đều cho toàn xã hội. Từ truyền thông đại chúng, nơi đã tiêm vào trí óc người xem hình ảnh những kĩ sư nam giới, mạnh mẽ và thông minh, đến cả những phụ huynh, vì quá lo lắng mà ngại ngần cổ vũ rồi định hướng con em sai lệch. Không dễ để phá bỏ khuôn mẫu trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không bất khả thi nếu chúng ta nhìn vào những người phụ nữ dám thử thách và đã thành công: 17 nhà khoa học nữ đạt giải Nobel, Người sáng tạo ra Wifi, Mẹ đẻ của Ngôn ngữ lập trình, Người phụ nữ sáng chế ra Vaccine Covid-19 AstraZeneca.

Tôi không nêu tên họ vì tôi tin chắc rằng trong tương lai chúng ta sẽ không kể sao cho xuể những câu chuyện thành công của các cô gái theo đuổi ngành khoa học kĩ thuật. Những bé gái phải được gỡ bỏ gánh nặng mang tên “định kiến giới”, để phát huy hết tiềm năng và đam mê của mình. Hãy dám khác biệt và đón nhận thử thách. Trong một tương lai không xa, bạn sẽ chính là nguồn cảm hứng cho một bé gái nào đó, để cô bé ấy dám theo đuổi đam mê, dám dấn thân, để nói với thế giới rằng: Tôi là nữ, tôi có thể học khoa học kĩ thuật và tôi có thể thành công.

Mướp

Nếu Chúa có thật, tớ sẽ hỏi Ngài sao lại tại sao lại tạo ra Eva từ chiếc xương sườn của Adam? Nhưng thật buồn, Chúa không tồn tại và đâu đó ngoài kia có một nàng Eva sinh ra từ bụng mẹ, sẵn sàng chinh phục thế giới.

Exit mobile version