Thường trước một buổi phỏng vấn xin việc hay thuyết trình trước đám đông, một trong những lời khuyên phổ biến mà mọi người hay bảo tôi là “Hãy là chính mình”. Nhưng thú thật, nếu tôi hoàn toàn là chính mình lúc đó thì chắc tôi đã tự đưa mình đến thất bại. Như thế nào là chính mình có hiệu quả? Và liệu chúng ta có thật sự nên hoàn toàn áp dụng lời khuyên đó trong mọi hoàn cảnh? Bài viết dưới đây được tóm ý từ chia sẻ “Authenticity is a double-edged sword” (tạm dịch “Sống thật với chính mình là con dao 2 lưỡi”) trên Ted Talk của Adam Grant – nhà tâm lý học, tác giả sách nổi tiếng người Mỹ, và hiện đang là giáo sư tại Đại học Wharton danh tiếng.

Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng khi bạn có quyền tự do bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình, năng lượng và hiệu quả làm việc của bạn theo đó cũng tăng lên. Và nếu trong trường hợp ngược lại, việc không được là chính mình khiến bạn dễ căng thẳng và kiệt sức. Tuy nhiên, tại môi trường làm việc, việc là chính mình nên được thực hiện với sự thận trọng để tránh những kết quả không mong muốn hay những xung đột không cần thiết.
1/Đặt ra ranh giới thể hiện chính mình trong phạm vi cho phép
Nếu bạn chọn thể hiện điểm yếu của mình trước những người đồng nghiệp xung quanh, hãy chắc chắn rằng nó không phản ánh năng lực làm việc của bạn. Điều đó đặc biệt quan trọng trong trường hợp bạn chỉ mới bắt đầu công việc và những đồng nghiệp xung quanh chưa có nhiều nền tảng và thông tin để đánh giá bạn. Hãy tưởng tượng có 2 nhân viên cùng thể hiện sự lo âu trước buổi thuyết trình chốt giao dịch làm ăn với khách. Một người có hơn 2 năm kinh nghiệm và các đồng nghiệp biết chắc rằng nhân viên này luôn biết linh hoạt xử lý các tình huống dựa vào khoảng thời gian dài làm việc chung và chứng kiến năng lực thật sự của người đó. Người còn lại mới làm vị trí đó khoảng 2 tháng và đây là buổi thuyết trình đầu tiên của bạn ấy. Trong trường hợp này, bạn sẽ cảm thấy e dè cho người nào?
2/ Sống thật với bản thân nhưng không bỏ quên sự cảm thông

Có khá nhiều người trong chúng ta hay lấy lý do “tôi chỉ đang sống thật và nói thật” cho hành vi hay lời nói thiếu tôn trọng với người xung quanh. Tôi rất hoan nghênh việc bạn sống đúng với giá trị sống của mình và không giả tạo, nhưng chúng ta cũng không nên đi lệch theo hướng chủ nghĩa ái kỷ mà bỏ qua quan sát và nhìn nhận giá trị/cảm xúc của người khác. Hay như David Sedaris từng nói: Be yourself. Unless ‘yourself’ is an asshole (tạm dịch “Hãy là chính mình, trừ khi bản thân của bạn là một kẻ tồi”)
3/ Tất cả chúng ta đều có nhiều cái tôi phân mảnh
Ở mỗi trường tiếp khác nhau, chúng ta sẽ có những định danh gắn liền với với những tính cách và trách nhiệm khác nhau. Bạn khi dành thời gian với bạn bè thường khác với bạn khi bên cạnh gia đình hay khi làm việc. Việc chọn thể hiện cái tôi nào vào tuỳ thuộc theo từng trường tiếp và thời điểm. Chúng ta nên linh hoạt và tự mình trau dồi kỹ năng và kiến thức cho các phiên bản của mình. Nếu cái tôi cốt lõi của bạn là người hướng nội, nhưng đường đời đưa đẩy công việc hiện tại của bạn là nhân viên kinh doanh. Thay vì sống thật với chính mình và khiến cho việc tìm kiếm những mối làm ăn gặp nhiều khó khăn, hãy thực hành và nâng cao các kiến thức chuyên môn để tăng khả năng thuyết phục khách hàng của mình.
Chúc bạn làm chính mình thành công ở môi trường công sở! 🙂