“Mùa hè đến rồi, cùng khoe Beach Body của bạn”, “Làm sao để giảm 10kg trong 1 tháng”, “Làm sao để giữ được người yêu/chồng trong khi bạn không ABC như cô gái kia”, “Diễn viên A mất điểm trong mắt công chúng khi trở nên gầy gòm”,… Bạn hoàn toàn có thể nhận ra được những tít bài quen thuộc này nhan nhản trên các trang thông tin và mạng xã hội.
Việc được tiếp xúc với nhiều hình mẫu thông qua các kênh truyền thông đại chúng, đơn cử là mạng xã hội, một cách liên tục như hiện nay cũng góp phần tạo nên những định nghĩa về vẻ đẹp khác nhau ở mỗi người. Nhưng đôi khi, những quy chuẩn riêng này lại bị áp đặt lên người khác và chính bản thân một cá nhân, dẫn đến những áp lực và sự tự dè bỉu chính cơ thể của mình.
Điều này gây ra những cảm giác mặc cảm về ngoại hình của bản thân. Mặc cảm ngoại hình không chỉ đến từ người khác nhận xét mình, mà còn cả từ việc nhận định về bản thân thông qua vẻ đẹp quy chuẩn của cộng đồng mình (mong muốn) được thuộc về và được công nhận.
Bên cạnh đó, miệt thị ngoại hình vẫn là một vấn nạn đáng lên án. Tuy nhiên, điều này vẫn đang diễn ra như một điều rât đỗi bình thường. Người ta xem việc nhận xét về ngoại hình của một người là câu chào cửa miệng: “Dạo này béo thế, sắp có em bé à?”.
Cả miệt thị ngoại hình chủ động hay bị động đều đem đến những tác động khác lên một người, ảnh hưởng đến những hành động của họ để giải tỏa cảm xúc họ nhận được, như phải chỉnh sửa ảnh để trở nên lung linh hơn, phải trang điểm hoặc phẫu thuật thẩm mỹ để che đi những điểm mình xấu hổ, hoặc thay đổi một cách tích cực và lâu dài qua việc phát triển một lối sống lành mạnh.
Đã có 144 người tham gia khảo sát Cùng NÓI chia sẻ những quan điểm về vẻ đẹp ngoại hình và trải nghiệm về việc bị miệt thị ngoại hình của bản thân.
Trong 144 người, chỉ có 44 người (chiếm 31%) cảm thấy tích cực về ngoại hình của mình, 4.1% thật sự cảm thấy rất tích cực. 15.9%, tương đương 23 người thấy tiêu cực và 3.4% cảm thấy rất tiêu cực về bản thân mình.

Khi được hỏi về trải nghiệm về bị miệt thị ngoại hình, có 100% người tham đã từng bị miệt thị ngoại hình, trong đó, 53.1% người tham gia thỉnh thoảng gặp phải những lời nhận xét về ngoại hình của mình, 18.6% người bị miệt thị thường xuyên và đến 2.8% người tham gia luôn luôn thấy mình bị miệt ngoại hình.

Giữa những tác nhân khiến người tham gia khảo sát cảm thấy bị mặc cảm vì ngoại hình của mình, có đến 93 người đồng tình rằng bạn bè là người khiến họ cảm thấy mặc cảm nhất. Theo sau đó là gia đình với 80 người đồng tình, và mạng xã hội với 71 người tham gia lựa chọn. Đặc biệt, có đến 67 người, tương đương 47.5% người tham gia cho rằng bản thân họ cũng là tác nhân khiến họ cảm thấy mặc cảm về vẻ ngoài của mình.

Miệt thị ngoại hình có thể khiến người đón nhận cảm thấy bi quan, tự ti, thậm chí tạo các tác động xấu đến tinh thần, khiến họ thực hiện một số hành vi không kiểm soát. Trong khảo sát, 38.7% người tham gia cho rằng họ cảm thấy lo lắng sau khi bị nhận xét tiêu cực về ngoại hình, 59.2% cảm thấy xấu hổ và 22.5% cảm thấy điều đó khiến họ trầm cảm. Điều đáng lo ngại là có đến 7%, tương đương đến 10 người, từng có ý định tự sát khi bị miệt thị.
Nhưng bên cạnh đó, khi nhận những lời nhận xét không hay từ người khác về vẻ ngoài của mình, người tham gia vẫn giữ được tâm thế tích cực, có 20.4% thấy việc đó khiến họ tự tin về bản thân mình hơn và 24.6% cảm thấy điều đó khiến họ chấp nhận những khuyết điểm của mình.


Liệu bị miệt thị ngoại hình có khiến người tham gia khảo sát phải che đậy những khiếm khuyết của bản thân để cảm thấy tự tin và tránh được những nhận xét tiêu cực? Trong thời đại mà mạng xã hội gần như là một điều không thể thiếu trong cuộc sống, việc thể hiện và chia sẻ về bản thân trên các nền tảng này cũng là một nhu cầu cơ bản của con người. Như ở câu hỏi số 3, mạng xã hội được xem là một trong ba tác nhân gây tác động tiêu cực nhất đến việc một người cảm thấy thế nào về ngoại hình của mình. Có đến hơn 80% người tham gia từng một lần chỉnh sửa ảnh của họ trước khi đăng lên mạng xã hội. Đặc biệt, có 14.2% người tham gia luôn luôn thực hiện “thủ tục” đó trước khi chia sẻ ảnh bản thân.

Nhưng chỉnh sửa ảnh cũng chỉ là một biện pháp tạm thời. 71% người tham gia cho biết họ từng muốn thay đổi ngoại hình của mình khi bị miệt thị vẻ ngoài.

Trong đó, bắt đầu một cuộc sống lành mạnh và bền vững thông qua việc (1) tập thể dục và (2) thay đổi chế độ ăn là lựa chọn hàng đầu với 118 người và 107 người tham gia lựa chọn tương ứng.
Một bộ phận nhỏ giao động từ 15 – 25% người tham gia có lựa chọn về việc thực hiện các liệu pháp thẩm mỹ như phẫu thuật, sử dụng các loại mỹ phẩm, trang điểm, điều trị nha khoa thẩm mỹ,… Một số người từng nghĩ đến sử dụng sản phẩm giảm cân (32 người) hoặc phát triển cơ bắp (5 người), hoặc mặc quần áo định hình (39 người).

Những cản trở và vấn đề tự ti về ngoại hình có thể xuất phát từ việc bản thân một người chưa được khuyến khích nói chuyện cởi mở về cơ thể cũng như những thay đổi ở bản thân. Cha mẹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển hình ảnh cơ thể tích cực và lòng tự trọng. Nhưng có đến 40.8% người tham gia chưa bao giờ có những cuộc trò chuyện về cơ thể, hay được nói lên những thắc mắc của mình về nó dù ở nhà hay ở trường học.

Ngoại hình của một người cũng có thể gây cản trở cho họ trong một số khía cạnh trong cuộc sống. Đến 57.6% người tham gia nhận thấy ngoại hình khiến họ gặp cản trở trong chuyện tình cảm, 43.4% và 42.4% người tham gia gặp cản trở về mặt sức khỏe và công việc. Cụ thể, họ cảm thấy “ngại làm quen, ngại bắt chuyện vì tự ti về ngoại hình của mình, khiến việc tạo dựng các mối quan hệ mới càng khó khăn hơn.”

Một vài câu chuyện mà bạn có thể tìm thấy mình ở đó:
Mình rất thích tham gia các hoạt động từ thiện, các dự án thay đổi cộng đồng. Nhưng mình cảm thấy sự thấp bé của bản thân là điều cản trở mình khi nộp đơn tham gia vì mọi người thường cho rằng mình yếu ớt không đủ sức khỏe để tham gia. Mình cũng tự ti khi làm quen với ngưòi mới và phát triển mối quan hệ vì lo sợ mọi người không thích mình nếu mình không còn xinh đẹp. – Anonymous audience
Vì có ngoại hình không được xinh đẹp nên cấp 2 mình là đối tượng của Bạo lực học đường. Vào cấp 3, vì mình không phải là “chuẩn” trong những khuôn mẫu về vẻ đẹp của các bạn nam trong lớp, nên thường hay bị đem ra bình luận, dè bỉu và có những lời lẽ xúc phạm. – Anonymous audience
Mình sinh ra với cơ thể nữ, thừa hưởng gen thấp bé của gia đình nên điều này càng làm mình tự ti hơn khi mình xác định bản dạng giới là nam. Mình lo sợ sau khi đã phẫu thuật định giới, đã sử dụng hormone nhưng có thể vì chiều cao của mình mà sẽ không được nhìn nhận với tư cách là một người nam (nghe hơi vô lí nhưng mình vẫn đang luôn lo lắng về điều này mỗi ngày). Mình có thử tập bóng rổ nhưng không tập đều, lại không phù hợp với môi trường ở đó cộng thêm mặc cảm tự ti về thể chất (có một lần mình ngã trên sân thì bị một thằng con trai nói oang oang là “Đã yếu mà còn ra gió”, hay có lần mình tập nhảy qua xà ngang ngã giữa sân, bị nhìn chằm chằm và cười cợt – nó ám ảnh mình đến tận bây giờ thành ra mình không còn tập thể dục khi có người khác nhìn thấy nữa). Mình thường bị nhầm là học sinh cấp 1 cấp 2, thường hay bị nói mát là mặt trông xấu quá (mặt mình có mụn, mũi hơi bạnh ra chút nhìn hơi thô,…) bởi người nhà hoặc thỉnh thoảng là người xung quanh (dù không có ý xấu nhưng mình vẫn cảm thấy tổn thương thật sự). Từ một đứa bé tự tin, bạo dạn, luôn cười toe toét trước ống kính máy ảnh, dần dần mình thu mình lại, chỉ cười khi đã đeo thêm khẩu trang hoặc giấu một phần mặt đi, có đôi lúc là muốn tránh hoàn toàn gần như không muốn tiếp xúc với người khác để không phải nghe một lời bình phẩm vô ý về ngoại hình. Mình không phải là không muốn và không có điều kiện để thay đổi, mình chỉ muốn tập trung vào những thứ khác trước và nếu như không chịu ảnh hưởng bởi môi trường quanh mình thì mình thấy mặt mình cũng chẳng đến nỗi nào. – Anonymous audience
Nhưng định nghĩa về vẻ đẹp ngoại hình của mỗi người là khác nhau, nó có thể được xây dựng hoặc tác động dựa trên cách giáo dục, hoặc một nền văn hóa, tôn giáo mà người đó thuộc về. Tuy nhiên, chỉ có 35% người tham gia khảo sát thừa nhận họ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố này lên việc nhận định hình ảnh các nhân hoặc cái đẹp nói chung. Cụ thể sự ảnh hưởng này của họ:
Việc mình sinh ra ở châu Á và còn là một người con gái Việt Nam thì những định kiến về con gái thướt tha đài các tóc đen dài vóc dáng mảnh mai, v.v. đã vốn là một định kiến có sẵn từ lâu rồi. Nhưng ở thời đại mới mình lại gặp phải những áp lực khác từ văn hóa phương Tây và các nước lân cận như Hàn Nhật thì hình ảnh con gái da trắng mắt to nhỏ nhắn xinh xắn eo thon đùi nhỏ, hay da bánh mật cao ráo khỏe khoắn bụng có múi… nó cũng trở thành những tiêu chuẩn cái đẹp mới. Mình thấy vấn đề nằm ở nhận thức của mỗi người, nếu mình cho phép những hình ảnh đó ám ảnh bản thân thì cho dù có thuộc nền văn hóa, tôn giáo, dân tộc nào cũng sẽ bị ảnh hưởng nhận thức về hình ảnh cá nhân hoặc nhận thức về cái đẹp thôi. – Anonymous audience
Mình nghĩ là thật ra ở bất kỳ đâu cũng có một tiêu chuẩn về cái đẹp nhất định, và đấy là lý do vì sao có sự miệt thị ngoại hình. Mình hay nghe về tiêu chuẩn là phải nặng trong khoảng nào không gầy quá không béo quá, da phải trắng, ra đường phải trang điểm. Mình thì không nghĩ mình bị ảnh hưởng nhiều từ những tiêu chuẩn này, nhưng mình nghĩ nhiều bạn khác có thể cảm thấy áp lực. – Anonymous audience
Mình không bị ảnh hưởng khi thuộc về một nên văn hóa, dân tộc, nhưng có một chút khi thay đổi môi trường sống. Mình ăn mặc thoải mái hơn khi đi học ở nước ngoài, và thấy tự tin về gu thẩm mỹ của mình. Nhưng về Việt Nam mình có chút e dè nếu giữ nguyên phong cách ăn mặc khi ở nước ngoài. Nhưng sau đó mình đã cân bằng lại được. – Anonymous audience

Chị em của NOI nói gì khi nói về vẻ đẹp ngoại hình:
Hồi lớp 8 em đã từng mua 7 triệu tiền thuốc giảm cân, uống trong vòng 3 tháng vì cảm thấy quá mặc cảm về ngoại hình. Có những lúc em tưởng mình sắp chết khi sử dụng thuốc liều cao (do trước đó đã nhờn thuốc), nhưng vì một thân hình thon gọn em vẫn bất chấp. Bản thân ý thức được tác hại và cách hoạt động chỉ mang tính chất “giảm nước” của thuốc giảm cân nhưng tâm lí vẫn không cưỡng lại được. Đến hiện giờ suy nghĩ sử dụng thuốc giảm cân vẫn thoáng qua trong đầu em khi cảm thấy tự ti về cơ thể mình, tuy nhiên lí trí của em đã mạnh mẽ hơn để dựng dậy tinh thần và cảm xúc của bản thân. Em luôn muốn cắt mí & gọt hàm dù chưa từng bị miệt thị, đơn giản vì bản thân mình, vì muốn bản thân mình “đẹp” hơn (quan điểm đẹp của em, một lần nữa, bị ảnh hưởng nhiều bởi xã hội). – Halsey Ng, founder LittleTMealPrep
Tâm lý con gái và mọi người thì luôn muốn mình đẹp và được yêu thích. Làm việc ở Perlamuse, tôi cũng có cơ hội được làm việc với nhiều bạn người mẫu. Mặc dù trong mắt mình, các bạn mẫu là cực kì xinh nhưng không phải ai cũng tự tin đâu.
Ngày xưa Perlamuse có làm việc với một bạn mẫu Tây. Kiểu hình ảnh của Perlamuse luôn tôn trọng sự tự nhiên của mỗi người, kể cả người mẫu. Nên gần như khi chụp ảnh mẫu với sản phầm, gần như là để nguyên, chỉ xóa những gì nó nổi bật quá thôi, còn lại tàn nhang trên mặt là cứ y vậy. Nhưng đa số các bạn mẫu lại không thích như thế, lại thích kiểu hoàn hảo, mượt mà, mặc dù nét tự tin của bạn mẫu đó rất xinh, nhưng họ quen với những hình mẫu hoàn hảo như thế rồi.
Nên mình nghĩ các bạn ấy là người tự tin nhất về bản thân nhưng không phải, họ luôn luôn thấy có người tốt hơn Ví dụ như xem Instagram của một bạn khác nhìn đẹp hơn tôi nên tí tôi lại đăng rồi xóa đi. Nhìn mọi người đều sang chảnh, mà nếu mình không như thế, hoặc không còn như thế nữa, thì lại thấy tự ti. – Khánh Linh, founder Perlamuse
Đối với mình đẹp vừa là quan điểm cá nhân vừa là quan điểm mang tiêu chuẩn chung. Có những vẻ đẹp thuộc về quan điểm cá nhân mình thấy nó đẹp là được ví dụ như cơ thể mình, sở thích của mình thì miễn sao bản thân thấy thích thấy yêu không ảnh hưởng đến sức khoẻ, không ảnh hưởng đến mọi người thì là ổn. Còn những vấn đề cộng đồng, thì có những tiêu chuẩn nhất định, đôi khi vẻ đẹp đi ngược lại những tiêu chuẩn lại phá cách tạo nên tiền lệ mới, còn đôi khi đi ngược lại lại tạo ra thảm hoạ, gây phản cảm thì đó là cái đẹp phải đi cùng với cộng đồng, phải cần chọn lọc và sáng tạo đúng hướng. – Anonymous audience
Đẹp là khi bạn soi mình vào gương và yêu con người đó. Khi bạn biết mình đang là phiên bản tốt nhất của bản thân và tự tin về điều đó, những câu miệt thị không thể đánh gục bạn, đó là đẹp. – Anonymous audience
Còn đối với bạn, điều gì khiến bạn yêu vẻ đẹp của chính mình?